Cốc giấy không thể tái chế và rất khó phân hủy - Ảnh: verive.eu
Trong cuộc chiến chống rác thải nhựa, nhiều nước trên thế giới đã kêu gọi từ bỏ các đồ nhựa dùng một lần. Các loại vật dụng đựng thực phẩm và chất lỏng như hộp, bát, cốc bằng giấy thân thiện với môi trường hơn đã nổi lên như một giải pháp thay thế nhờ vật liệu phân hủy sinh học và quy trình sản xuất thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn vì mục đích bền vững.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Environmental Pollution, những vật dụng đựng bằng giấy dùng một lần cũng độc hại như đồ nhựa vì hầu hết chúng đều được lót bằng một loại nhựa polymer hoặc polyethylene để chống thấm chất lỏng, khiến chúng cực kỳ khó tái chế.
Cuộc khủng hoảng cốc giấy dùng một lần
Những chuyên gia về thị trường ước tính có tới 500 tỉ cốc giấy được phân phối trên toàn thế giới mỗi năm. Và cốc giấy không chỉ làm bằng giấy.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lê Quang Diễn, Trung tâm Polyme Composite và Giấy-Viện kỹ thuật hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết cốc giấy mà chúng ra đang dùng để đựng thực phẩm lỏng và đồ uống có phủ một lớp polyethylene hoặc polymer hữu cơ bên trong để tránh thấm nước, thấm chất lỏng vào thành cốc. Do đó, loại cốc này không có khả năng phân hủy hoàn toàn. Việc tái chế triệt để một vật liệu vừa cứng, vừa dai như cốc giấy cũng gặp nhiều khó khăn.
Ngay cả khi sử dụng vật liệu có nguồn gốc từ thực vật, chẳng hạn như axit polylactic, một vật liệu có nguồn gốc từ ngô, sắn hoặc mía để làm màng chống nước cho cốc giấy, thì nhà sản xuất cũng vẫn thêm một số hóa chất khác, chẳng hạn như huỳnh quang, để làm cho cốc trông trắng hơn. Chất huỳnh quang này khi xâm nhập vào cơ thể có thể gây đột biến tế bào và là nhân tố tiềm ẩn gây ung thư.
Tác hại của cốc giấy tráng nhựa
Một nghiên cứu của Viện Công nghệ Ấn Độ đã xác nhận rằng cốc giấy được lót bằng một lớp màng nhựa mỏng có thể khiến các hạt vi nhựa xâm nhập vào cơ thể và ảnh hưởng tới sức khỏe.
Các nhà nghiên cứu đã đổ nước nóng vào một cốc giấy có dung tích 100ml và để trong 15 phút - khoảng thời gian trung bình mà đa số mọi người sẽ uống hết tách càphê của mình.
Sau đó, nhóm nghiên cứu soi cốc nước dưới kính hiển vi và phát hiện có khoảng 25.000 hạt vi nhựa trong đó. Các kim loại bao gồm kẽm, chì và crom cũng được tìm thấy trong các cốc nước này. Nhóm nghiên cứu cho rằng đây là những chất có nguồn gốc từ lớp lót bằng nhựa trong cốc giấy.
Tác giả chính của nghiên cứu, bác sỹ Sudha Goel, cho biết trong vòng 15 phút sau khi trà hoặc càphê được đổ vào cốc giấy, nếu bạn không uống ngay, lớp vi nhựa trong cốc sẽ bị biến chất và phân hủy, các ion như florua, clorua, sunfat và nitrat sẽ được giải phóng vào trà hoặc càphê có trong các cốc này.
Ở quy mô toàn cầu, quy trình tái chế rác thải của hầu hết các nước đều không có khả năng xử lý bất kỳ cốc hoặc hộp đựng nào được phủ nhựa. Do lớp phủ nhựa làm ô nhiễm vật liệu giấy sau khi tiêu dùng nên khoảng 99,75% cốc giấy không thể tái chế.
Trong khi bản thân giấy có thể được ủ thành phân hữu cơ thì lớp lót bằng nhựa khiến việc đó trở nên bất khả thi. Bởi khi cốc càphê giấy được ủ thành phân hữu cơ, những hạt vi nhựa và các hóa chất độc hại khác trong lớp màng chống nước của cốc sẽ làm ô nhiễm phân hữu cơ thành phẩm và gây độc.
Có thể thấy rốt cuộc thì cốc giấy dùng một lần cũng vẫn gây tác hại cho sức khỏe và môi trường không khác gì đồ nhựa. Do đó, chúng cũng cần bị hạn chế sử dụng giống như với đồ nhựa dùng một lần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận