TTCT - Trên bề mặt hành tinh này, người ta vò đầu bứt tai với những khí thải nhà kính và bù đắp carbon. Đừng tưởng thế giới ngầm - theo nghĩa đen - không làm gì. Thông Thụy Sĩ Pinus cembra tuy có bộ rễ không sâu nhưng tỏa rộng ra xung quanh.Trong lòng đất tăm tối, rễ cây không ngừng bung tỏa về phía nguồn sống, chia sẻ dưỡng chất và thông tin để giữ cho nhau khỏe mạnh, vô tư gánh vác sự hưng suy của đất đai và những loài vật khác.Nhà khoa học rễ cây Lore Kutschera (1917-2008) và nhà nông học/họa sĩ minh họa Erwin Lichtenegger (1928-2004) đều từng làm việc tại Viện Pflanzensoziologisches (xã hội học thực vật) ở thành phố Klagenfurt (Áo). Họ để lại di sản quan trọng cho nhân loại: một "bản đồ rễ cây" khổng lồ - một "wood wide web" (như world wide web của con người) mang đến những tư liệu tốt lành cho sự sống.Bản đồ gồm 1.180 bản vẽ hé lộ thế giới bí ẩn của thực vật châu Âu, từ cây nông nghiệp đến những loài cỏ dại vây quanh, đến thảm thực vật tự nhiên trên dãy Alps hùng vĩ. Mỗi bản vẽ thể hiện hình dạng 2D của hệ thống rễ của từng loài, được vẽ rất chi tiết. Đó là kết quả của 40 năm đào đất và rửa sạch từng cọng rễ, một công việc nặng nhọc đáng ngưỡng mộ.Các bản vẽ cho thấy sức phát triển mãnh liệt của rễ cây. Chẳng hạn Carlina acaulis, một loài thực vật có hoa trong họ cúc, chúng nhỏ bé và nằm sát mặt đất, nhưng bộ rễ có thể ăn sâu nhiều mét trong lòng đất.Chắc rễ thì bền cây, đất đai cũng được hưởng lợi. Hệ thống rễ phát triển sâu rộng sẽ mở ra nhiều con đường cho phép nước xâm nhập sâu vào lòng đất, thúc đẩy sự phát triển của các vi sinh vật có lợi. Hệ thống rễ khỏe mạnh có thể giữ đất, ngăn ngừa xói mòn. Nhưng phải chăng chúng ta vì "xa mặt cách lòng" nên không nhìn thấy những vấn đề và giải pháp gốc rễ?Cây Carlina acaulis này có chiều cao 19cm, nhưng chiều dài rễ là 408cm và bộ rễ tỏa ra một không gian có đường kính 174cm. Lichtenegger, E. vẽ năm 1992.Tỉ như trong nông nghiệp, những loài cây bụi và cỏ dại - với bộ rễ đồ sộ, xuyên đất, phá đá - chính là lực lượng mở đường cho nước mưa thấm sâu và ở lâu trong đất, từ đó nuôi dưỡng các loài cây lương thực hay rau màu có bộ rễ nông hơn. Thế mà trên những cánh đồng độc canh, người ta ra sức diệt cỏ tận gốc, rồi phải viện đến máy móc và hóa chất để giữ cho đất khỏi khô kiệt. Hiểu theo nhiều nghĩa, cây cối quả thật trông chừng cho nhau, nếu ta không gán cho chúng cái nhãn "cỏ dại" và "cây trồng".Cuối cùng và không kém phần quan trọng, rễ cho phép đất thu giữ carbon - thành phần của khí nhà kính làm ấm hành tinh, gây biến đổi khí hậu. Thông qua dịch tiết của rễ (root exudation), quá trình rễ hô hấp và chết đi, rễ cây có thể "xuất khẩu" vào lòng đất từ 17-40% tổng lượng carbon được tạo ra từ quang hợp, tức là quá trình lá cây thu khí carbonic từ khí quyển và thải ra khí oxy.Theo một nghiên cứu năm 2022 do Đại học Birmingham (Anh) và Đại học Bergen (Na Uy) dẫn đầu, lượng khí carbonic trong khí quyển tăng lên sẽ khiến cây cối phát triển những bộ rễ dài hơn và nhiều hơn. Bằng cách hấp thụ và lưu trữ nhiều carbon hơn, dường như giới thực vật đang và sẽ trông chừng con người chúng ta đến khi nào chúng còn có thể.Câu hỏi đặt ra là chúng ta có sẵn sàng làm điều ngược lại, nhìn nhận sự liên đới giữa xã hội loài người và xã hội thực vật, giữa một mạng lưới to lớn hơn mang tên Trái đất?Từ một nơi tăm tối, rễ cây đã truyền cho tất thảy chúng ta một cẩm nang giản đơn về hy vọng: tiếp tục vươn đến nguồn sống, và trông chừng cho nhau. Đại học Wageningen của Hà Lan đã tài trợ cho việc số hóa toàn bộ công trình “Root Atlas”. Xin mời bạn đọc bấm vào đây để khám phá. Tags: Rễ câyThực vậtCarbonBù đắp carbonKhoa học
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.