Ngoài ra, tổ lái và tiếp viên trưởng còn bị phạt tiền.
Phóng to |
Lý Nhã Kỳ chụp hình với phi công trong khi máy bay đang bay - Nguồn: Facebook Lý Nhã Kỳ |
Chuyện cho hành khách vào buồng lái không phải là lần đầu tiên xảy ra ở VNA và VN. Trên thế giới nhiều phi công đã bị sa thải, phạt tiền rất nặng vì hành vi coi thường an toàn bay và sinh mạng của hàng trăm hành khách trên chuyến bay.
Giao lưu trên không
"Trong trường hợp này máy bay đang hoạt động, phi công lại cho người lạ ngồi vào ghế điều khiển nên mức độ uy hiếp an toàn bay nặng hơn" Ông Lại Xuân Thanh (cục trưởng Cục Hàng không VN) |
Ngày 20-4, trên chuyến bay số hiệu 595 của VNA từ Hong Kong đến TP.HCM, cựu đại sứ du lịch Lý Nhã Kỳ đã ngỏ ý với tiếp viên trưởng chuyến bay Lâm Quang Tiến xin được vào thăm buồng lái và giao lưu với tổ lái.
Các tấm ảnh này sau đó được tung lên mạng, trong đó có hai tấm ảnh chụp nữ hành khách này đội nón phi công chụp chung với cơ trưởng, cơ phó và một tấm cô này ngồi hẳn lên ghế phụ của cơ phó. Tất cả ảnh này đều được chụp trong lúc máy bay đang ở chế độ bay ổn định.
Theo một quan chức Cục Hàng không VN, sau khi các tấm ảnh này được công bố trên mạng xã hội Facebook, cơ quan quản lý mới biết và vào cuộc vì “việc này đã uy hiếp an toàn bay”.
Ngày 7-5, chánh thanh tra Cục Hàng không Nguyễn Trọng Thắng đã triệu tập bốn người liên quan trực tiếp gồm hành khách Lý Nhã Kỳ, cơ trưởng chuyến bay Nguyễn Ngọc Như Ý, cơ phó Nguyễn Xuân Hải và tiếp viên trưởng Lâm Quang Tiến để làm rõ tình tiết sự việc.
Theo báo cáo, sau khi nhận thông tin của tiếp viên trưởng chuyến bay có nữ hành khách là cựu đại sứ du lịch muốn vào thăm tổ lái và chụp ảnh giao lưu, cả cơ trưởng và cơ phó đã đồng ý cho mời nữ hành khách này vào buồng lái máy bay.
Lúc này các phi công đang ngồi yên trên ghế, máy bay đang được đặt trong chế độ bay tự động. Khi khách vào, mặc dù đang điều khiển máy bay nhưng các phi công vẫn rời ghế lái để nhường chỗ cho nữ hành khách này rồi thay phiên nhau cùng chụp ảnh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lại Xuân Thanh - cục trưởng Cục Hàng không VN - cho biết chỉ riêng việc cho người không có nhiệm vụ vào buồng lái máy bay đã vi phạm quy định an toàn bay, an ninh hàng không. “Trong trường hợp này máy bay đang hoạt động, phi công lại cho người lạ ngồi vào ghế điều khiển thì mức độ uy hiếp an toàn bay nặng hơn” - ông Thanh nói.
Không phải lần đầu tiên
Trong khi đó, đại diện VNA cho biết ngày 22-4, ngay sau khi thông tin về vụ việc được đăng tải trên một số trang báo và mạng xã hội, VNA đã yêu cầu các cá nhân liên quan báo cáo tường trình và điều tra làm rõ sự việc.
“Tổ lái chuyến bay đã vi phạm tài liệu hướng dẫn khai thác của hãng về việc cho phép người không có nhiệm vụ vào buồng lái, gây ảnh hưởng tới an toàn chuyến bay. Do vậy, toàn bộ tổ lái của chuyến bay VN595 đã bị đình chỉ công tác từ ngày 25-4” - ông Lê Trường Giang, người phát ngôn VNA, nhấn mạnh.
Vẫn theo ông Giang, quan điểm xuyên suốt của VNA là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay. Các cá nhân vi phạm trong lĩnh vực an toàn, an ninh hàng không sẽ bị xử lý nghiêm.
Theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính của thanh tra Cục Hàng không VN ký ngày 10-5, cơ trưởng Nguyễn Ngọc Như Ý vi phạm quy định: thực hiện nhiệm vụ không đúng quy trình theo quy định, gây uy hiếp an toàn hàng không với mức phạt 3 triệu đồng và hành vi cho người vào buồng lái không đúng quy định với mức phạt 4 triệu đồng. Tổng số tiền phạt là 7 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái máy bay vận tải hàng không một tháng.
Cơ phó Nguyễn Xuân Hải bị phạt vì hành vi thực hiện nhiệm vụ không đúng quy trình theo quy định, gây uy hiếp an toàn hàng không với mức phạt tiền 3 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái máy bay vận tải hàng không một tháng.
Tiếp viên trưởng Lâm Quang Tiến bị phạt tiền 750.000 đồng và tước quyền sử dụng chứng chỉ tiếp viên hàng không một tháng về hành vi thực hiện nhiệm vụ không đúng theo chứng chỉ chuyên môn đã được cấp.
Về trường hợp của Lý Nhã Kỳ, ông Nguyễn Trọng Thắng cho rằng việc vào được buồng lái là do có sự đồng ý của tổ bay nên không có lỗi.
Phi công Nguyễn Thành Trung - nguyên phó tổng giám đốc VNA, phụ trách đào tạo - cho biết đây không phải lần đầu tiên các phi công của hãng này cho khách vào buồng lái.
Theo ông Trung, trước đây cũng có những lần VNA đã nhắc nhở, kỷ luật một số trường hợp phi công để người thân, người quen vào buồng lái, “điều này không được phép, nhưng do vi phạm chưa nghiêm trọng nên tổ bay chỉ bị nhắc nhở và cam kết không tái phạm”.
Mất việc, tai nạn thảm khốc do để người lạ vào buồng lái * Tháng 7-2012, một phi công của Hãng Air India bị sa thải sau khi cho mẹ ruột của mình vào buồng lái và không trả tiền vé cho chặng bay này. Trước đó, các thành viên trong tổ lái đã tranh cãi và cơ trưởng khẳng định sẽ không cho máy bay cất cánh nếu không cho mẹ ông ngồi trong buồng lái. Chuyến bay nội địa này dự kiến cất cánh từ Pune đến New Delhi, mang theo 122 hành khách đã bị chậm 22 phút so với thời gian dự kiến. * Hãng Cathay Pacific tháng 10-2011 đã truy tìm và phạt khá nặng một nhân viên của hãng do đã vào buồng lái chụp ảnh cơ trưởng của hãng đang ngủ trong lúc máy bay đang bay trên hành trình từ Dubai tới Hong Kong ở độ cao 11.000m hồi tháng 8-2011. * Một tai nạn thảm khốc đã xảy ra ngày 22-3-1994, khi máy bay Airbus 310 của Hãng hàng không Aeroflot (Nga) đâm xuống Siberia làm chết 63 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn vì cơ trưởng Yaroslav Kudrinsky cho hai con của mình vào buồng lái và cậu con trai 12 tuổi đã ngồi vào ghế điều khiển máy bay khiến máy bay đâm xuống đất. * Hãng hàng không Air India và Cục Hàng không dân dụng Ấn Độ đã cấm bay toàn bộ tổ lái chuyến bay mang mã hiệu AI 133 từ Bangkok (Thái Lan) đến New Delhi (Ấn Độ) ngày 12-4-2013 vì vi phạm chế độ an toàn bay. Hai viên phi công ngủ, để nữ tiếp viên ngồi sau tay lái điều khiển chuyến bay, sau đó cô này vô tình tắt chế độ tự bay khi máy bay đang ở độ cao 11.000m, chở theo 166 hành khách. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận