13/01/2020 10:16 GMT+7

Cội nguồn đối đầu xung đột Mỹ - Iran

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Bức tranh chính trị ở Trung Đông đã khá rõ vào thời điểm hiện tại: các nước Ả Rập vùng Vịnh ủng hộ Mỹ và đối đầu với Iran. Cội nguồn của sự đối đầu đó đã bắt nguồn từ gần 1.500 năm trước kể từ sau cái chết của đấng tiên tri Muhammad năm 632.

Cội nguồn đối đầu xung đột Mỹ - Iran - Ảnh 1.

Theo Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, có đến 1,8 tỉ tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới, trong đó người theo dòng Sunni chiếm hơn 80% - Ảnh: AFP

Ở thì hiện tại, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia, Iran được xem như "Tam hùng Hồi giáo" của vùng Trung Đông. Nhưng chỉ có Iran được ví như "ốc đảo" khi theo Hồi giáo dòng Shiite giữa một "rừng" quốc gia Hồi giáo Sunni. 

Dù có sự chia rẽ, cả Hồi giáo Shiite và Sunni đều tin rằng chỉ có một thượng đế duy nhất là Allah và Muhammad là sứ giả duy nhất của người.

Chia rẽ

Thế kỷ thứ 7, đêm trước đỉnh điểm của một cuộc chiến giữa đế quốc Ba Tư và quân đội Hồi giáo Ả Rập, một sứ giả Ả Rập được cử đến thương lượng. Ông ta mang theo một bức thư mà nội dung của nó được lặp đi lặp lại ở mọi nơi người Ả Rập Hồi giáo đã đi qua. 

"Nếu các người đi theo Hồi giáo, các người sẽ được để yên. Nếu các người thuận theo cống nạp, chúng tôi sẽ bảo vệ các người nếu các người cần điều đó từ chúng tôi. Còn không, sẽ là chiến tranh".

Đối với những người theo đấng tiên tri Muhammad, thế giới bấy giờ chỉ có hai loại: dar al-Islam - những vùng đất đã bị chinh phục và được cai trị bởi một vương triều Hồi giáo; và dar al-harb - những vùng đất chưa theo Hồi giáo nhưng sẽ sớm bị hợp nhất thông qua các cuộc jihad (thánh chiến). Hàng trăm năm trôi qua, những vùng đất bên trong dar al-Islam giờ đây lại quay sang đối đầu nhau.

Sau cái chết của đấng tiên tri Muhammad năm 632, một cuộc khủng hoảng về người kế vị (khalip) đã dẫn tới sự chia rẽ giữa các tín đồ. Những người ủng hộ việc đưa cha vợ của Muhammad là Abu Bakr làm người kế vị cho rằng mối quan hệ giữa Muhammad và Allah là duy nhất và cuối cùng. Nhiệm vụ của những người kế vị chỉ là bảo vệ những gì đấng tiên tri đã mặc khải và sáng lập nên, bao gồm cả một vùng đất rộng lớn chiếm trọn bán đảo Ả Rập.

Trong khi đó, một số ít người cho rằng quyền năng lẫn trách nhiệm này nên được giao cho những người có quan hệ máu mủ gần nhất của Muhammad. Do đó không ai xứng đáng hơn Ali - người anh họ của ông, một trong những người đầu tiên cải đạo theo Hồi giáo. Họ tự gọi mình là Shiite Ali, tức "Phe của Ali", trong khi phe còn lại trở thành phái Sunni.

Những người ủng hộ Abu Bakr chiếm đa số nên giành chiến thắng nhưng mầm mống chia rẽ trong Hồi giáo đã bắt đầu từ đây. Khi Ali trở thành vị khalip thứ tư, ông bị ám sát và quyền lực lại trở về tay người Sunni. Những người Shiite tỏ ra bất bình và công khai chỉ trích những nhà cầm quyền mới, xem họ như những kẻ tiếm quyền không chính danh.

Năm 2012, một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) cho thấy có tới 40% những người Sunni được hỏi không coi những người Shiite là tín đồ Hồi giáo thực thụ. Tỉ lệ này đặc biệt cao tại những nước có đông người Sunni và ngược lại.

Thách thức từ Iran

Sự xuất hiện của Cộng hòa Hồi giáo Iran năm 1979 đã khiến hình ảnh người dẫn dắt Hồi giáo thế giới của Saudi Arabia bị tổn hại. Sự khác biệt về tôn giáo, với Iran theo hệ phái Shiite và Saudi Arabia theo dòng Sunni, được xem là nguyên nhân chính.

Đại giáo chủ Iran Ruhollah Khomeini, người đứng đầu chính quyền thần quyền mới sau cách mạng, đã thách thức tính chính danh của vương triều Hồi giáo Sunni ở Saudi Arabia và cho rằng những vị quân chủ của nước này không xứng đáng là "Người canh giữ hai thánh địa" quan trọng nhất của Hồi giáo. Để phô trương lực lượng, kể từ năm 1981, những người Iran hành hương về Mecca đã tổ chức các cuộc biểu tình chống Mỹ và Israel.

Tuy nhiên, trong cuộc biểu tình tháng 7-1987, cảnh sát và vệ binh quốc gia Saudi Arabia đã phong tỏa một tuyến đường nằm trong kế hoạch di chuyển của người biểu tình Iran, dẫn tới một cuộc đụng độ giữa hai phía khiến hơn 400 người chết, phần lớn là người Iran.

Tehran khẳng định cảnh sát Saudi Arabia đã nổ súng vào đoàn biểu tình ôn hòa, một cáo buộc bị Riyadh phủ nhận. Những tranh cãi không dứt giữa hai nước khiến Saudi Arabia quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran vào tháng 4-1988 và giới hạn số tín đồ Shiite Iran có thể hành hương tới Mecca từ 150.000 xuống còn 45.000. Iran trả đũa bằng cách cấm công dân hành hương trong vòng 3 năm. Mọi chuyện trở lại bình thường vào năm 1991 khi hai nước đồng ý nối lại quan hệ.

Năm 1979, tại Iraq, Saddam Hussein - một người theo dòng Sunni - trở thành tổng thống thứ 5 của đất nước. Một năm sau đó, cuộc chiến tranh đẫm máu Iran - Iraq bùng nổ. Trong suốt 8 năm chiến tranh, Iraq nhận được sự hỗ trợ tài chính từ nhiều nước vùng Vịnh, trong đó có Saudi Arabia và cả những nước bên ngoài không ưa Iran như Mỹ.

Tại Syria, một quốc gia có đông người Sunni, quyền lực tập trung vào gia đình al-Assad kể từ năm 1971 đến nay. Người đặt nền móng cho chế độ này - Hafez al-Assad và con trai của ông - đương kim tổng thống Bashar al-Assad theo dòng Alawites, một nhánh nhỏ của Hồi giáo Shiite. 

Năm 2011, những bất mãn của người Sunni chiếm đa số ở Syria đã bùng nổ và biến thành một cuộc nội chiến. Iran lập tức hỗ trợ cho chính quyền al-Assad trong lúc chính quyền Saudi Arabia hỗ trợ cho các tay súng nổi dậy Sunni ở Syria.

Trong khi đó, năm 2017, khi Qatar thể hiện sự không hài lòng trước việc gia tăng các hành động chống Iran, nước này đã ngay lập tức trả giá đắt. Dưới sự dẫn dắt của Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc Doha hậu thuẫn "chủ nghĩa khủng bố" - ám chỉ Iran.

Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh cho đến nay vẫn chưa kết thúc sau khi Qatar bác bỏ 13 yêu sách của Saudi Arabia và đồng minh, bao gồm một điều khoản buộc Doha cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran.

Vai trò của Mỹ ở Syria

Cục diện cuộc chiến ở Syria bắt đầu trở nên phức tạp, nhuốm màu sắc địa chính trị hơn là tôn giáo với sự xuất hiện của Mỹ. Tháng 8-2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố Bashar al-Assad phải "bước sang một bên" để người dân Syria tự quyết định tương lai của chính mình, ám chỉ về việc thay đổi chế độ ở Syria. Để tránh sa lầy như ở Iraq, Washington chọn giải pháp chính trị thông qua Liên Hiệp Quốc để chấm dứt "triều đại" al-Assad nhưng thất bại.

Theo Đài CNN, ông Obama sau đó bí mật ký một sắc lệnh cho phép CIA tiến hành huấn luyện phe nổi dậy ở Syria, cung cấp tiền bạc và vũ khí cho phe chống chính quyền al-Assad lẫn người Kurd trong lúc kêu gọi các nước vùng Vịnh ngừng hỗ trợ các nhóm Sunni cực đoan tại Syria, vốn đã bị Mỹ liệt vào danh sách đen.

Người dân tức giận vụ bắn nhầm máy bay, Iran xuống thang căng thẳng Người dân tức giận vụ bắn nhầm máy bay, Iran xuống thang căng thẳng

TTO - Ngày 12-1, Iran bày tỏ dấu hiệu ủng hộ xuống thang căng thẳng sau 10 ngày căng như dây đàn với Mỹ, trong đó cả hai bên đã bắn tên lửa và Tehran vô tình bắn hạ một máy bay chở khách.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên