Được đạo diễn bởi Kim Jee Woon, nổi tiếng với hai tác phẩm kinh dị A Tale of Two Sister (2003) và I Saw the Devil (2010), thậm chí từng dấn thân vào Hollywood với bộ phim hành động The Last Stand do Arnold Schwarzenegger đóng chính, ông còn được biết tới là nhà làm phim chuyên thử sức với nhiều thể loại khác nhau.
Cobweb (tên chiếu tại Việt Nam: Cú máy ăn tiền) là cuộc thể nghiệm của đạo diễn Kim với thể loại hài đen (black comedy) châm biếm những khó khăn của những người làm việc trước và sau ống kính, mang đến một bức chân dung thú vị về quá trình làm nên một bộ phim điện ảnh.
Ngoài Song Kang Ho, bộ phim còn có sự tham gia của dàn sao gạo cội như Lim Soo Jung, Oh Jung Se, Jeon Yeo Bin hay cựu idol K-pop Krystal Jung…
Trailer phim Cobweb (Cú máy ăn tiền) - Clip: CJ
Bức thư tình trào phúng gửi điện ảnh
Đang giữa thời hoàng kim của điện ảnh Hàn Quốc, Kim Jee Woon đưa khán giả trở về thập niên 1970, thời kỳ được tạp chí quốc tế về lịch sử Hàn Quốc coi là “đen tối nhất của điện ảnh cả về chất lượng lẫn số lượng” do bị kìm kẹp.
Nhân vật chính là đạo diễn họ Kim (do Song Kang Ho thủ vai), người đang bị khán giả và giới phê bình quay lưng vì liên tục cho ra đời những tác phẩm tệ hại, khác xa với bộ phim đầu tay.
Điều này làm ông ta ám ảnh với việc tạo ra một “kiệt tác”. Câu chuyện bắt đầu khi ông ta ra sức quay lại cái kết của bộ phim vừa đóng máy (cũng mang tên Cobweb) trong 2 ngày, mặc những “thế lực” bên ngoài ra sức dập tắt suy nghĩ “điên rồ” này.
Diễn xuất của Song Kang Ho đã khiến cho một kẻ tự phụ, thành công nhờ may mắn và thậm chí có phần hoang tưởng chiếm được cảm tình của khán giả.
Tuy biết đằng sau những thước phim ông ta cũng chẳng tử tế gì, nhưng hành trình “nổi loạn” chống lại thời cuộc của đạo diễn Kim khiến người xem vẫn muốn dõi theo hành trình đầy trào phúng này.
Gọi là trào phúng vì hầu hết nhân vật trong phim đều là công cụ để vạch trần một cách châm biếm các vấn nạn trong ngành nghệ thuật thứ 7.
Phim tạo cho khán giả tiếng cười ở những góc khuất đen tối nhất phía sau màn bạc.
Đó là sự giằng xé nội tâm của một đạo diễn ngoài mặt có cái tôi cao nhưng thực chất lại tự ti hèn kém và thường xuyên lạm dụng thuốc.
Đó là sự bất hợp tác của các diễn viên đến những tai nạn, biến cố trên phim trường và đặc biệt là các “quan lớn” ở bộ phận kiểm duyệt, những người được khắc họa là kẻ thù lớn nhất của các nhà sản xuất phim đương thời.
tự đóng vai cameo là một nhà phê bình không tiếc lời chửi phim của Kim là “phim rác”.
Khó khăn là thế, công cuộc sản xuất phim và những thách thức của dàn nhân vật vẫn rất “thật” và đầy sự đam mê, giành được sự đồng cảm của khán giả và giới làm phim.
Là người trong ngành, đạo diễn Charlie Nguyễn (Tèo Em, Dòng máu anh hùng) chia sẻ rằng càng xem phim, anh càng thích và đồng cảm với hành trình của các nhân vật.
Cobweb: Khi nhà làm phim gặp ác mộng kiểu Kafka
Với thủ pháp phim trong phim, hai câu chuyện được kể song hành nhưng cũng đối lập nhau bằng hai tông màu khác biệt.
Đạo diễn hình ảnh Kim Ji Yong đã quay bộ phim của đạo diễn Kim theo tông màu trắng đen cổ điển, còn những cảnh ở trường quay thì theo tông màu ngả xám, tạo cảm giác hoài cổ của thập niên 1970.
Cả hai câu chuyện này đều phải đối mặt với một thế lực, đó là Kafkaesque - hay còn gọi là ác mộng kiểu Kafka.
Kafkaesque được đặt theo tên nhà văn nổi tiếng Franz Kafka, tác giả của tiểu thuyết Hóa thân, Lâu đài và nhiều truyện ngắn khác. Tính từ này thường dùng để nói tới những trải nghiệm siêu thực đáng sợ, phi lý. Đồng thời cũng để miêu tả hành động chống lại bộ máy quan liêu nhưng không có kết quả.
Trong khi ở ngoài trường quay, đạo diễn Kim vật lộn với nhà cầm quyền để tiếp tục hoàn thiện “kiệt tác” thì các nhân vật trong phim của ông ta cũng phải đối mặt với kết cục đầy phi lý và đáng sợ.
Tên gốc Cobweb (tạm dịch: Mạng nhện) của cả hai bộ phim cũng là ẩn dụ cho sự bế tắc, rối rắm bao trùm các nhân vật.
Tuy nhiên, rối rắm cũng là từ có thể dùng để chỉ tình tiết phim khi các tình huống dở khóc dở cười cứ liên tục xảy ra và đan xen nhau dễ gây ngộp cho khán giả.
Thời lượng 2 tiếng là khá dài, khiến bộ phim mất nhịp giữa chừng. Cái kết ấn tượng nhưng cũng gây cảm giác hụt hẫng vì không tận dụng hết được các yếu tố bộ phim dày công xây dựng.
Thử nghiệm lần này của đạo diễn Kim Jee Woon là một thành công khi phim nhận được sự hoan nghênh nồng nhiệt ở Liên hoan phim Cannes hồi tháng 5.
Tuy nhiên, dường như bộ phim mắc kẹt giữa việc chọn “danh tính” là phim nghệ thuật hay phim giải trí. Nếu so với những tác phẩm khác ở Cannes năm nay như Anatomy of a fall, Perfect days hay Monster thì bộ phim không mấy nổi bật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận