12/05/2015 11:09 GMT+7

Thay thế tất cả đơn vị thi công không đủ năng lực

T.PHÙNG
T.PHÙNG

TT - Đó là chỉ đạo của Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội ngày 11-5, một ngày sau vụ rơi cọc thép nặng 630kg xuống đường.

Rơi cọc: công nhân làm sai quy trình

Tại cuộc họp của Ban quản lý dự án với các bên liên quan ngày 11-5, ông Nghiêm Xuân Đức - trưởng phòng an toàn Công ty Posco E&C (nhà thầu xây dựng nhà ga số 4, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) - xác định nguyên nhân cọc thép dài 9m, rộng 0,3m, nặng khoảng 630kg bị rơi xuống đường do hai công nhân phụ trách phần việc móc cọc cừ vào cẩu để treo đầu cọc vào máy ép cọc đã không kiểm tra đầu cọc. Vì vậy không phát hiện vết nứt gần lỗ móc ở đầu cọc. Khi cọc được cẩu lên, vết nứt bị mở rộng làm cọc tuột khỏi móc, rơi xuống đường Hồ Tùng Mậu.

“Công nhân đã không tuân thủ quy trình, không kiểm tra. Sự cố này 100% do lỗi con người mà hoàn toàn có thể loại bỏ được nếu có kiểm tra” - ông Đức nói.

Tại cuộc họp, ông Lee San Don - giám đốc dự án của Posco E&C - đã nói lời xin lỗi vì chưa làm hết trách nhiệm quản lý dẫn đến sự cố đáng tiếc mà đáng lẽ không được phép xảy ra. Ông Lee hứa sẽ không để xảy ra sự việc tương tự.

Để không lặp lại sự cố này, Posco đã thống nhất biện pháp sử dụng hai dây để cẩu cọc gồm một dây móc vào lỗ treo chính ở đầu cọc và một dây cột ngang thân cọc, thay vì sử dụng một dây móc vào đầu cọc như trước đây. Đồng thời phân công người có chuyên môn chịu trách nhiệm tháo lắp khi treo cọc; thiết lập vùng nguy hiểm trong phạm vi bán kính của cọc cừ, khi cẩu cọc sẽ phải có người cảnh giới, điều phối giao thông.

Bên cạnh bổ sung giải pháp kiểm soát an toàn, Posco cũng sẽ kiểm tra 100% cọc, tránh đưa các cọc bị nứt, biến dạng vào thi công; kiểm tra lại toàn bộ thiết bị cẩu, nâng trên công trường...

An toàn thi công: không phải khẩu hiệu để... trang trí

Liên quan khâu giám sát, ông David Chevallier - quyền trưởng đoàn tư vấn của Systra (đơn vị tư vấn giám sát, Pháp) - tái khẳng định an toàn không phải là khẩu hiệu để trang trí. Đồng thời, ông David Chevallier yêu cầu nhà thầu Posco phải lập báo cáo về an toàn gửi tư vấn giám sát trong ngày 11-5 và tư vấn giám sát sẽ kiểm tra về vật liệu, điều kiện an toàn tại tất cả ga đang thi công, khi đảm bảo an toàn mới cho phép thi công.

“Chúng tôi sẽ xem xét lại năng lực của tất cả nhà thầu phụ, nếu thấy không đạt điều kiện sẽ loại khỏi dự án” - ông David Chevallier khẳng định. Ông cũng cho rằng sự cố xảy ra vào ngày chủ nhật là ngày nghỉ của tư vấn giám sát theo quy định và đề nghị tất cả gói thầu, nhà thầu của dự án từ nay không làm việc vào chủ nhật.

Kết luận cuộc họp, ông Lê Huy Hoàng - phó giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội - cho rằng dự án đã tuân thủ chặt chẽ các quy trình quốc tế trong thi công, ban quản lý dự án đã cảnh báo, buộc nhà thầu thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thi công nhưng vẫn để xảy ra sự cố đáng tiếc. Sự cố này khiến Văn phòng Chính phủ, Đại sứ quán Pháp cũng gọi điện hỏi tình hình. Đại diện chủ đầu tư là ban quản lý dự án cũng có phần trách nhiệm trong sự cố này.

Ông Hoàng đề nghị Posco tạm dừng thi công trên tất cả tám nhà ga thuộc gói thầu CP2 mà nhà thầu này thực hiện từ ngày 11 đến 13-5 để các bên rà soát công tác an toàn, chất lượng vật liệu và thiết bị thi công. Tư vấn Systra có nhiệm vụ kiểm tra lại toàn bộ thiết bị và vật tư thi công trên toàn công trường dự án, loại bỏ mọi vật tư, thiết bị không đảm bảo; đồng thời đánh giá lại năng lực thi công của tất cả nhà thầu, nếu nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu sẽ đề nghị thay thế.

Ông Hoàng cũng yêu cầu tất cả công trường thi công của dự án phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định an toàn, cảnh giới khi thi công cẩu lắp và cả khi xe chở vật liệu ra vào. Ban quản lý dự án cùng nhà thầu Posco liên hệ để giải quyết các trường hợp người đi đường bị ảnh hưởng bởi sự cố để có hỗ trợ trước ngày 13-5.

Cọc thép nặng 630kg ở dự án thi công đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội rơi xuống đường - Ảnh: Tuấn Phùng
Cọc thép nặng 630kg ở dự án thi công đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội rơi xuống đường - Ảnh: Nguyễn Thành Công

Sự cố rơi cọc thép xảy ra lúc 18g30 ngày 10-5. Cọc thép dài 9m đã rơi ngang xuống khiến 2/3 chiều dài cọc nằm chắn trên đường Hồ Tùng Mậu, phần còn lại nằm trong phạm vi hàng rào công trường (ở dải phân cách giữa của đường Hồ Tùng Mậu).

Thời điểm xảy ra sự cố, anh Nguyễn Anh Ba (quê Ninh Bình) đi xe máy ở phía dưới phải thắng gấp và đánh tay lái sang một bên nhưng bị cọc thép sượt trúng làm trầy xước phần trước yếm xe máy. Còn anh Nguyễn Mạnh Hùng (quê Thanh Hóa) đi phía sau xe anh Ba khoảng 2m đã đâm thẳng vào thanh thép vì không kịp thắng. May mắn cả hai không bị thương.

Tuyến đường sắt đô thị thí điểm từ Nhổn đến ga Hà Nội dài khoảng 12,5km, phần đi trên cao dài 8,5km và phần ngầm dài 4km.

Năm 2010, dự án khởi công với tổng mức đầu tư 783 triệu euro, trong đó vốn vay ODA (chủ yếu vay của Pháp) là 653 triệu euro, vốn đối ứng là 130 triệu euro.

Tháng 6-2013, UBND TP Hà Nội có quyết định tăng tổng mức đầu tư lên 1,176 tỉ euro. Nguyên nhân tăng tổng mức đầu tư được UBND TP Hà Nội lý giải do yếu tố khách quan là chậm trễ tiến độ triển khai dẫn tới biến động giá nguyên vật liệu, khối lượng công việc thay đổi so với thiết kế cơ sở.

Tháng 12-2014, Thủ tướng Chính phủ có quyết định đồng ý bổ sung 393 triệu euro cho dự án.

Mặc dù được khởi công vào tháng 9-2010 và dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm 2015 nhưng thời hạn hoàn thành dự án được UBND TP Hà Nội chốt vào quý 4-2018.

T.PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên