Kate Coghlan và các con trong một bức ảnh do cô cung cấp
Trong bức thư gửi đến chương trình Cội nguồn con ở đâu? do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng tổ chức Kids Without Borders tổ chức, nhằm tạo cầu nối cho những người con nuôi gốc Việt trên khắp thế giới tìm về nguồn cội, Kate cho biết mình sẽ quay về Việt Nam trong năm nay để tìm cha mẹ ruột.
Những câu hỏi chưa lời đáp
Hơn 40 năm trước, cô bị bỏ lại ở trước cửa một tu viện ở Sài Gòn, rồi sau đó được một gia đình người Úc nhận nuôi khi chưa tròn 1 tuổi.
Lớn lên trong một gia đình người da trắng, Kate biết mình là con nuôi từ khi cô bắt đầu hiểu chuyện, và cha mẹ cô cũng chưa bao giờ cố gắng giấu cô điều đó.
"Tôi nghĩ với suy nghĩ của một đứa trẻ 3-4 tuổi lúc đó, tôi không hiểu được sự khác biệt. Tôi còn cảm thấy đặc biệt vì cha mẹ đã chọn tôi khi họ không có con", Kate tâm sự.
Đã có lúc, bé Kate lo lắng không biết cha mẹ nuôi có thương mình như em trai, là con ruột mà cha mẹ cô có sau đó, nhưng cha mẹ cô không có hành động gì để cô bé cảm thấy mình bị phân biệt.
Đến tuổi vị thành niên, Kate bắt đầu có những câu hỏi về bản sắc và gốc gác đời mình.
"Tôi muốn biết về câu chuyện và nguồn gốc của mình. Tôi cảm thấy có điều gì đó thiếu vắng trong lòng mình, và tôi muốn có câu trả lời cho các thắc mắc của mình. Tôi muốn cảm giác trọn vẹn", Kate chia sẻ.
Suốt mấy năm qua, cô nỗ lực nhờ người tìm kiếm, liên hệ các tổ chức, với hi vọng tìm thấy được câu trả lời cho mình.
Những nỗ lực ban đầu đã mang lại kết quả, Kate có được giấy tờ có tên mẹ đẻ của cô, bà Trịnh Thị Ba, và tên tiếng Việt của cô, là Trịnh Thị Ngọc.
"Tôi đã rất phấn khởi khi biết được điều đó", Kate kể.
Một trong những manh mối mà Kate Coghlan có được về nguồn cội - Ảnh: NVCC
Thế nhưng đó chỉ là một trong số ít những manh mối mà Kate có được, còn lại, hàng trăm câu hỏi của cô vẫn chưa có được lời đáp.
Trong số đó, có những câu rất cơ bản về thông tin cá nhân của một người, như ngày tháng năm sinh.
Kate được biết mình sinh ngày 26-1-2974, tuy nhiên, cô vẫn luôn băn khoăn liệu đó là ngày mà người ta tìm thấy cô trước cửa tu viện, hay là 3 ngày trước đó, khi cô được sinh ra ở bệnh viện theo một số giả thuyết.
"Thế nhưng tất cả chỉ là suy đoán", Kate bùi ngùi.
"Không bao giờ oán giận"
"Tôi không bao giờ oán giận họ", Kate chia sẻ khi được hỏi cô đã bao giờ giận cha mẹ ruột vì đã bỏ rơi mình.
"Tôi đã rất buồn về việc mình không có cha mẹ ruột, đặc biệt là mẹ. Có đôi lúc tôi cũng cảm thấy tức giận, nhưng chưa bao giờ ghét họ vì quyết định đó, có lẽ đó vốn dĩ là một quyết định vô cùng khó khăn với họ rồi", cô con nuôi ngày nào giờ đã là bà mẹ 45 tuổi của 3 đứa con, trải lòng.
Thay vào đó, cô con nuôi gốc Việt thấy buồn vì mình đã không có cơ hội biết được về văn hóa nơi mình sinh ra, hay nói được ngôn ngữ lẽ ra đã là tiếng mẹ đẻ của cô.
Kate đã về Việt Nam hai lần. Lần đầu là khi bước vào tuổi đôi mươi, Kate quay trở về thăm lại mảnh đất cô sinh ra cùng gia đình Úc của mình.
Lần thứ hai cô đi cùng các con, "để các con biết quê mẹ là thế nào".
Kate Coghlan và các con trong một bức ảnh do cô cung cấp
Riêng lần thứ 3 quay về, theo dự kiến là trong năm nay, sẽ là lúc cô tiến hành hành trình tìm mẹ của mình ở đất nước nơi cô sinh ra.
"Một trong những câu đầu tiên mà tôi sẽ hỏi cha mẹ ruột của mình là vì sao họ làm như vậy. Và tôi sẽ nói với họ rằng Con đã dành cả đời để gặp được cha mẹ, con muốn biết tất cả về cha mẹ", Kate xúc động chia sẻ.
"Tôi cần biết bản sắc của mình"
Ngoài Kate Coghlan, cậu con nuôi người Pháp gốc Việt Loic Langeard cũng tìm đến chương trình "Cội nguồn con ở đâu?" để chia sẻ câu chuyện của mình với hy vọng tìm được xuất thân.
Loic Langeard trong một bức ảnh khi cậu con nhỏ - Ảnh: NVCC
Cũng như nhiều đứa trẻ được nhận nuôi khác, Loic Langeard, hay còn có tên tiếng Việt là Nguyễn Vân Tân, không có nhiều thông tin về cội nguồn của mình.
"Tôi sinh ngày 12-10-2933 và được nhận nuôi vào ngày 3-12 năm đó. Mẹ tôi tên là Nguyễn Thị Mai, bà từng sống ở 341/C Đầm Sen, P.5, Q.11 (TP.HCM). Bà sinh tôi năm bà 18 tuổi", là những thông tin mà cậu con nuôi nay đã 26 tuổi chia sẻ để tìm mẹ.
Loic vẫn còn nhớ rõ ngày mà cha mẹ cho cậu biết mình là con nuôi. "Tôi đã khóc suốt mấy đêm", Loic kể.
"Lúc còn nhỏ, tôi không nhận thấy được sự khác biệt. Tôi chỉ bắt đầu hiểu ra khi lớn hơn một chút, và những đứa trẻ cũng bắt đầu trêu chọc tôi vì tôi là đứa bé châu Á duy nhất ở trường", Loic kể lại tuổi thơ không mấy êm đềm khi đi học.
Sau chuyến về thăm Việt Nam năm 2017, cậu quyết định đi tìm cha mẹ ruột của mình.
"Trước đó tôi đã về Việt Nam 3 lần, nhưng lần đó tôi có cảm giác như mình được về nhà, cảm thấy nhiều điều quen thuộc đối với mình. Tôi nhận ra mình nên bắt đầu tìm kiếm cội nguồn. Tôi đã có điều kiện học tập và được yêu thương rất nhiều [ở Pháp], nhưng tôi vẫn thấy thiếu điều gì đó trong lòng mình, và tôi cần biết bản sắc của mình", Loic tâm sự.
Loic cũng tự tìm cách lý giải cho quyết định bỏ con của mẹ mình. "Tôi không ghét mẹ, lúc đó bà còn trẻ, chỉ mới 18 và còn độc thân. Nếu được gặp lại bà, tôi sẽ cám ơn bà vì bà đã cho tôi một cuộc sống tốt đẹp và cố gắng để tôi được nhân nuôi trong điều kiện tốt".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận