Trẻ tự kỷ được vui chơi - Ảnh: DUYÊN PHAN
Một số bà mẹ thấy con mình chậm nói, đi lại lăng xăng, thờ ơ khi tiếp xúc... thì rất lo sợ. Họ tìm trên Internet thì thấy sao con mình có những điểm giống trẻ tự kỷ!
Một bác sĩ chia sẻ có trường hợp mẹ cứ nói con mình mắc bệnh tự kỷ, tự thuê cô giáo về nhà dạy với mức phí bằng giờ rất cao nhưng trẻ không giảm bệnh, đến khi cho trẻ ngưng dùng điện thoại, iPad, chơi game, bỗng dưng trẻ khỏi.
Internet chỉ để tham khảo
Theo ThS.BS Lê Thị Hồng Nhung - chuyên khoa về tâm thần nhi, các dấu hiệu mô tả trên Internet là dấu hiệu chung nhất, chỉ gợi ý cho ba mẹ có thể nhận ra các nét không bình thường ở con mình.
Cần lưu ý là biểu hiện giống mô tả không có nghĩa chắc chắn trẻ bị tự kỷ, bởi nó có thể gặp trong những rối loạn khác của trẻ.
Muốn biết trẻ có bị tự kỷ hay không, cần được đánh giá toàn diện và chuyên sâu bởi các bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm để nhận biết sự khác biệt tinh tế giữa các rối loạn này.
BS Hồng Nhung cho biết bà đã gặp trường hợp bé đến khám lúc 27 tháng tuổi với các biểu hiện như chậm nói, đi nhón gót. Mẹ bé cho biết lúc 8-9 tháng tuổi bé bập bẹ vài từ, sau đó không nói nữa. Gia đình đã đưa đi khám nhiều nơi và được chẩn đoán tự kỷ.
Khi đến bác sĩ khám lần đầu, bé tiếp xúc rất kém, không giao tiếp bằng mắt, lăng xăng, bập bẹ vài từ đơn. Ba mẹ rất thương con nhưng vì là CBCNV đi làm cả ngày nên giao cho bà chăm, chiều về cũng ít thời gian chơi với bé. Bé thường xuyên chơi với iPad một mình. Vào mẫu giáo bé hiểu lời cô nhưng ít chơi với bạn.
Chẩn đoán tại thời điểm khám là: bệnh nhân có vài biểu hiện tự kỷ, nhưng chưa đủ điều kiện chẩn đoán bệnh tự kỷ. Sau thời gian điều trị bằng thuốc điều chỉnh hành vi, giáo dục trị liệu (trị liệu ngôn ngữ, tâm vận động), hướng dẫn ba mẹ cách gần gũi, chăm sóc, dành nhiều thời gian sau giờ làm việc chơi với con... hiện tại bé nói tốt, giao tiếp tốt, trí tuệ mức độ khá, không còn đi nhón gót, không có hành vi lăng xăng, chuẩn bị vào lớp 1 bình thường vào hè 2019.
Tự kỷ thường khởi phát rất sớm
Bệnh tự kỷ là một rối loạn phát triển với các đặc điểm: trẻ thiếu sót khả năng thiết lập mối quan hệ với người khác, chậm phát triển về mặt ngôn ngữ, cũng như có những hành vi định hình, lặp đi lặp lại. Bệnh thường khởi phát rất sớm, dưới 36 tháng tuổi. Có thể chẩn đoán vào tháng thứ 5, thứ 6, rõ rệt trong năm thứ 2 và thường được chẩn đoán lúc 2 tuổi. Thường gặp ở nam nhiều hơn nữ.
Trẻ thường cô lập, thờ ơ với cha mẹ và người xung quanh. Các mốc phát triển không đạt được như không biết cười ở tháng thứ 3, không phản ứng sợ hãi trước người lạ hoặc khi được để trong môi trường xa lạ ở tháng thứ 8, dường như không nhận biết, không phân biệt được người thân nhất trong cuộc sống (xem ba mẹ, anh chị như người dưng). Thiếu tiếp xúc bằng mắt (tránh nhìn thẳng vào người đối diện, hoặc nhìn vô hồn). Không bày tỏ yêu thương quyến luyến với ba mẹ. Khi đi học thì thiếu giao tiếp, thiếu phản ứng tương tác với trẻ khác, không chơi cùng, không kết bạn, nói và làm những điều không phù hợp.
Một khiếm khuyết trầm trọng và là một trong các tiêu chuẩn chính để chẩn đoán tự kỷ đó là rối loạn phát triển ngôn ngữ. Trẻ có thể bị câm, hoặc chỉ phát ra những âm vô nghĩa, hoặc phát triển ngôn ngữ rất trễ (khoảng 5 tuổi) và không theo các quy luật tiến triển thông thường...
Ngoài ra, trẻ tự kỷ có khiếm khuyết về nhận thức và trí tuệ rất rõ. Có hành vi bất thường như tăng động, gây thương tích (tự đánh vào đầu, cắn, cào cấu, nhổ tóc... hoặc gây hấn với người khác). Hoảng sợ hoặc giận dữ khi gặp sự thay đổi của môi trường xung quanh, ví dụ đồ đạc trong phòng của trẻ thay đổi. Gắn bó bất thường với đồ vật vô tri vô giác, thường kèm các động tác liếm và ngửi...
Một số lưu ý về điều trị
BS Hồng Nhung khuyến cáo điều trị tự kỷ là việc khó khăn, lâu dài và chỉ cải thiện một phần. Tốt nhất là có sự phối hợp bởi một nhóm chuyên gia gồm bác sĩ tâm thần trẻ em, các nhà tâm lý, giáo dục, chuyên viên tâm thần - vận động, chỉnh âm... Kết quả còn tùy thuộc nhiều yếu tố: kỹ thuật dạy, sự tham gia của cha mẹ, khả năng tiếp nhận của trẻ.
Trẻ tự kỷ cần được học (ngoại trú/ nội trú) ở cơ sở y tế - giáo dục với chương trình được thiết kế đặc biệt, cá nhân hóa dựa trên việc phát huy điểm mạnh của trẻ và bù lấp các điểm yếu, huấn luyện các kỹ năng tự chăm sóc, kỹ năng sống độc lập... Khi trưởng thành, khoảng 1 - 2% có thể bình thường, sống độc lập và có nghề nghiệp, còn lại đa số sống phụ thuộc hoàn toàn, trong đó 1/2 phụ thuộc vào gia đình.
Việc đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa khám để phát hiện sớm, can thiệp sớm là rất cần thiết.
Hiện nay nhiều gia đình có con tự kỷ rất bơ vơ trong tìm nơi chữa trị và môi trường học tập phù hợp cho con. Cần lắm sự hỗ trợ của cả hệ thống y tế - giáo dục và cộng đồng để họ không lẻ loi, đơn độc trong hành trình nuôi dưỡng, chăm sóc, kiên trì khắc phục những khiếm khuyết của con em mình.
Các nước có chính sách cho trẻ tự kỷ
Tại Anh, Cơ quan Y tế và xã hội hôm 5-12 cho biết chính phủ sẽ bắt đầu thu thập toàn bộ thông tin từ trẻ bị tự kỷ, gia đình và người chăm sóc trẻ để tìm ra các phương pháp hỗ trợ tốt hơn cho trẻ.
Đây là lần đầu tiên Chính phủ Anh thực hiện việc xem xét các dịch vụ dành cho người mắc chứng tự kỷ, ở cả trẻ em lẫn người trưởng thành.
Dự kiến vào mùa thu 2019, chính phủ sẽ công bố những chiến lược mới để hỗ trợ người bị tự kỷ dựa trên thông tin thu thập được.
Tại Canada, Bộ Cộng đồng và dịch vụ xã hội cũng có các chương trình giảm thuế, hỗ trợ tài chính cho các gia đình có con bị khuyết tật về thể chất hoặc phát triển, trong đó có chứng tự kỷ. Phần kinh phí này được dùng để sử dụng các dịch vụ hoặc thuê người chăm sóc trẻ, đặc biệt trong giai đoạn trẻ phát triển.
BÌNH MINH tổng hợp
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận