Người dân xem WC 2018 trên đường Phạm Văn Đồng, TP.HCM - ẢNH: QUANG ĐỊNH
ThS.BS Nguyễn Minh Mẫn, trưởng Đơn vị Tâm lý Lâm sàng, BV Đại học Y dược TP.HCM, cho biết bóng đá là môn thể thao đồng đội làm say mê triệu triệu người trên thế giới. Cảm xúc của mỗi người theo dõi trận bóng đá rất khác nhau, tùy vào mức đam mê của người đó với bóng đá, trình độ của đội tuyển trên sân, đẳng cấp của giải đấu…
Nhu cầu của người tham gia cá 'độ' là muốn được thắng, lĩnh thưởng, nếu thua thì nhu cầu của họ bị mất và còn phải chi trả, có khi rất đáng kể.
Hậu quả thua 'độ', xét cho cùng, là một trạng thái stress lên người thua 'độ', yếu tố gây stress là hình thức và nội dung cá 'độ', còn các trạng thái cảm xúc, hành vi, tâm lý xảy ra sau thua chính là hậu quả của stress.
Thua 'độ' là tin xấu
Trước trận đấu, người tham gia cá 'độ' luôn tin rằng mình sẽ thắng. Niềm tin của họ thường chỉ kết thúc khi tiếng còi trọng tài báo hết giờ trận đấu. Cảm xúc của họ biến đổi theo trái bóng lăn trên sân.
Khi đội của họ tấn công, họ mừng rỡ, reo hò, oà vỡ, bùng nổ khi có thể ghi bàn thắng. Ngược lại, họ buồn rầu, ỉu xìu, lặng lẽ khi bị đội đối phương ghi bàn, dẫn trước. Pha lẫn trạng thái cảm xúc đó, họ đôi khi không chấp nhận đội mình bị dẫn tỷ số như thế, có khi họ bực tức, nóng nảy…
Tuy nhiên, họ vẫn luôn hy vọng cục diện trận đấu sẽ thay đổi theo chiều hướng có lợi cho họ vì luôn có nhiều điều bất ngờ xảy ra trên sân cỏ. Những bàn thắng xảy ra ở những phút giây cuối cùng trận đấu luôn tạo hứng khởi, oà vỡ của người hâm mộ, khiến bóng đá luôn tạo sức hấp dẫn tuyệt vời.
"Khi kết thúc trận đấu thật sự, tỷ số chung cuộc đã có, nghĩa là kết quả cá 'độ' cũng đã rõ ràng, người thắng thua trong cá 'độ' được xác định thì trạng thái tâm lý của người thua độ cũng mang nhiều cung bậc. Kết quả trận đấu biến họ thành người thua tương tự như cung cấp cho họ một tin xấu." - ThS. BS Nguyễn Minh Mẫn chia sẻ.
Tâm lý chung sau thua 'độ'
Thông thường trạng thái tâm lý của họ diễn qua 5 giai đoạn. Đầu tiên là giai đoạn phủ nhận rằng họ bị thua 'độ'. Tiếp theo là giai đoạn giận dữ, họ trở nên dễ nổi cáu. Giai đoạn ba thương lượng, nói lý lẽ hơn với người khác về kết quả chung cuộc trận đấu. Sau đó, tâm lý họ buồn rầu, hụt hẫng. Cuối cùng, họ mới đi đến chấp nhận.
Theo ThS.BS Nguyễn Minh Mẫn, khi chung 'độ', tùy theo mức cá cược nhiều hay ít, cảm xúc tiêu cực của họ cũng theo nhiều cung bậc. Nếu chỉ chi trả ít thôi, không ảnh hưởng nhiều đến "hầu bao" thì họ cũng chỉ có cảm giác buồn thoáng qua. Đôi khi họ chi trả, gượng cười, nhưng cũng có chút chua chát trong đó.
Nếu mức chi trả nhiều, đôi khi phải mất nhà cửa, ảnh hưởng đến nhu cầu cơ bản, đời sống của họ và những người thân trong gia đình, họ sẽ có cảm xúc bị mất mát lớn. Từ vật chất, tinh thần, thậm chí có những người suy diễn theo chiều hướng tiêu cực, có khi là những hành động thiếu sáng suốt.
Điều chỉnh cảm xúc đó như thế nào?
ThS.BS Nguyễn Minh Mẫn chia sẻ: Tốt nhất, chỉ nên xem bóng đá là môn thể thao giải trí đặc biệt hấp dẫn, không lấy đó là một nơi để cá độ, sát phạt, cờ bạc phạm pháp. Nếu có đặt cược, cần tuân thủ luật pháp.
Để tránh bị sốc nặng do thua độ, không nên cá độ mức quá lớn, không có khả năng chi trả. Nếu lỡ thua độ rồi, cần cố gắng bình tĩnh, tìm cách chấp nhận thất bại, vì "có chơi, có chịu"; "thắng thua là chuyện rất khó đoán", "quả bóng chưa dừng khi trọng tài chưa kết thúc trận đấu thì mọi điều có thể xảy ra"…thất bại, mất mát sẽ cho bạn một bài học trong cuộc sống, mà chỉ có bạn mới là người thấu hiểu giá trị của bài học đó.
Nếu bạn thắng độ, đừng quá dè bỉu, châm chọc người thua độ quá mức, vì bạn sẽ làm người thua độ bị tổn thương, có thể nghiêm trọng, và nhiều khi, họ có thể "nổi điên", cho bạn "một trận để đời" trước khi bạn nhận được "khoản thưởng" chung độ. Thắng độ này nhưng bạn có thể thua độ khác và bạn sẽ lại là nạn nhân của kẻ khác.
Đừng quá tham lam, say sưa thắng độ, cũng đừng quá tham lam "gỡ" khi thua độ…vì có thể bạn sẽ lún sâu không lối thoát. Bạn nên dừng lại đúng lúc, đừng để "sân hận" làm u tối chính mình, để rồi hành động không sáng suốt, bạn nhé!
Bạn đọc có những bài viết, thắc mắc về sức khỏe người lớn, mẹ và bé, sức khỏe sinh sản, giới tính, bệnh nam khoa, chữa trị hiếm muộn, dinh dưỡng, chấn thương… có thể gửi về email: [email protected]. Phòng mạch Online sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp. Chân thành cám ơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận