22/11/2011 12:26 GMT+7

Cọc chống lũ thành bẫy chông

Q.VINH - T.TÚ
Q.VINH - T.TÚ

TT - Mùa lũ vừa qua các tỉnh ĐBSCL đã đóng hàng trăm ngàn cây tràm, bạch đàn để gia cố, bảo vệ đê (sau đây gọi là cọc chống lũ). Hiện nước lũ đã rút, số cọc này hiện ra lởm chởm như “bẫy” gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.

yhJDwQbg.jpgPhóng to

Cọc chống lũ trên tuyến đê Nam Hang - Cả Cách đã gây ra nhiều vụ tai nạn cho người đi đường - Ảnh: Q.Vinh

Ngoài ra, theo một số chuyên gia, nếu để số cọc này dưới đê thì vài năm nữa đê bao sẽ bị yếu hơn khi cây mục. Trong khi đó các địa phương đang lúng túng không biết xử lý số cọc này thế nào.

Đi lại khó khăn

Đê bao Nam Hang - Cả Cách ở xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) dài 8,4km là tuyến đê xung yếu trong mùa lũ vừa qua ở huyện này. Đê này cùng với đê Tứ Thường ở xã Thường Phước 2 có nhiệm vụ bảo vệ cho hơn 2.600ha lúa thu đông. Hiện lúa đã thu hoạch xong, lũ đã rút để lộ ra mặt đê mấp mô, gập ghềnh và vô số cọc chống lũ nhấp nhô như bẫy chông. Người đi đường phải chạy xe máy rất chậm nhưng xe vẫn nhảy lưng tưng. Một số đoạn không thể đi xe được vì cọc chống lũ cắm chi chít trên mặt đê. Dưới sông, nhiều đoạn đê yếu đã được đóng cọc gia cố lấn ra gần nửa sông, tạo thành “bẫy” đối với ghe thuyền qua lại.

"Về lâu dài, tỉnh sẽ xây dựng lại hệ thống đê bao chắc chắn hơn để không phải có lũ thì đóng cọc, hết lũ lại nhổ lên. Một trong những phương án làm cho đê bao chắc chắn là phát động người dân trồng cây xanh trên toàn tuyến đê"

Ông Lê Văn Nưng (phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang)

Ông Trần Minh Thuận, phó chủ tịch UBND xã Thường Thới Tiền, cho biết thêm hiện lũ đã rút gần 1,6m, để lộ hàng rào cọc chống lũ bằng cây bạch đàn đan xen với lưới thép B40 cao hơn mặt đê 0,5-1m, rất nguy hiểm cho người đi đường.

Ông Nguyễn Văn Hải, nhà ở đầu tuyến đê Nam Hang - Cả Cách, cho biết từ khi lũ rút ngày nào trên đê cũng xảy ra tai nạn do người lái xe đâm vào hàng rào cọc bạch đàn, nhất là những ngày mưa trơn trượt. “Tội nhất là các cháu học sinh đi học bị té bầm giập, quần áo, tập vở lấm lem bùn đất” - ông Hải nói.

Bà Thi Thị Thi - nhà ở ấp Trung, xã Thường Thới Tiền - kể: “Đoạn sông ngay nhà tôi cọc bạch đàn tua tủa làm ghe thuyền không thể cập bờ được. Trên đê thì đường quá nguy hiểm nên nhiều người không dám chạy xe máy mà chuyển qua đi bộ rất vất vả”.

Đây cũng là thực trạng chung ở tất cả tuyến đê tại tỉnh Đồng Tháp và An Giang - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong trận lũ cách đây hai tháng. Ông Lê Văn Nưng, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết mùa lũ vừa qua tỉnh đã chi 20 tỉ đồng để mua cọc bạch đàn, cừ tràm gia cố đê bao chống lũ. Hiện tỉnh đang tính chuyện nhổ hết số cọc này lên.

Lúng túng tìm cách xử lý

Ông Mai Văn Xuyên - phó chủ tịch UBND huyện Tân Hồng, người có kinh nghiệm trong lĩnh vực đê điều - cho biết toàn huyện có hơn 45.000 cây cọc đã được đóng xuống để bảo vệ 56km đê nhằm giữ an toàn cho 10.000ha lúa thu đông. “Cọc bằng bạch đàn không chịu được nước như cây tràm nên phải nhổ lên. Ước tính khoảng 15.000 cây bạch đàn đã được đóng xuống đê, đóng xuống thì dễ nhưng nhổ lên rất khó khăn, tốn kém. Chúng tôi đã dự toán kinh phí nhổ cọc, sửa chữa đê tốn khoảng 460 tỉ đồng” - ông Xuyên nói:

Theo ông Trần Minh Thuận, chỉ tính riêng đoạn đê qua xã này có đến 25.000 cọc được đóng xuống 4-5m. Xã biết nếu để yên số cọc này như vậy sẽ gây khó khăn cho việc đi lại và làm yếu đê khi cây mục, nhưng xử lý ra sao thì đang lúng túng. “Lũ rút, đất khô cứng sẽ rất khó nhổ cọc lên nhưng đóng cọc xuống cho mất luôn lại càng khó” - ông Thuận băn khoăn.

Còn ông Nguyễn Quốc Hưng, chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự, quả quyết phải “dọn dẹp” hết số cọc chống lũ vì các tuyến đê còn có nhiệm vụ là đường giao thông nông thôn. Tuy nhiên do số lượng cọc đã đóng xuống quá nhiều nên trước mắt các địa phương phải thống kê rồi đề xuất phương án xử lý, xem nhổ hay đóng xuống luôn.

Cũng theo ông Hưng, nếu nhổ hết số cọc chống lũ lên bằng phương pháp thủ công thì mất rất nhiều thời gian, nhưng dùng máy đào Kobe để nhổ cũng không phải dễ. Mặt khác, trong quá trình gia cố đê bao chống lũ có hàng chục ngàn người dân tham gia đóng cọc miễn phí, còn nay muốn nhổ lên phải thuê nhân công.

Riêng UBND thị xã Hồng Ngự đã đề xuất phương án mở rộng đê làm tuyến dân cư hoặc đường giao thông nên sẽ chọn phương án đóng cọc xuống cho mất luôn. Tuy nhiên để thực hiện phương án này phải cần số tiền lên đến 114 tỉ đồng.

Nhấn cọc xuống lợi hơn nhổ lên

Tiến sĩ Võ Tòng Anh, Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng tốt nhất là dùng máy đào Kobe nhấn cọc chống lũ xuống qua khỏi đáy kênh (hoặc sông) để cây bạch đàn không bị mục, mà còn có tác dụng làm móng đê vững chắc hơn như làm móng xây nhà. Ngoài ra, việc nhấn cọc xuống còn làm giảm chi phí vì nhổ cọc sẽ tốn nhiều thời gian, công sức hơn và có thể làm móng đê không còn vững chắc.

Kỹ sư Đặng Ngọc Lợi, phó giám Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết tới đây tỉnh sẽ xây dựng một số tuyến đê bao mẫu kết hợp tuyến dân cư chắc chắn. Nơi nào có điều kiện sẽ làm đê bao kiên cố bằng bêtông.

Q.VINH - T.TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên