16/12/2024 09:38 GMT+7

Coi chừng đầu tư chứng khoán qua AI

Nhiều nhà đầu tư đang chuyển sang các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) mới để chọn cổ phiếu và tư vấn đầu tư. Tuy nhiên, dữ liệu chậm và không đủ nên coi chừng khiến... lỗ nặng.

Coi chừng đầu tư chứng khoán qua AI - Ảnh 1.

AI dựa vào dữ liệu để tư vấn đầu tư, nên nếu dữ liệu đầu vào không chính xác hoặc không đầy đủ, dễ đưa ra các quyết định sai lầm - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Nhiều chuyên gia cho rằng AI dự đoán tương lai (nếu có) cũng có thể "trật" như con người. Do vậy, nên kết hợp với nhiều yếu tố khác trước khi xuống tiền...

Lợi hại AI

Cách đây bảy năm, khi Chứng khoán Techcombank (TCBS) triển khai mô hình môi giới công nghệ, không có nhân viên môi giới, nhiều người đánh giá đây là bước đi táo bạo. Hai năm gần đây, việc ứng dụng AI vào tư vấn đầu tư được thử nghiệm và phát triển khá nhiều ở công ty chứng khoán. Nhiều công ty công nghệ tài chính (fintech) cũng chạy đua ở lĩnh vực này.

Hiện một số ứng dụng được nhiều nhà đầu tư biết tới như DATX Việt Nam, trợ lý chứng khoán ảo Ensa của DNSE, VNSC by Finhay của Chứng khoán Vina, Simplize...

Với các đơn vị cung cấp ứng dụng, hiệu quả thấy rõ là trong khi môi giới truyền thống chỉ có thể phục vụ vài chục nhà đầu tư một lúc, các trợ lý chứng khoán ảo có thể phục vụ hàng nghìn khách cùng thời điểm.

Hầu hết các ứng dụng đều quảng cáo việc phân tích và định giá cổ phiếu với AI chỉ trong vài phút, sớm nhận biết các cổ phiếu khỏe, thu hút sớm dòng tiền của thị trường. Thậm chí, các ý tưởng đầu tư cá nhân hóa cũng được cung cấp theo sự quan tâm của từng khách hàng...

Anh Nguyễn Mùi (Hà Nội) - một nhà đầu tư chứng khoán - cho biết đã sử dụng AI vào các giao dịch gần một năm nay. "Tôi có thêm công cụ hỗ trợ xác định điểm mua và bán dựa vào kết quả phân tích. Các thông tin, lịch sử giá được cập nhật kịp thời. Chỉ sau vài phút với báo cáo dài hàng trăm trang, AI có thể bóc tách các thông tin quan trọng mình quan tâm", anh Mùi chia sẻ.

Theo trải nghiệm của nhà đầu tư này, các AI có vẻ hữu ích với những người theo trường phái đầu tư kỹ thuật, tức là theo dõi biến động của giá và khối lượng của cổ phiếu trong quá khứ để tính toán, phân tích các chỉ số, các mô hình, các chỉ báo...

"Nhưng thử vài lần mua bán thuần dựa trên khuyến nghị từ AI, tôi chưa thấy nhiều ưu điểm về hiệu suất đầu tư so với thông thường", anh Mùi nói.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, giám đốc một công ty chứng khoán có trụ sở chính ở Hà Nội cho biết hiện các ứng dụng AI ở Việt Nam chủ yếu dừng lại như một công cụ tổng hợp thông tin với công nghệ tương tự ChatGPT.

Đơn cử, nhà đầu tư hỏi một trợ lý ảo về việc có nên mua cổ phiếu A không, câu trả lời là các mẫu sẵn như kết quả kinh doanh ra sao, cổ phiếu đang được giao dịch cao hơn hay thấp so với trung bình bao nhiêu phiên, cập nhật các thông tin mới nhất về doanh nghiệp đó...

Cũng theo vị này, với chính công ty chứng khoán, sẽ cẩn trọng với việc khuyến nghị mua hay bán cổ phiếu, đặc biệt là thông qua AI. Bởi dễ vấp phải phiền hà nếu sau đó giá không đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư. Nhưng ngược lại, ở một số ứng dụng của các công ty fintech thì việc khuyến nghị "mua - bán" có phần thoải mái hơn.

Coi chừng đầu tư chứng khoán qua AI - Ảnh 2.

Nhiều môi giới chứng khoán lo mất việc trước trào lưu đầu tư chứng khoán bằng AI - Ảnh: Q.ĐỊNH

Không nên "thần thánh hóa" AI

Đang tiềm ẩn cũng không ít rủi ro thua lỗ, đặc biệt với nhà đầu tư quá lệ thuộc vào AI. Thậm chí, chủ tịch một công ty chứng khoán đang triển khai trợ lý ảo AI nổi tiếng trên thị trường cũng phải thừa nhận: AI không thể thay thế con người.

Ông Vũ Duy Khánh - giám đốc phân tích Chứng khoán Smart Invest - cho rằng rủi ro sẽ xuất hiện khi chúng ta huấn luyện AI không đúng cách. Phải đưa đầu vào tốt, đầu ra mới tốt. Chưa kể chất lượng dữ liệu đầu vào ở Việt Nam nhìn chung hiện nay chưa đủ hoàn hảo, minh bạch như các nước phát triển.

Trong khi đó, AI dựa vào dữ liệu để đưa ra quyết định, nó hoàn toàn có thể đưa ra các dự đoán sai lầm, dẫn đến thua lỗ nếu đầu vào không chính xác.

Bà Trần Thị Khánh Hiền - giám đốc khối nghiên cứu Chứng khoán MB (MBS) - cũng thấy các dữ liệu mà AI đưa ra chủ yếu dựa trên sự kiện đã xảy ra. Biến động và triển vọng của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều biến số mà AI không tổng hợp được hoặc không có dữ liệu để tổng hợp. Nhà đầu tư cần dựa thêm vào phán đoán, sự tìm hiểu của họ về doanh nghiệp.

"AI là một công cụ, mỗi người nên tự tích lũy kiến thức, không nên dựa dẫm vào AI hoặc bất kỳ "thầy" chứng khoán hoặc tư vấn viên môi giới nào", bà Hiền nói.

Người "bơm" dữ liệu quyết định AI

Ông Phan Hoàng Quân - chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân thuộc Công ty tư vấn đầu tư & quản lý tài sản FIDT - cũng lưu ý nhà đầu tư ngay cả khi lựa chọn AI để đồng hành vẫn rất cần kỹ năng kiểm tra chéo thông tin. 

Bởi độ chính xác thông tin từ AI vẫn phụ thuộc vào những người "bơm" nguồn vào cho nó. Nguồn thông tin được đưa vào có đáng tin cậy hay không, hãy luôn tự đặt cho mình câu hỏi như vậy.

Ông Quân cũng lưu ý cần sự tỉnh táo và tránh bị "cuống" trước khuyến nghị điểm mua - điểm bán dồn dập từ các trợ lý AI. "Mua bán liên tục rất dễ gây thua lỗ", ông Quân nói và cho hay bản thân ông đã sử dụng công cụ AI nhưng chưa thấy thực sự hiệu quả.

Ngoài ra theo vị này, AI không thể dự báo về các tình huống bất ngờ, những sự kiện "thiên nga đen" như dịch Covid-19, chiến tranh...

Chưa cho robot trading

Theo ông Phan Hoàng Quân, hiện AI ở Việt Nam chủ yếu ứng dụng vào việc thu thập thông tin, trả lời các vấn đề đặt ra từ nhà đầu tư đối với tiềm năng, giá trị cổ phiếu. Một số ứng dụng có khuyến nghị điểm mua - bán.

"Chưa thấy đơn vị nào chính thức triển khai giao dịch tự động thay với tốc độ nhanh, hay còn gọi là robot trading", ông Quân nói.

Nhiều chuyên gia nhắc lại: tháng 9 năm ngoái, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã có văn bản yêu cầu các công ty chứng khoán rà soát và dừng ngay việc sử dụng hình thức đặt lệnh tự động (giao dịch robot), có biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn hình thức đặt lệnh tự động, cũng như yêu cầu nhà đầu tư chấm dứt việc sử dụng hình thức trên khi chưa được cơ quan quản lý cho phép.

Dù vậy, hiện nay vẫn có nhiều đơn vị quảng cáo về hình thức giao dịch tự động với các chỉ báo về thời điểm bắt đáy hoặc bán ra...

AI đe dọa môi giới "chạy bằng cơm"?

Việc "rộ" lên phong trào đầu tư bằng AI khiến nhiều nhân viên môi giới lo ngại sẽ mất việc. Tuy vậy, bà Trần Thị Khánh Hiền cho biết sự phát triển của công nghệ với các ứng dụng AI vào đầu tư chứng khoán bắt buộc môi giới phải tự nâng cấp mình lên, tiến bộ hơn.

"Vai trò môi giới mỗi thời mỗi khác, trước kia môi giới chỉ cần đặt lệnh, nhưng sau này phải tư vấn, bây giờ đòi hỏi cao hơn là nhận diện được rủi ro nhanh hơn. Trong tương lai, các môi giới muốn tồn tại bằng nghề còn phát triển chuyên nghiệp hơn nữa", bà Hiền nói.

Ông Phan Hoàng Quân cho rằng việc môi giới có thất nghiệp hay không vẫn phụ thuộc vào trình độ, chuyên môn và khả năng đáp ứng yêu cầu về chất lượng dịch vụ. "Kể cả không có AI thì vẫn thất nghiệp nếu chuyên môn, đạo đức kém", ông Quân nói. Nhìn chung, thời điểm hiện nay AI chưa đạt được mức đem lại niềm tin quá lớn với nhà đầu tư, họ cũng lo ngại những rủi ro khác khi phụ thuộc vào máy móc hay AI như vi rút, sự cố...

Coi chừng đầu tư chứng khoán qua AI - Ảnh 3.Từ vụ Mr. Pips lừa đảo lôi kéo đầu tư chứng khoán quốc tế: Lãi vậy, sao miệt mài mời mình ngày đêm?

Chúng ta thường thấy các lời mời đầu tư chứng khoán quốc tế, forex (ngoại hối) lãi có thể lên tới 30-50%/tháng. Trước khi xuống tiền, tự hỏi vì sao họ miệt mài mời mình ngày đêm trong khi lãi lớn, kiếm tiền dễ vậy? Hãy để ý từ vụ Mr. Pips lừa đảo.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên