23/12/2014 09:18 GMT+7

​Coi chừng tắc ruột do bã thức ăn

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Tắc ruột là bệnh lý khá phổ biến do nhiều nguyên nhân, nhưng tắc ruột do bã thức ăn vẫn còn nhiều người chưa biết nên phải nhập viện cấp cứu và phẫu thuật vì bệnh lý này.

Bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương khám cho một bệnh nhân nghi bị bán tắc ruột - Ảnh: Hữu Khoa
Bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương khám cho một bệnh nhân nghi bị bán tắc ruột - Ảnh: Hữu Khoa

Vừa qua, việc báo chí thông tin bảy bệnh nhân còn trẻ bị tắc ruột do bã thức ăn (ăn trái hồng giòn) phải nhập viện điều trị, phẫu thuật tại Bệnh viện Trung ương Huế trong hai tháng khiến nhiều bạn đọc quan tâm và muốn biết rõ hơn về bệnh lý này.

Lưu ý khi ăn trái có vị chát

Nhớ ăn uống đúng cách

Theo BS Lưu Phương, tắc ruột do bã thức ăn cũng thường gặp ở người hay bị táo bón, uống ít nước, ít vận động, nằm một chỗ. Người ăn thức ăn cứng, dai như gân bò, sụn sườn nhưng nhai không kỹ hoặc ăn trái cây (như nhãn, vải, táo...) mà nuốt luôn cả hột.

Thức ăn không được nhai kỹ, hột trái cây khi vào đường tiêu hóa sẽ tạo thành cái nhân để những thực phẩm khó tiêu khác, có nhiều xơ, sợi bám dính vào và vón lại thành nhiều cục, gây tắc ruột.

Để phòng tránh tắc ruột do bã thức ăn, các bác sĩ khuyên mọi người nên uống đủ nước, ít nhất là 1,5-2 lít nước/ngày; tập thể dục đều đặn (giúp ruột được kích thích, dễ dàng co bóp và lưu thông tốt); nấu chín thức ăn, nhai kỹ khi ăn - đặc biệt là người già; không nên nuốt trọng thức ăn dai, cứng như gân, sụn để tạo thành nhân cho thực phẩm khác kết dính, vón cục.

Ngoài ra, khi ăn rau nên nhớ ăn thêm các loại rau có độ nhớt (rau đay, mùng tơi, đậu bắp...) vì những loại này có chất xơ hòa tan với nước, dễ thấm hút nước chống táo bón. Khi ăn trái cây có nhiều chất chát không nên ăn quá nhiều, không ăn lúc đói và không ăn chung với thức ăn có nhiều đạm.

“Ăn trái hồng giòn không đúng cách dễ gây tắc ruột vì trong hồng giòn có nhiều chất tanin và chất pectin” - bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Ngọc Lưu Phương, trưởng đơn vị nội soi tiêu hóa can thiệp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết như vậy. 

Theo bác sĩ Lưu Phương, chất tanin có vị chát và thường có rất nhiều trong quả hồng giòn và một số loại trái cây khác như ổi, chuối chưa chín... Chất này thường nằm ở vỏ trái cây, khi trái cây chín thì tanin sẽ giảm đi. Chất tanin có đặc điểm khi gặp môi trường axit dễ kết tủa, vón lại thành từng cục.

Trong dạ dày của người lúc nào cũng có axit và hàm lượng axit trong dạ dày luôn nhiều nhất khi bụng đói. Nếu ăn nhiều trái hồng giòn lúc bụng đói sẽ tạo điều kiện cho chất tanin của trái này gặp axit trong dạ dày và kết tủa lại với nhau dữ dội hơn. 

Ngoài ra, nếu ăn hồng giòn với các chất có chứa nhiều chất đạm (các cây họ đậu hoặc ăn nhiều thịt) thì dù ăn lúc no, chất tanin cũng làm đông vón chất đạm lại gây khó tiêu hóa, dễ kết dính với nhau tạo thành sỏi, bã, giống như cái nhân để cho những loại thức ăn khó tiêu hóa khác mà con người ăn vào bám lại, tạo thành cục nhân cứng đi xuống ruột gây tắc, nghẹt lại một chỗ nào đó.

Ngoài ra, pectin (chất tạo thành màng các tế bào thực vật) trong trái hồng giòn là loại chất xơ tạo khối, có đặc điểm là khi ăn với thực phẩm có nhiều đường (ngọt), ăn lúc bụng đói cũng sẽ kết tụ lại thành khối, lợn cợn giống như gel (keo).

Trái hồng giòn có cả chất tanin và pectin, hàm lượng đường cao nên nếu ăn hồng giòn lúc bụng đói có thể gặp nguy cơ tắc ruột.

Tuy nhiên việc tắc, nghẹt ruột do bã thức ăn không phải xảy ra liền sau khi ăn mà thường phải có một thời gian tích tụ trước đó nhiều ngày và vón cục trong quá trình tiêu hóa thức ăn và tạo thành phân.

Do đó, không thể ăn hồng giòn một lúc nhiều đến mức bị tắc ruột ngay mà thường phải ăn liên tục nhiều ngày, ăn khi bụng đói, ăn kèm với thức ăn có nhiều đạm thì mới tích đọng lại và dẫn đến nguy cơ tắc ruột. 

Tuy nhiên, hồng giòn có ưu điểm là nhiều chất xơ, vitamin, cung cấp năng lượng hiệu quả nhờ có nhiều đường fructose dễ tiêu hóa. Nếu biết ăn trái này đúng cách vẫn có lợi cho sức khỏe.

Có thể gây biến chứng nguy hiểm

Theo bác sĩ Lưu Phương, tắc ruột (còn gọi là nghẹt ruột) là bệnh lý do có sự ứ trệ lưu thông trong ống tiêu hóa, giống như cống nước lưu thông không được vì nghẹt rác. Khi bị tắc ruột, bệnh nhân có triệu chứng đau quặn bụng từng cơn, có khi đau liên tục kèm theo buồn nôn, nôn ói, bụng căng trướng và không đánh hơi hay đi cầu được.

Trong y khoa, tắc ruột được phân làm hai loại: tắc hoàn toàn và tắc không hoàn toàn. Nếu bệnh nhân bị tắc ruột hoàn toàn thì bắt buộc phải phẫu thuật cấp cứu ngay để giải phóng nơi bị tắc càng sớm càng tốt. Nếu tắc không hoàn toàn, trong một số trường hợp sự lưu thông trong ruột có thể tự thông thương lại được mà chưa cần phẫu thuật.

Tuy nhiên, bệnh nhân tắc ruột không hoàn toàn cần phải theo dõi sát tại bệnh viện, cho ngưng ăn uống, truyền dịch dinh dưỡng, nghỉ ngơi hoàn toàn để ruột “nghỉ giải lao, giảm stress”. Những bệnh nhân này sau đó cần được tầm soát tìm nguyên nhân gây tắc ruột không hoàn toàn để có hướng điều trị thích hợp, tránh tái phát về sau.

Ngoài ra, nếu trong quá trình theo dõi ruột không có dấu hiệu tự thông thương lại hoặc có biểu hiện bị biến chứng, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật ngay.

Cần lưu ý nếu tắc ruột hoàn toàn không được phẫu thuật, điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị biến chứng hoại tử ruột, thủng ruột, viêm màng bụng, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân rồi tử vong.

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên