Các chuyên gia cho rằng việc chưa hiểu đúng về yoga, không tuân thủ nguyên tắc tập luyện, chạy theo trào lưu là nguyên nhân dẫn đến những chấn thương không đáng có.
Chấn thương do tạo thế quá sức
Chia sẻ về tình trạng nhiều người chạy theo trào lưu, tập những động tác yoga khó dù thời gian tập luyện chưa lâu, bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy - Trung tâm y học thể thao Starsmec (từng là bác sĩ đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam) - cho rằng yoga ngày càng biến tướng với những động tác vượt quá khả năng chịu đựng của người bình thường.
Thậm chí, nhiều động tác trong yoga gần giống như bộ môn thể dục dụng cụ. Trong khi đó, một vận động viên thể dục dụng cụ phải khổ luyện từ khi còn nhỏ để cơ thể thích nghi với các động tác này và vẫn có chấn thương khi tập luyện.
"Ví dụ như động tác xoạc ngang là một động tác khá phổ biến trong thể dục dụng cụ cũng đang được tập cho bộ môn yoga. Với động tác này tất cả các bộ phận gân, cơ sẽ bị hoạt động quá mức.
Điều này dẫn đến làm giãn gân, cơ; thậm chí làm hỏng cấu trúc cơ thể nếu tập luyện quá sức. Ngay sau khi tập có thể không gây ảnh hưởng ngay nhưng sau này có thể khiến thoái hóa khớp, cơ.
Những động tác dẻo, đòi hỏi độ bền cao cần có kỹ thuật cực kỳ tốt, luyện tập hằng ngày trong khoảng thời gian nhất định mới có thể đạt được.
Trong khi đó, thực tế hiện nay những người làm quen với bộ môn yoga có rất nhiều người trung niên, rất khó để thực hiện những động tác khó này. Thực tế, không ít người tập yoga tìm đến tôi trong tình trạng chấn thương nặng nề", bác sĩ Thủy nói.
Bác sĩ Phùng Cao Cường - phó trưởng khoa chấn thương chỉnh hình - y học thể thao, Bệnh viện 199 (Bộ Công an) - cho biết thêm nhiều người đến với yoga vì "theo trend", khi đó họ cứ chăm chăm vào tạo thế để chụp ảnh và chinh phục những tư thế khó mà người khác làm nhưng bản chất của yoga là sự hợp nhất giữa thân - tâm - trí chứ không chỉ là tạo được những tư thế khó.
Bác sĩ Cường cho biết thời gian qua, Bệnh viện 199 tiếp nhận rất nhiều trường hợp chấn thương do tập sai cách hoặc quá sức dẫn đến giãn cơ, đau khớp, co thắt cơ...
Coi chừng lợi bất cập hại
Huấn luyện viên yoga quốc tế Nguyễn Thị Nhật Thanh - người có 13 năm hướng dẫn, đào tạo các lớp huấn luyện viên yoga - nhìn nhận việc mọi người chia sẻ những hình ảnh tập yoga cũng là một dạng năng lượng tốt lan tỏa tinh thần tập yoga đến nhiều người.
"Tuy nhiên, mục đích chính của tập yoga là tìm kiếm sức khỏe, nếu việc thực hiện các tư thế yoga ngoài khả năng cơ thể, làm cơ thể phải chịu đựng, hoặc có khi chỉ vì một tấm ảnh, một vài like trên mạng mà mạo hiểm chụp hình tư thế khó để dẫn đến chấn thương hay đau đớn thì không nên", HLV Nhật Thanh chia sẻ.
Huấn luyện viên Nhật Thanh cho hay một số chấn thương mà người mới tập yoga dễ gặp phải như chấn thương cổ tay ở các tư thế chống tay như plank, side plank, handstand, con quạ, con công, con nhện...
Chấn thương đĩa đệm cột sống cũng thường gặp do các tư thế cúi vặn sâu, xoắn sâu, gập sâu.
Một số chấn thương khác như khuỷu tay, khớp gối, gân khoeo ở các tư thế tạo áp lực lên vùng khuỷu tay, gối hay các tư thế kéo giãn và được thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần.
Hãy lắng nghe cơ thể
Theo HLV Nhật Thanh, người mới học yoga nên thực hành những bài tập yoga đơn giản, cơ bản để làm quen dần, sau đó mới thực hiện các tư thế khó, tư thế nâng cao vì tính linh hoạt và sức bền của cơ thể cần có thời gian để cải thiện.
HLV Nhật Thanh chia sẻ: "Để việc hướng dẫn và tập luyện các tư thế yoga nâng cao an toàn, cần có bốn nguyên tắc cơ bản gồm không nóng vội, không thành tích, có huấn luyện viên hướng dẫn và khai thác tối đa dụng cụ hỗ trợ tập luyện.
Lưu ý không nên thúc ép bản thân đạt được tư thế khó, không ráng vào thế khó khi cơ thể chưa sẵn sàng. Cần chọn những bài tập phù hợp với độ tuổi, sức khỏe của mình và khai thác tối đa dụng cụ hỗ trợ tập luyện", chị Thanh nói.
Bác sĩ Phùng Cao Cường lưu ý mỗi người đến với yoga phải xác định mục đích của mình là tăng cường sức khỏe, trị liệu hay trở thành huấn luyện viên yoga để có hướng tiếp cận phù hợp. Cạnh đó, phải đảm bảo thể trạng đủ để thực hiện các động tác.
"Cần xác định cơ thể đang có những bệnh gì và không thể tập động tác nào. Đặc biệt phải có nền móng mới đạt được cái cao hơn, nếu nóng vội sẽ rất nguy hiểm.
Đặc biệt huấn luyện viên yoga ngoài có kiến thức, kinh nghiệm phải có khả năng cá nhân hóa đối với từng học viên để có những bài tập phù hợp với từng học viên", bác sĩ Cường lưu ý.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy cũng khẳng định yoga là bộ môn thể thao rất tốt cho cơ, xương khớp, cần được nhân rộng, tuy nhiên cần phải tập đúng kỹ thuật, có thời gian rèn luyện. Điều quan trọng là cần có sự hướng dẫn của những huấn luyện viên đủ trình độ, chuyên môn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận