15/02/2025 10:15 GMT+7

Coi trọng đám cưới hơn đăng ký kết hôn: Thiệt thòi khi 'đụng' chuyện

Dư luận mấy hôm nay bàn nhiều về chuyện chàng trai đi hỏi cưới hai cô gái trong vòng ba tuần sau khi cả hai phụ nữ đều đang mang thai. Hai cô được cưới nhưng không có gì để đảm bảo quyền lợi về hôn nhân đúng pháp luật.

Chỉ cần đám cưới, bỏ qua chứng nhận kết hôn - Ảnh 1.

Ai cũng mong một đám cưới rỡ ràng trong sự chứng kiến của dòng họ. Vậy xin đừng quên ánh mắt và nụ cười không tròn hạnh phúc của những đứa trẻ lớn lên trong cảnh cha mẹ không phải là vợ chồng hợp pháp.

Rất nhiều ý kiến bàn về chuyện chàng trai này có vi phạm pháp luật không? Luật sư giải thích là "không" bởi vì anh này chưa đăng ký kết hôn với ai cả (nên không vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình).

Nhiều bình luận cho rằng mọi người được làm những gì pháp luật không cấm. Cả hai cô đều đã được "cưới hỏi đàng hoàng", rằng "đính hôn vẫn được xem như kết hôn", luật pháp không cấm (làm lễ) đính hôn với nhiều người...

Tôi cho rằng nếu có nhiều người hành xử như anh trai trong câu chuyện trên, mọi chuyện sẽ... loạn. Hôn nhân không phải chuyện cam kết miệng. Từ câu chuyện này tôi nghĩ về thực tế hiện nay không ít cặp đôi xem nhẹ việc đăng ký kết hôn trước đám cưới theo đúng quy định pháp luật.

Thực tế xã hội cho thấy người người vẫn xem trọng nghi lễ hỏi cưới hơn giấy chứng nhận kết hôn. Đám cưới luôn đông người chứng kiến, thậm chí rất ồn ào xa hoa nhưng những thiệt thòi trong hôn nhân chưa (hoặc không) có chứng nhận kết hôn chỉ có người trong cuộc mới phải hứng chịu. Nhất là với những trường hợp đã có thai, sinh con nhưng không có đăng ký kết hôn.

Có ai muốn con mình sinh ra khai sinh khuyết tên cha hoặc có tên cha nhưng đó là con ngoài giá thú? Những đứa bé trong câu chuyện buồn tương tự như chuyện vỡ lở mấy hôm nay ở Quảng Nam mới đáng thương nhất.

Trong câu chuyện một anh cưới hai chị, nhiều người cho rằng anh này chưa đăng ký kết hôn với ai nên không vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình. Thế nhưng, cái gọi là "danh phận" cho hai người phụ nữ và hai đứa trẻ trong cuộc mới éo le, chát đắng làm sao khi "danh phận" chỉ thấy chốc lát trong đám cưới! Những thiệt hại không đong đếm được nối tiếp đến sau.

Câu chuyện "nhà trai" hai lần đi cưới vợ cho con trong một tháng cũng phản ánh thực tế xã hội xem đám cưới, đám hỏi là trách nhiệm quan trọng nhất. Việc đăng ký kết hôn đúng pháp luật dễ dàng bị bỏ qua.

Thực tế cũng cho thấy không ít người sống chung như vợ chồng, có con chung nhưng không quan tâm hoặc không biết chồng/vợ mình vẫn đang còn quan hệ hôn nhân với người khác. Bởi vì việc lên phường ra xã đăng ký kết hôn vẫn còn bị xem nhẹ.

Báo chí cũng vừa đưa thông tin vụ việc một phụ nữ Việt quê Nghệ An đưa hình ảnh chồng mình chụp ảnh cưới với một cô gái trẻ trong khi chị đang hợp tác lao động ở Đài Loan. Khi hình ảnh lan truyền, cô gái trong ảnh cưới vội thanh minh rằng ảnh cưới chỉ "chụp chơi cho vui" và đôi bên đã chia tay, cô gái cũng phủ nhận chuyện mang bầu...

Thêm một vụ việc cho thấy sự "hồn nhiên" rất nguy hiểm trong những vụ việc đám cưới, chụp ảnh cưới, thậm chí sống chung không cần tìm hiểu về tình trạng hôn nhân - gia đình của "đối tác".

Hai câu chuyện được xem là chuyện riêng nhưng là một thực tế cần thay đổi. Hôn nhân bền vững trước hết cần sự hiểu biết đầy đủ về nhau. Và trách nhiệm pháp lý trước khi bước vào hôn nhân trước tiên là việc đi đăng ký kết hôn để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho mình và những đứa trẻ.

Sống làm việc theo pháp luật, đừng xuề xòa bỏ qua việc chấp hành quy định pháp luật về hôn nhân.

Khó chia tài sản thừa kế vì không đủ yếu tố pháp lý

Cùng với những bi kịch từ hôn nhân không hợp pháp, xã hội còn thấy rất nhiều vụ anh chị em ruột, dòng họ mấy chục năm thưa kiện nhau vì mảnh đất, cái nhà ông bà cha mẹ để lại. Có những vụ kiện mấy mươi năm, đến khi có người qua đời rồi anh em vẫn chưa ngưng đi kiện. Lại có những vụ không ai kiện ai cho đến khi một người cầm dao đoạt mạng anh em chỉ vì không được cho "miếng đất cất nhà".

Tài sản thừa kế sẽ khó phân chia khi không đủ yếu tố pháp lý. Mâu thuẫn trong gia đình phức tạp không thua kém mâu thuẫn trong hôn nhân. Mọi sự sẽ đơn giản hơn khi ý thức sống và làm theo đúng pháp luật được nâng cao hơn.

Chỉ cần đám cưới, bỏ qua chứng nhận kết hôn - Ảnh 2.Vụ người đàn ông Quảng Nam cưới cùng lúc 2 cô gái vì có bầu, luật sư nói gì?

Câu chuyện người đàn ông Quảng Nam cưới hai vợ vì đều có bầu cùng lúc đang đặt ra những vấn đề pháp lý liên quan đến Luật Hôn nhân và gia đình. Luật sư nói gì?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên