Người dân tạo cảnh chụp hình kỷ niệm dưới gốc hoa gạo ở ngã ba sông Cầu - Ảnh: T.LÊ
Tuy nhiên, ít lữ khách phương xa biết rằng từ lâu cội cây cổ thụ này đã gắn bó cả "phần xác lẫn phần hồn" với bao đời người dân địa phương, nơi chiến địa Như Nguyệt chống quân Tống năm xưa...
Du khách xếp hàng check-in
Mỗi năm mùa hoa nở, du khách từ khắp nơi đổ về, ôtô nối hàng dài trên con đường nhỏ dẫn tới bến sông, nơi cây gạo vươn cành khoe sắc. Hàng ngàn bức ảnh tuyệt đẹp về hoa gạo và con người được đăng tải trên YouTube và các trang Facebook.
Chị Bảy ở thôn Đoài đang thu hoạch cà chua bên đường vui vẻ cho biết: "Có người còn xin điện thoại của tôi để hỏi thăm khi nào cây gạo nở hoa để trở lại". Chúng tôi tới thăm cội gạo này vào tháng 3 âm lịch, nắng hanh hanh trong tiết trời se se lạnh.
Một gia đình lái ôtô đi phà qua sông chỉ để chụp hình kỷ niệm bên cây gạo nở hoa: "Tôi làm việc ở Hà Nội, làng tôi bên kia sông, nhìn xa xa thấy cội cây xinh đẹp này lâu rồi mà nay mới ghé chơi. Đây là cây hoa gạo đẹp nhất mà tôi từng thấy", cậu thanh niên lái xe xuýt xoa nói.
Trong nắng giao mùa, con đường nhỏ ven sông dẫn đến cội gạo vẫn đượm vẻ hoang sơ. Đường đất, cây mây gai mọc hai bên lối đi đã được ép gọn. Cây bụi um tùm chen dưới những cây keo cao vút, một khung cảnh thiên nhiên xanh mát ở triền sông.
Cội hoa gạo đứng riêng một mình cuối đường, không hòa lẫn vào đâu, trông như một chiếc ô xinh đẹp khổng lồ bên bến đò quê. Những người trẻ đang đa đoan tuổi yêu, thích gọi tên "cây gạo cô đơn" để được đồng cảm khi buồn lẻ bóng.
Tôi lặng lẽ chạm vào cội, vòng gốc cỡ ba người ôm, thân có những đụn mắt gỗ vòng xoắn ốc nhô ra theo dấu thời gian rất đẹp. Sau mùa hoa nở, từng chồi lá non đang mọc lên như báo hiệu lại mùa hoa tuyệt đẹp sẽ đến.
Cây gạo đứng cạnh bến phà quê rất đỗi hữu tình - Ảnh: TÂM LÊ
Ở gốc cây gạo, ban quản lý di tích thôn Đoài gắn biển giới thiệu lịch sử cây di sản này: "Cây gạo tên thường gọi là cây gạo Ngã Ba Xà, vì cây nằm trong khuôn viên di tích đền Xà, nơi phát tích bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt"...
Đây cũng chính là ngã ba sông, nơi tôi đứng một tiếng gà gáy vọng đến ba tỉnh thành Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội. Trong lịch sử liệt oanh của Tổ quốc, sông Cầu chính là dòng Như Nguyệt gắn với chiến sử oai hùng chống quân Tống xâm lược năm 1077.
Tôi lặng lẽ dạo bước sân đền Xà cách ngã ba sông chỉ vài chục mét, khi chưa có bãi bồi, cổng đền hiện ra ngoài bờ sông. Người dân còn gọi nơi đây là Ngã Ba Xà. Đền thờ đức thánh Tam Giang, nơi Lý Thường Kiệt đến cầu nguyện giành thắng lợi trước khi trận đánh diễn ra.
Bài thơ Nam quốc sơn hà được ví như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt do vị tổng chỉ huy tài ba sáng tác cũng khởi phát từ đây. Người dân đã dựng bia khắc tạc bài thơ, hiện vẫn còn ở sân đền Xà.
Ông từ đền Xà Vũ Công Tưởng kể: "Cây gạo tuổi đời còn trẻ so với các sự kiện lịch sử dân tộc ở ngã ba sông nhưng nó giống như nhân duyên, một mình sừng sững giữa bãi bồi, hoa rực rỡ mỗi mùa để nhắc hậu thế không quên chiến địa oai hùng này".
Ông từ già ở đền xưa vẫn nhớ thời mình còn chăn bò dạo chơi ở gốc cây gạo, đã thấy cội cây to gần như ngày nay. Các cụ cao tuổi trong làng chính là chứng nhân và tin rằng cội cây này mang cả hồn thiêng sông núi ở chiến địa bao người đã nằm xuống vì Tổ quốc mình. Và chính ông Tưởng cũng đã viết mấy câu thơ: "Bóng cây đại thụ đung đưa/Ngót hai trăm tuổi nắng mưa dãi dầu". Ông Tưởng năm nay đã 83 tuổi, vẫn khỏe mạnh, minh mẫn và tin chắc rằng cội gạo bên sông này cao tuổi hơn mình rất nhiều.
"Trước đây, người dân quanh vùng vào lễ đền rồi tới thăm cây gạo. Bây giờ ngược lại, người trẻ khắp nơi tới thăm cây gạo rồi ghé vào thăm đền. Cây thiêng trên đất đền thiêng", ông Tưởng vui vẻ nói.
Bức ảnh đẹp cây hoa gạo bên bến sông được nhiều dân thôn Đoài treo trong nhà
Một gia đình từ Hà Nội về cũng dừng xe chụp hình, ngắm cây gạo - Ảnh: TÂM LÊ
Cả làng lo cây "ốm"
Ngược dòng thời gian khoảng 4 năm trước, cội gạo ở ngã ba sông Cầu bỗng dưng héo úa, chẳng thiết nở hoa. Không ai biết nguyên nhân do đâu, nhiều người trong làng lo lắng, sợ cây rũ chết.
Ông Trần Quang Mười, trưởng thôn kiêm trưởng ban quản lý di tích thôn Đoài, tâm sự: "Tôi một thời gian mất ăn mất ngủ vì cây gạo. Chỉ lo bà con trách móc vì sao tôi để cho cây chết. Bà con nghĩ ngợi bỗng dưng cổ thụ lại chết, có điềm báo gì đây. Thế là tôi phải nhờ bạn bè, chuyên gia đến cứu cây".
Ngày trước, ông Mười làm ở đội xây dựng cầu Chương Dương, Hà Nội. Ông có nhiều bạn bè làm ở hội cây cảnh nên đã hỏi được kinh nghiệm chăm sóc cây. Ông lại mời cả đoàn chuyên gia Đại học Nông nghiệp về "khám bệnh", kết quả tìm được hai "bệnh" khiến cổ thụ hết sức sống. Ngoài loại sâu đục thân đã hút nhựa sống trong cây, còn vì cây thiếu dinh dưỡng do sạt lở bờ sông gây ra.
Ông Mười phải làm hai việc song song nhau, cho người kè bờ chống sạt lở và đào hố quanh gốc cây để bón phân dinh dưỡng. Đồng thời, ông cũng ngày đêm cùng đoàn chuyên gia trị sâu, cắt cành, đón hướng đi của sâu để bơm thuốc vào ngăn chặn chúng lây lan.
Sau vài tháng, cội hoa "thiêng" của thôn Đoài được cứu sống, cành lá lại xanh tươi. Hoa gạo lại nở đỏ rực bên bến sông thanh bình. Sau mùa hoa đến mùa lá đâm chồi tươi tốt khiến ông Mười và dân làng vui mừng khôn xiết. Cổ thụ không bỏ làng ra đi...
Trên góc tường nhà, ông Mười treo một bức ảnh cây gạo ở ngã ba sông đã chụp hơn 10 năm trước. Ông kể cảnh vật xung quanh đã thay đổi nhiều, chỉ riêng "cụ gạo" này thì vẫn vậy. Nhiều gia đình trong làng ông cũng chụp ảnh cây gạo treo trong nhà, xem như một bảo vật quý giá đem đến sự may mắn, bình an.
Ông Mười với bộ dụng cụ thuốc men chăm sóc cây - Ảnh: TÂM LÊ
Năm 2020, đạo diễn phim Cô gái nhà người ta đã đến xin ông Mười cho lấy bối cảnh cây gạo bến sông để minh họa cảnh làng quê Bắc Bộ trong phim. Ông Mười kể trước đó nhiều phim tài liệu cũng đã quay cảnh cây gạo, nhưng đến bộ phim của giới trẻ thì du khách biết tới nhiều hơn trên mạng xã hội, rồi rủ nhau đến chụp hình lưu niệm đẹp.
"...Bạn về thăm Ngã Ba Xà
Gói bông hoa gạo tháng ba đem về"
Bài thơ của ông từ đền Xà Vũ Công Tưởng làm tôi mãi quyến luyến nơi này. Biết rằng hoa nào rồi chẳng tàn nhưng tôi vẫn nhặt về làm kỷ niệm ngày bình yên nơi bến sông xưa…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận