Nệm, gối, chăn chiếu ngấm nước, hư hỏng người dân bỏ ra sau bão - Ảnh: DUYÊN PHAN
Dễ bùng phát là các bệnh về da, đau mắt đỏ, tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết…
Nhiều loại bệnh dễ mắc
Theo thông báo của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, tình hình mưa bão khiến nước dâng cao trên toàn thành phố trong hai ngày đã khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, nguy cơ phát sinh các loại bệnh.
TS.BS Lê Thái Vân Thanh - phòng khám chăm sóc da, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho rằng trong và sau mưa bão, vô số vi sinh vật gây hại từ chất thải, xác động vật, nước cống… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi. Khi nước rút, trên mặt đất vẫn tồn tại các chất ô nhiễm và vi sinh vật gây bệnh này. Khi trời nắng nóng, khô hanh, có gió thì sẽ bốc hơi, lan tỏa trong không khí dễ gây bệnh cho cộng đồng.
Theo BS Vân Thanh, sự biến đổi thời tiết vào những ngày sau bão như ngập úng, có gió, se lạnh, nắng nóng… rất dễ gây ra các nhóm bệnh về da như dị ứng da, ngứa da như nổi mề đay, nước ăn chân… Và nổi mề đay là bệnh thường gặp khi thời tiết thay đổi. Đặc điểm của bệnh này là thường xuất hiện sẩn phù từng mảng trên da, gây ngứa khi tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh như nước mưa, gió, nắng…
Tình trạng ngứa ngáy, nổi những nốt sần đỏ có thể xuất hiện nhanh, biến mất cũng nhanh nhưng đôi khi cũng kéo dài trong khoảng thời gian khá lâu và sẽ bị trở lại khi tiếp xúc trở lại với các tác nhân đó.
BS Nguyễn Chí Trung Thế Truyền cho hay những nơi không đảm bảo nguồn nước sạch trong và sau mưa bão rất dễ dẫn đến bệnh đau mắt đỏ. Bệnh lây khi người lành tiếp xúc trực tiếp với người bệnh qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt, bắt tay, vì thế phát tán nhanh nên rất dễ bùng phát thành dịch.
Một cán bộ thuộc Trung tâm Y tế quận Thủ Đức cho hay nguy cơ dịch sốt xuất huyết bùng phát trở lại rất cao nếu công tác vệ sinh môi trường không quyết liệt.
Chủ động các biện pháp phòng tránh
Trước tình hình trên, BS Ngô Cao Lẫm - trưởng khoa sức khỏe môi trường và sức khỏe trường học, Trung tâm Y tế dự phòng TP - khuyến cáo: "Để tránh nguy cơ môi trường tồn đọng rác thải, chất thải của người, gia súc gây ô nhiễm nguồn nước ăn uống, sinh hoạt phát sinh dịch bệnh, cộng đồng cần chủ động các biện pháp phòng tránh".
Cụ thể, để tránh các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, các bà nội trợ cần lựa chọn thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, thực hiện chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh dưới vòi nước sạch, ăn thức ăn, uống nước đã được nấu chín. Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Để tránh các bệnh da liễu, mỗi người cần vệ sinh cá nhân hằng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước bị nhiễm bẩn. Những hộ gia đình sau khi bị ngập trong nhà, sân vườn cần thực hiện nguyên tắc làm vệ sinh, thu gom, xử lý và chôn rác, tránh gây ô nhiễm phát sinh ra môi trường.
Mỗi cá nhân, hộ gia đình, công ty, xí nghiệp cần tăng cường tiêu diệt lăng quăng (bọ gậy), diệt muỗi.
Trường hợp nguồn nước ăn uống, sinh hoạt bị ô nhiễm tuyệt đối, không nên sử dụng mà cần thực hiện các biện pháp súc rửa vệ sinh bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước bằng hóa chất để khử trùng theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận