Kỳ 1:
Phóng to |
Con anh Phạm Văn Dé bị bạn bè xa lánh nên chỉ thui thủi một mình - Ảnh: Đoàn Cường |
Nỗi đau trẻ thơ
Điểm nóng “bệnh lạ” Ba Điền cách trung tâm huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) hơn 10km. Mới chạm chân đến thị trấn này đã nghe người dân nơi đây bàn tán rất nhiều về “bệnh lạ”. Bà chủ quán ăn khi nghe hỏi đường vào Ba Điền thì trợn mắt nói thẳng: “Vô đó lây bệnh chết chứ chẳng giỡn chơi nghe!”.
Không chỉ bà chủ quán mà một nhóm thực khách ngồi gần cũng tỏ ra e dè với người Ba Điền. Một cán bộ huyện Ba Tơ chia sẻ thêm câu chuyện: có hai vợ chồng người ở vùng “bệnh lạ” chạy xe máy ra thị trấn thì bị hỏng, vào tiệm sửa xe rồi nói chuyện với người thợ. Hai vợ chồng này chỉ lỡ lời nói là người Ba Điền thì người sửa xe máy vội đóng sầm cửa lại và nói bận việc rồi, mang đi chỗ khác mà sửa.
“Từ đó, chúng tôi phải hết sức tuyên truyền cho người dân không được xa lánh, ghẻ lạnh với người dân Ba Điền” - vị cán bộ huyện này tâm sự.
Lội qua con suối V’Rang đến làng Rêu, nơi những ngôi nhà im lìm đóng kín cửa. Từ trên nhà sàn, đứa con trai hơn 4 tuổi của anh Phạm Văn Dé ngồi thu lu một góc, tay đứa bé cứ vuốt ve một con chó đen ốm đói, đầy ghẻ. Thằng bé buồn rười rượi nhìn ra chỗ mấy đứa trẻ trong xóm chơi trò trốn tìm ở gốc cây mít.
“Từ ngày hai vợ chồng tôi bị “bệnh lạ”, mấy đứa trẻ không dám chơi với thằng bé nữa. Có bữa nó chạy ra chơi chung thì tụi nhỏ bỏ chạy tán loạn. Vậy nên nó cứ ngồi một chỗ rồi chơi với con chó, khi nào thích thì lăn ra ngủ” - anh Dé nhìn con trai buồn rầu nói.
Làng Rêu - nơi mà tử thần đã mang đi biết bao nhiêu con em của ngôi làng vốn dĩ bình yên nằm dưới rặng núi cao vợi. Ngay đầu làng, Phạm Văn Trách (20 tuổi) nằm thoi thóp trên chiếc võng bạc màu, kẽo kẹt ở phía trước hiên nhà. Mới nhìn chàng trai 20 tuổi này lần đầu dễ khiến người đối diện bị cảm giác rùng mình. Từ bàn chân đến mặt của Trách nổi xù, lở loét những nốt đỏ của căn “bệnh lạ”.
Ở cái tuổi đẹp nhất của đời người, Trách lại mang trong mình căn bệnh quái ác khi mạng sống treo lơ lửng và tương lai bỗng chốc mịt mù. Trách chỉ còn hơi để ho sù sụ, tiếng thở chỉ khe khẽ như tiếng ruồi bay. Trên bụng Trách, xương sườn hiện rõ như muốn chòi ra khỏi lớp da sần sùi.
Mấy tháng trước, cơn bạo bệnh đã cướp đi mạng sống của cha mẹ, Trách thành mồ côi giữa núi rừng hoang vu này. Trách cùng chị gái nương tựa vào nhau sống quay quắt qua ngày. Nhưng cơn “bệnh lạ” vẫn không buông tha số phận hai chị em hẩm hiu. Để rồi cả hai chị em mồ côi mang “bệnh lạ” bấu víu vào nhau mà sống. “Chị mà khỏe thì đi ra ruộng hay lên rẫy kiếm cái ăn, còn em chỉ nằm một chỗ ở cái võng này thôi. Khi nào em khỏe được tí thì nấu nồi cơm. Nhưng nấu xong là mệt muốn xỉu luôn” - Trách thều thào nói.
Đã có nhiều cái chết của người dân Ba Điền vì “bệnh lạ”. Nhưng có lẽ cái chết của Phạm Thị Phin (20 tuổi) vào ngày 4-4 vừa qua khiến người H’Rê đau đớn đến tột cùng. Ngày Phin ra đi, đứa con gái Phạm Thị Hạ mới được 18 tháng tuổi. Bà Xu (mẹ Phin) hằng ngày phải bế Hạ đi xin sữa cho cháu bú. Cán bộ xã Ba Điền thỉnh thoảng cũng mua thêm ít hộp sữa để giúp đứa bé ấm lòng hơn khi mẹ đã ra đi mãi mãi.
Nhìn vào bản danh sách dài những người chết do “bệnh lạ” mới thấy đâu chỉ có con mồ côi cha mẹ mà biết bao đứa trẻ như Phạm Ngọc Nhi (làng Rêu, 2 tuổi), Phạm Văn Thuận (làng Rêu, 5 tuổi), Phạm Văn Sâm (làng Rêu, 4 tuổi), Phạm Thị Oanh (Gò Nghênh, 9 tuổi)... cũng về với rừng ma bởi căn bệnh lạ tai ác. Nỗi đau nhói lòng chưa lành thì những đứa trẻ khác lại mắc “bệnh lạ”. Cái chết vẫn đeo dai dẳng với những bản làng xinh tươi ở vùng đất Ba Điền.
Phóng to |
Sau nhà người H’Rê bây giờ có những bàn thờ cúng người chết và trừ tà ma như thế này - Ảnh: Tấn Vũ |
Nhường ruộng nuôi em
Ngôi nhà của hai chị em Phạm Thị Thê (12 tuổi) và Phạm Thị Thưa (13 tuổi) ở thôn Gò Nghênh (xã Ba Điền) từ sau cái chết của cha mẹ đã thành nhà hoang. Trước cửa nhà, màng nhện giăng kín cả lối đi. Hỏi hàng xóm mới biết từ ngày mồ côi, Thê được người chị gái nhận về nuôi, còn Thưa được anh cả là Phạm Văn Mí đón về sống chung nhà. Ngày ngày hai chị em Thê, Thưa lại lùa trâu ra cánh đồng Gò Nghênh để chăn.
Từ nhỏ hai chị em đã sống dưới một mái nhà, nhưng từ khi cơn “bệnh lạ” tràn qua ngôi nhà nhỏ cướp đi người thân thì tổ ấm gia đình của hai cô bé H’Rê bị xé nát. “Khi còn ở một nhà hai chị em hay nằm ngủ chung với nhau rồi nói chuyện vui lắm. Từ hồi chuyển về nhà anh chị thì không còn như xưa nữa. Thấy buồn hơn. Những đêm nằm nhớ mẹ em kéo chăn khóc một mình”- Thưa nói trong nước mắt.
Ngày cha mẹ mất để lại tài sản cho hai chị em Thưa thửa ruộng gieo vừa đủ 2 ang lúa giống. Cái chết đột ngột của cha mẹ không ai đứng ra chia mảnh vườn. Thương đứa em gái, Thưa đã nhường toàn bộ mảnh ruộng cho em và dọn về nhà người anh để ở. Anh Mí đồng tình: “Ta nhận nuôi con Thưa. Ta còn khỏe, còn vô rừng, còn làm thuê được nên đám ruộng đó ta nhường cho con Thê. Để nó còn có cái ăn, cái mặc rồi đến trường với người ta”. Dù không còn cha mẹ nhưng Thưa và Thê đều được các anh chị trong nhà rất thương. Ngoài buổi chăn trâu, hai chị em còn được cắp sách đến trường như bao đứa trẻ H’Rê khác ở Gò Nghênh này.
“Bệnh lạ” bao trùm lên Ba Điền khiến người H’Re kinh hãi nhớ lại cơn đại dịch bệnh cùi (bệnh phong) từng quét qua khu làng này trong quá khứ. Hàng chục sinh mạng của người dân đã phải trả giá.
Mỗi khi có ai nhắc đến bệnh cùi là già làng Phạm Văn Nớ (làng Tương) lại rùng mình sợ hãi. Già Nớ nhớ lại: “Năm đó ông Thiên trong làng bị bệnh cùi. Người nhà ông làm cho ông một cái lều ngoài núi. Ông Thiên nằm ở đó đến khi chết rữa bốc mùi hôi thối thì người nhà đến mang đi chôn cất. Chỉ có người nhà thôi, dân làng không dám đâu, rất sợ ma cùi”.
Dân làng Rêu truyền nhau: trong các loại cây thì người H’Rê kiêng kỵ nhất là cây đa. Mỗi lần phát rẫy nếu thấy cây đa thì người H’Rê đều phải tránh xa và lần sau tới phải mang lễ vật đến cúng bái bởi họ tin loài cây cổ thụ này sẽ phạt cả bản làng đau ốm và diệt vong. Nhưng rồi không hiểu sao trên núi V’Rang có một cây đa to bằng sải tay của hàng chục chàng trai H’Rê nối vào đã đột ngột bị chết. Từ đó dân làng Rêu và những khu làng lân cận nghĩ rừng xanh sẽ lấy đủ 100 mạng người mới thôi.
Biết câu chuyện ấy chỉ là mê tín, nhưng đã có nhiều người bỏ làng mà đi vì sợ tử thần gõ cửa bất cứ lúc nào. Ông Phạm Văn Bút - chủ tịch UBND xã Ba Điền - tâm sự đã có chín gia đình đưa con rời khỏi Ba Điền để tránh “bệnh lạ”. Không chỉ có thế, học sinh trường mầm non của xã cũng bỏ học hơn 50% vì sợ bị lây bệnh quái ác này.
________________
Kỳ tới: Truy tìm nguồn cơn “bệnh lạ”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận