22/10/2017 10:23 GMT+7

Cô Yo người Nhật Bản của trẻ da cam Đà Nẵng

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Nonoyama Nobuyo (39 tuổi) - một thiện nguyện viên đến từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) - đã mang tình yêu vượt biên giới đến với những trẻ là nạn nhân chất độc da cam ở Đà Nẵng.

Cô Yo người Nhật Bản của trẻ da cam Đà Nẵng - Ảnh 1.

Nobuyo cùng một nhân viên trung tâm dạy các em nhỏ khuyết tật xâu hạt cườm - Ảnh: Đ.N

Cô trò ở Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam (cơ sở 3) vẫn nhớ lần đầu tiên cô gái Nhật đặt chân đến đây với những lời giới thiệu bẽn lẽn nhưng đầy ắp lòng nhân ái. 

Vì tên Nhật Bản của cô khó nhớ nên các em bé da cam gọi cô là cô Yo (chữ cuối của họ cô giáo). Và từ đây, cuộc sống nhiều em nhỏ bất hạnh dần thay đổi.

Tấm lòng vượt biên giới

Hơn 8h sáng, Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em nghèo bất hạnh thuộc xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng đã rộn rã tiếng nói cười. 

Một nhóm chừng chục em nhỏ là nạn nhân chất độc da cam chăm chú nhìn cô giáo Yo.

Người phụ nữ Nhật có gương mặt phúc hậu và mái tóc đuôi gà buộc cao chậm rãi luồn từng hạt cườm vào sợi dây đồng nhỏ trên tay. 

Chốc chốc lại hướng mắt về phía từng bạn nhỏ, gật gật đầu, miệng nhoẻn cười với ánh mắt như muốn hỏi: "Con làm được mà, phải không?".

Sau một hồi hướng dẫn, cả cô trò cùng bắt tay vào việc. Tất cả đều chăm chú, quyết tâm. Những đứa trẻ không lúc nào ngừng thắc mắc. Cứ xâu hạt cườm nào hay hoàn thành được một phần sản phẩm là chúng lại vỗ vỗ vào cánh tay cô giáo: "Cô Yo, thế này nè, thế này được chưa?".

Dù những câu hỏi đó được lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng mỗi khi có trò hỏi, cô gái Nhật đều cười thật tươi, gật đầu khen ngợi. 

Cứ mỗi lần như thế, cả cô và trò cùng phá lên cười. Nhìn cảnh ấy ít ai biết được một năm trước, khi cô Yo chưa xuất hiện, các em này hoàn toàn không có bất cứ biểu hiện giao tiếp nào đối với những người xung quanh.

Điều đặc biệt từ cô gái Nhật này là khi gặp bất kỳ ai, cô cũng nở nụ cười thân thiện và ánh mắt biết nói khiến mọi người khó có thể nhận ra cô là người từ một đất nước xa lạ tới đây. 

Đã hơn một năm nay, Yo vừa là cô giáo, vừa là bạn tâm tình của những em bé ở trung tâm. Mặc dù vốn tiếng Việt của cô không nhiều nhưng giữa cô trò hầu như không còn khoảng cách.

Không chỉ dạy các em nhỏ ở đây học vẽ, học chữ hay xâu hạt cườm, làm các sản phẩm thủ công, cô Yo còn lắng nghe những điều thầm kín của chúng, chia sẻ bằng những câu ngắn gọn, đơn giản đi cùng với các cử chỉ ra hiệu của mình.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Vang (phó giám đốc trung tâm) cho biết: "Từ ngày có cô Yo, bọn trẻ hay cười, hay hỏi và phát biểu quan điểm hơn. Trò dạy cô tiếng Việt, cô dạy trò dạn dĩ, kỹ năng. Cứ đến lớp là chúng vây quanh cô không rời. Giờ đây ngày nào cô Yo nghỉ là bọn trẻ lại nhớ".

Cô Yo người Nhật Bản của trẻ da cam Đà Nẵng - Ảnh 2.

Em Nguyễn Hòa Niên biết cười, nói bi bô nhờ tình yêu của cô Nobuyo - Ảnh: Đ.NHẠN

Phương pháp đặc biệt

Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Nẵng, cho biết cô Yo không chỉ mang tình yêu đến để thay đổi cuộc sống những đứa trẻ bất hạnh, mà còn là người đồng hành lý tưởng của những nhân viên ở trung tâm. 

Trước đây, khó khăn lớn nhất với nhân viên ở đây là phần lớn bài học của các em đều do thầy cô tìm tòi, thực hành và tự áp dụng vào thực tế.

Nobuyo đến đã thay đổi cuộc đời của những đứa trẻ bất hạnh và cả chúng tôi

NGUYỄN THỊ HIỀN

Qua quá trình thử nghiệm đã có không ít phương pháp không thể thành công đối với trẻ khuyết tật. Các em không thể tiếp thu nổi một khối lượng kiến thức cùng lúc. 

Nhưng từ khi cô Yo đến, mang theo phương pháp mới từ Nhật Bản, mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi vì chúng thực sự hiệu quả.

"Để các em tiếp thu được những gì mình truyền đạt, tôi chia một buổi học ra làm nhiều phần nhỏ. Hay những bài học làm thủ công, tôi không cầm tay chỉ việc mà vẽ các bước làm ra giấy theo tỉ lệ thực. Dựa vào đó, mỗi ngày các em làm theo bản vẽ và dần dần sẽ tiến bộ rõ rệt", Nobuyo chia sẻ.

Nobuyo quản lý các em qua một nội quy được dán trên tường và các em nhỏ răm rắp nghe theo. 

"Thật sự đặc biệt và đáng nể phục. Tính kỷ luật, nghiêm khắc kết hợp với tình yêu thương là phương pháp dạy hiệu quả mà chúng tôi phải học tập nhiều từ cô Yo", cô Nguyễn Thị Cẩm Vang nói.

Với Nobuyo, điều hạnh phúc nhất là mỗi ngày qua đi lại thấy sự trưởng thành hơn ở các em nhỏ khuyết tật mà cô chăm sóc. Cô không ngừng tìm tòi cái mới, cái hay và áp dụng bài bản với trẻ.

Những ngày cuối tuần, cô Yo không cho phép mình nghỉ ngơi. Một mình, cô gái Nhật chạy xe máy mấy chục cây số đến các chợ trung tâm thành phố, tìm mua các loại vật dụng dùng cho việc dạy học và phát triển cho trẻ. 

Các cô giáo ở đây bảo rằng thật khó tin vì những vật dụng khó kiếm nhất đều được cô Yo tìm mua về bằng được.

Như một giấc mơ

Rút trong chiếc túi luôn mang theo bên mình ra một chiếc máy ảnh nhỏ, Nonoyama Nobuyo khoe những hình ảnh đẹp mình ghi lại được về các em nhỏ ở đây. 

Những khoảnh khắc các em vui cười, hạnh phúc hay hờn dỗi... đều được cô ghi lại qua từng bức ảnh như một nhật ký ở Việt Nam.

Đặc biệt nhất là những hình ảnh mà cô ghi lại các khoảnh khắc của em Nguyễn Hòa Niên - một em nhỏ từ lúc sinh ra đã gần như không có ý thức. Hơn 10 tuổi nhưng người Niên nhỏ thó, quặt quẹo nằm suốt trên giường và không giao tiếp với ai.

Mỗi ngày sau giờ dạy trên lớp, Nobuyo đến tận giường Niên, dành cho em những cái ôm ấm áp. 

Cứ như thế, suốt hơn một năm qua, Niên đã thay đổi rõ rệt. Em bắt đầu hiểu những ký hiệu và lời nói đơn giản mà cô Yo nói với mình. Đôi mắt Niên bắt đầu có hồn. Em làm theo những điều cơ bản mà cô Yo chỉ cho như vẫy tay, cười, cúi đầu cảm ơn khi nhận quà... 

Mỗi lần có đoàn từ thiện đến thăm, Nobuyo lại bế Niên lên chiếc xe lăn, đẩy đến hội trường để em hòa vào niềm vui cùng chúng bạn.

Anh Nguyễn Nghỉ (ba của Niên) cho biết: "Tôi thật không tin rằng có một ngày đứa con tội nghiệp của mình lại làm được những điều đó. Giờ cháu còn chơi game của người Nhật và thắng cả cô Yo. Với gia đình tôi, cô Yo như một giấc mơ vậy".

Nonoyama Nobuyo tâm sự: "Trước đây tôi chưa từng nghĩ mình sẽ đến Việt Nam và hòa nhập tốt với các em nhỏ khuyết tật ở đây. Nhưng bây giờ mọi thứ đã hoàn toàn khác, tôi thật sự yêu nơi này và muốn gắn bó".

Hơn 5.000 người đi bộ gây quỹ vì nạn nhân da cam

TTO - Sáng 5-8, tại Công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11, TP.HCM), hơn 5.000 người tham gia chương trình đi bộ đồng hành gây quỹ Vì nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật nghèo lần thứ 11.

coyo 5(read-only)

Nobuyo chăm sóc các em ở trung tâm như con ruột của mình - Ảnh: Đ.NH

Hành trang tình yêu

Nobuyo sống ở thành phố Nagoya (Nhật Bản) cùng chồng và bố mẹ. Quyết định đến Việt Nam của cô không được sự đồng ý của người thân. Nhưng rồi cô đã thuyết phục họ cho cô thực hiện ước mơ của mình. Bản thân từng làm công tác xã hội hơn 10 năm khi còn ở Nhật, nhờ vậy mà cô đúc rút được nhiều kinh nghiệm chăm sóc và giáo dục trẻ em khuyết tật. Hành trang cô mang đến Việt Nam chỉ có tình yêu với những đứa trẻ không may mắn.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên