Bà Nguyễn Thị Đẹp tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ, với những bức ảnh về con gái Nguyễn Thị Phương Mai: “Không biết con có bao giờ nghĩ trên đời còn có một bà mẹ ngóng trông nó không…” - Ảnh: TỰ TRUNG
Bà còn giữ tấm ảnh Phương Mai mở to đôi mắt nâu nhìn mẹ; ảnh cô gái Nguyễn Thị Đẹp tuổi 20 mặc áo dài, đeo tai nghe, ngồi nghiêng bên dàn máy tổng đài... Cả quá khứ ùa về.
Tôi hi vọng và tin tưởng con gái đã được gia đình cha mẹ nuôi yêu thương, đã vui vẻ, hạnh phúc với cuộc đời của nó. Nhưng còn bao nhiêu điều tôi muốn biết về đứa con gái duy nhất của mình, bao nhiêu câu hỏi muốn được trả lời... đến khi tôi chết
Bà NGUYỄN THỊ ĐẸP
Đứa con của chiến tranh
"Tôi lớn lên ở Sài Gòn. Thập niên 1960, Sài Gòn sôi động, nhiều biến cố. Tôi thích nghe nhạc ngoại và rất thích học tiếng Anh, chủ yếu tự học vì gia đình nghèo.
Năm 1968, tôi 19 tuổi, đến lúc phải tìm việc làm phụ giúp gia đình. Tôi theo các chị em bạn đến căn cứ quân sự Mỹ ở Long Bình, Đồng Nai xin làm tạp vụ.
Một thời gian ngắn, vì thấy tôi nói - viết tiếng Anh khá, ban quản lý cho chuyển lên làm tổng đài viên của khu căn cứ. Trong các sinh hoạt văn nghệ, tôi quen biết và yêu một sĩ quan Mỹ là thành viên đội quân nhạc...
Năm 1971, tôi mang thai. Vừa thông báo với Joe và cả hai chưa biết nên tính đến tương lai thế nào thì anh ấy hết thời hạn phục vụ và phải về Mỹ. Chúng tôi tiếp tục liên lạc với nhau trong hơn một năm nữa thì Joe bặt tin. Tôi không nhận được thư của anh nữa.
Tôi một mình sinh con gái vào ngày 5-1-1972, đặt tên con là Nguyễn Thị Phương Mai. Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết và thi hành, quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam và tôi cũng nghỉ việc tại Long Bình. Gia đình đùm bọc tôi nuôi con.
Rồi đến năm 1975, chiến tranh đi vào đoạn kết. Quân giải phóng càng tiến gần vào Sài Gòn, những tin đồn về "cuộc tắm máu" càng lan tràn. Tôi quá lo sợ cho mình vì đã có làm việc liên quan đến quân đội Mỹ, lại càng lo sợ cho con tôi, một đứa bé lai da trắng, tóc nâu, mắt nâu.
Nguyễn Thị Phương Mai lúc 3 tuổi và mẹ - Ảnh tư liệu gia đình
Rồi lại có người đến mách bảo tôi về chiến dịch Babylift mà người Mỹ đang gấp rút tiến hành. Để chắc chắn con gái mình sẽ được sống, tôi đã mang con đến một trại trẻ để đưa nó đi Mỹ".
Tôi không muốn rời Việt Nam. Ở Sài Gòn, cha mẹ tôi cần có con gái lớn bên cạnh, các em tôi cần có chị. Tôi phải dứt ruột để con mình ra đi. Về nhà, tôi khóc đến ngất xỉu. Cha tôi không bằng lòng, la mắng rất dữ. Ông nói đã có con thì phải sống chết với nó. Tôi nghe vậy càng đau lòng.
Bà Nguyễn Thị Đẹp kể về lý do không di tản vào tháng 4-1975
Không bỏ cuộc
Mấy mươi năm, bà Đẹp không lập gia đình, không có thêm con. Bà đã làm mọi công việc để tự lập, lo cho gia đình. Ngày nay đã gần 70 tuổi, bà vẫn ngày ngày làm công việc tạp vụ tại một trường học ở Thủ Đức. Ở trường ấy, bà được đám học trò rất vì nể vì "bà tạp vụ mà nói tiếng Anh như gió".
Mấy mươi năm ấy, cứ ngơi tay là bà lại nhẩm đếm xem Phương Mai nay đã bao tuổi, đoán con đã học tới đâu, lấy chồng, sinh con hay chưa.
"Tôi hi vọng và tin tưởng con gái đã được gia đình cha mẹ nuôi yêu thương, đã vui vẻ, hạnh phúc với cuộc đời của nó. Nhưng còn bao nhiêu điều tôi muốn biết về đứa con gái duy nhất của mình, bao nhiêu câu hỏi muốn được trả lời... đến khi tôi chết".
Cũng bao nhiêu năm đó, bà âm thầm tìm cách "mò kim đáy bể" để tìm con: tiếp tục tự học tiếng Anh, sưu tập các loại thông tin trên báo chí về chiến dịch Babylift, tìm gặp những "đứa trẻ Babylift" nay đã trưởng thành và trở về Việt Nam để hỏi tin tức, sưu tập tên những nhà báo, nhà ngoại giao Mỹ có quan tâm đến những vấn đề hậu chiến Việt Nam và viết thư nhờ giúp đỡ tìm con...
Bà đã làm tất cả những gì mà một người mẹ ở Việt Nam có thể làm, nhưng vẫn chưa có một tin tức nào về Phương Mai. Bà chỉ tìm thấy được một bài báo nhỏ thông báo tin người yêu của bà - cha của Phương Mai - người cựu binh Mỹ tại Việt Nam - đã qua đời năm 2013.
Những câu chuyện của chương trình ? trên Tuổi Trẻ một lần nữa thổi bùng lên đốm lửa hi vọng trong lòng bà. Lại tìm đến, lại trình bày, lại khắc khoải: "Tôi vẫn biết trường hợp của tôi rất khó. Phương Mai ra đi khi mới hơn 3 tuổi, con khó mà còn giữ được ký ức.
Phương Mai da trắng tóc nâu, nếu cha mẹ nuôi không cho biết thì con sẽ khó có thể nhận ra mình khác biệt với những người xung quanh, sẽ không biết mình là con nuôi, không biết mình gốc Việt, không biết có người mẹ Việt Nam trên đời. Biết khó vậy mà tôi vẫn cứ hi vọng, vẫn cứ phải tiếp tục tìm kiếm...".
Khi đưa Phương Mai đi, bà Đẹp đã gửi theo cho con tấm ảnh chụp cùng mẹ. Khi nào cô gái Mỹ ấy được nhìn thấy tấm ảnh và trong lòng nảy lên một câu hỏi, trong ký ức bật lên một tiếng gọi? Bà Đẹp không biết, nhưng bà vẫn chờ... Tình yêu thương ruột thịt không thể bỏ cuộc.
Cùng con nuôi Việt đi tìm cội nguồn
Sau giai đoạn 1, báo Tuổi Trẻ tiếp tục thực hiện chương trình "Cội nguồn con ở đâu?" giai đoạn 2 với mong muốn làm cầu nối cho những người con nuôi gốc Việt tìm lại cha mẹ mình.
Tháng 7-2018, không lâu sau khi Amandine Durand chia sẻ mong muốn đi tìm mẹ ruột của mình trên Tuổi Trẻ, cô gái người Pháp gốc Việt vỡ òa khi tìm thấy gia đình ruột rà của mình ở Việt Nam. Amandine là một trong số các nhân vật tham gia chương trình "Cội nguồn con ở đâu?" giai đoạn 1 (của báo Tuổi Trẻ), với mục đích giúp những người con nuôi gốc Việt từ khắp nơi trên thế giới tìm lại gốc gác của mình. Những người con ấy, có người được nhận nuôi và đưa đi nước ngoài khi còn rất nhỏ, có người rời xa quê hương khi vừa biết cất những tiếng nói đầu đời. Phần lớn họ không hề biết gốc gác cha mẹ, không biết từ đâu mình xuất hiện trên cuộc đời này. Đó là những điều họ khắc khoải.
Với mong muốn được tiếp tục hỗ trợ, báo Tuổi Trẻ cùng đơn vị đồng hành Kids Without Borders thực hiện tiếp chương trình "Cội nguồn con ở đâu?" giai đoạn 2, với hi vọng mở ra được nhiều manh mối hơn nữa cho những người con gốc Việt tìm về quê hương.
Một buổi giao lưu sẽ được tổ chức vào 14h ngày 5-11-2018, chào đón sự tham gia của những người con nuôi gốc Việt trở về từ nhiều nơi, những người làm cha mẹ không may thất lạc con và những ai quan tâm đến hành trình tìm về nguồn cội của những người con xa xứ. Đặc biệt, Amandine và gia đình cô sẽ cùng tham gia để chia sẻ hành trình đoàn viên đầy xúc cảm của mình.
Mọi thông tin đóng góp và đăng ký tham dự vui lòng gửi về:
Email: [email protected] - Điện thoại: 0917663318.
Email: [email protected] - Điện thoại: 0386150421.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận