15/06/2016 06:00 GMT+7

Cởi bỏ áo quần kiếm like gây sốc

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN

TTO - Nhiều bạn trẻ thoải mái cởi áo, cởi quần qua công nghệ chia sẻ trực tiếp của nhiều ứng dụng trên mạng. Tại sao họ lại xem việc phơi bày cơ thể như một thú vui và cứ mải miết với nó, bất chấp hậu quả?

Nhiều bạn trẻ không lường trước hậu quả việc khoe thân lên mạng xã hội - Ảnh: T.T.D.

Lướt trên một số ứng dụng, không khó để bắt gặp những hình ảnh gợi cảm, khoe ngực, khoe mông, khoe chỗ kín và cả những lời mời gọi. Phần bình luận thì cũng chẳng khá gì hơn, toàn những lời tục tĩu, khiêu dâm. 

Khoe thân trên mạng để làm gì?

Trả lời cho câu hỏi này, thạc sĩ (ThS) tâm lý Lê Thị Minh Hoa cho rằng nhiều bạn trẻ ngày nay đề cao quyền tự do cá nhân và có suy nghĩ rằng những gì thuộc về mình thì mình có quyền phô bày và đăng tải ở bất kỳ nơi đâu mình thích. 

Nhiều bạn lại có tâm lý bắt chước, thấy người khác làm thì cũng làm theo để không bị xem là lỗi thời, đơ nhịp với cuộc sống hiện tại. 

Một lý do khác là các bạn thấy việc “khoe thân” nhận được rất nhiều lượt thích, lượt bình luận nên cứ muốn làm để có thêm những lời khen.

Theo tiến sĩ (TS), chuyên gia tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy, "khoe” chính là nhu cầu muốn chứng tỏ bản thân, thể hiện với xã hội rằng tôi có quyền làm bất kỳ điều gì tôi muốn.

Một nguyên nhân sâu xa hơn là do những bức bối, chán nản, thiếu hụt phương hướng, niềm tin và lý tưởng sống của những bạn trẻ này.

“Người lớn cần quan tâm hơn đến đời sống tinh thần của giới trẻ. Chúng ta đang thiếu những sân chơi lành mạnh để giới trẻ thể hiện mình. Nhiều bạn trẻ hiện nay có những lỗ hổng về tâm lý nên thường dẫn đến những hiện tượng thể hiện lệch lạc” - TS Phạm Thị Thúy nói.

Theo ông Nguyễn Hồng Phúc - phó giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, đa số những bạn “khoe thân” đều có mục đích của mình, có thể để câu like hay thậm chí là mại dâm.

Còn một số trường hợp “khoe thân” một cách vô thức thì rõ ràng là những bạn trẻ này có ý thức chưa đầy đủ về giá trị bản thân, chạy theo những hào nhoáng của thế giới ảo và thiếu đi sự định hướng từ gia đình và xã hội.

Đừng tưởng vô hại

Theo ông Võ Đỗ Thắng - giám đốc Trung tâm Đào tạo an ninh mạng Athena TP.HCM, ứng dụng Bigo Live có chức năng xóa ngay đoạn video sau khi đã trực tuyến.

Tuy nhiên, người sử dụng, đặc biệt là các bạn trẻ, không nên cho rằng như vậy là an toàn, là không ai tìm thấy những hình ảnh khoe thân của mình vì nếu muốn, những người xem trực tuyến có thể ghi, quay, chụp lại màn hình, đưa những hình ảnh, đoạn phim đó lên những trang web khiêu dâm, thậm chí sử dụng để khống chế, tống tiền.

Thực tế đã có rất nhiều những đoạn trực tuyến “khoe hàng” của các bạn trẻ trên Bigo Live bị người xem lợi dụng quay lại và tung lên YouTube với nhiều bình luận khiếm nhã. Thậm chí còn có những bình luận đánh đồng những người khoe thân này là... gái bán dâm đang tìm khách. 

“Không những chính nhân vật trong đoạn phim sẽ chịu ảnh hưởng mà cộng đồng xung quanh họ, cụ thể là cha mẹ, bạn bè, đồng nghiệp,… cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Đã có trường hợp bạn trẻ tự tử khi những hình ảnh “khoe thân” của mình bị công bố lên mạng. Đây là việc làm đầy rủi ro và nguy hiểm” - ông Võ Đỗ Thắng cảnh báo.

Theo ông Võ Đỗ Thắng, thực chất live stream là một công nghệ rất tiên tiến, có thể giúp ích, bổ trợ rất nhiều cho cuộc sống và công việc hiện đại.

Ví dụ như những người đang ở xa, đang đi công tác nước ngoài cũng có thể tham dự những cuộc họp của công ty thông qua công nghệ live stream. Hoặc các thành viên trong gia đình ở xa nhau vẫn có thể liên lạc trực tuyến với nhau.

“Có thể nói, nhờ những công nghệ như thế này mà khoảng cách địa lý thu hẹp, con người xích lại gần nhau hơn.

Vấn đề nằm ở chỗ mọi người sử dụng công nghệ này như thế nào để nó phát huy tối đa tác dụng chứ không phải là một mối đe dọa tiềm tàng” - ông Võ Đỗ Thắng nói.

Giới trẻ ngày càng “ảo” 

Theo nhiều bạn đọc mạng Internet, mạng xã hội là một trong những phương tiện hiện đại, hữu ích.

Chỉ cần dành 15 phút cho mạng xã hội là đã biết được những tin tức thời sự trong ngày cũng như về cuộc sống của những người mình đang quan tâm. 

Tuy nhiên, nếu cứ 15 phút, rồi nửa tiếng, rồi một tiếng và dần dần là nhiều tiếng đồng hồ bỏ ra như vậy, mạng xã hội trở thành một thói quen, một cơn nghiện của các bạn trẻ. 

"Cuộc sống của giới trẻ bây giờ "ảo" đi quá nhiều. Các bạn ngồi cà phê với nhau nhưng lại không nói chuyện với nhau mà chỉ chúi mũi vào điện thoại. Dần dần các bạn sẽ mất điểm tựa ở cuộc sống thật và cố đuổi theo những giá trị hào nhoáng" - bạn đọc Nguyễn Hồng Phúc nói.

Theo ông Nguyễn Hồng Phúc, đây là vấn đề thuộc về nhận thức của các bạn trẻ và trách nhiệm uốn nắn, định hướng thuộc về tất cả mọi người. 

"Chúng ta nên kêu gọi sự chung tay của cả xã hội để định hướng lại hiện trạng này, để mạng xã hội thật sự là một phương tiện hữu ích phục vụ cho đời sống hiện đại, chứ không phải là nơi dung dưỡng cho những hành động lệch lạc của một bộ phận người dùng hiện nay" - ông Nguyễn Hồng Phúc nói. 

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> ThS Lê Thị Minh Hoa: 

>> Ông Võ Đỗ Thắng:

>> TS Phạm Thị Thúy:

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục