Điểm chuẩn nhiều ngành của Trường ĐH Đồng Nai được trường đẩy lên cao để không thí sinh nào trúng tuyển - Ảnh: M.G.
Nhiều trường ĐH địa phương (trường công) điểm chuẩn khá thấp, lượng thí sinh trúng tuyển thưa thớt. Đáng chú ý là rất nhiều ngành sư phạm ở các trường "trắng" thí sinh trúng tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia.
50% số ngành không có thí sinh trúng tuyển
Theo điểm chuẩn bậc ĐH dựa vào điểm thi THPT quốc gia của Trường ĐH Phú Yên công bố, ngoại trừ các ngành sư phạm có điểm bằng sàn theo quy định (18 điểm), các ngành còn lại đều có điểm chuẩn 14. Mặc dù điểm thấp như vậy nhưng chỉ có 76 thí sinh trúng tuyển đợt 1 bằng xét tuyển điểm thi THPT quốc gia. Số thí sinh trúng tuyển ở nhiều ngành đếm chưa đủ đầu ngón tay.
Chẳng hạn, ngành sư phạm tiếng Anh có 3 thí sinh trúng tuyển, sư phạm toán có 2 thí sinh trúng tuyển, sư phạm lịch sử chỉ có 1 thí sinh trúng tuyển. Thậm chí rất nhiều ngành không có thí sinh nào trúng tuyển như sư phạm tin học, sư phạm hóa học, sư phạm sinh học, sư phạm ngữ văn, sư phạm lịch sử, hóa học, sinh học, vật lý học, văn học.
Theo danh sách trúng tuyển do trường này công bố, chỉ có 75 thí sinh trúng tuyển vào 8 ngành giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, sư phạm toán, sư phạm lịch sử, sư phạm tiếng Anh, Việt Nam học, công nghệ thông tin, ngôn ngữ Anh trong khi trường tuyển sinh ĐH đến 16 ngành.
Cũng trong tình cảnh tương tự, sau khi công bố điểm chuẩn xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia, Trường ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) chỉ có 77 thí sinh trúng tuyển. Hai ngành giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học đã chiếm gần 50% số thí sinh trúng tuyển (32 thí sinh). 45 thí sinh còn lại chia cho các ngành dẫn đến nhiều ngành chỉ có 1, 2 thí sinh trúng tuyển.
Cụ thể: sư phạm hóa học 1, sư phạm toán học 2, sư phạm ngữ văn 2, sư phạm địa lý 2, sư phạm tiếng Anh 8, ngôn ngữ Anh 4, kinh tế phát triển 1, sinh học ứng dụng 1, kỹ thuật điện tử viễn thông 2, kỹ thuật cơ điện tử 3, công nghệ kỹ thuật cơ khí 5, còn lại là ngành công nghệ thông tin.
Như vậy, kết thúc đợt 1, các ngành sư phạm tin học, sư phạm vật lý, kinh tế phát triển trắng thí sinh trúng tuyển theo phương thức điểm thi THPT quốc gia. Điều đáng nói là điểm chuẩn đợt 1 các ngành sư phạm bằng điểm sàn 18 trong khi các ngành còn lại chỉ có điểm chuẩn 13.
Chính vì có quá ít thí sinh trúng tuyển nên ngay sau khi công bố điểm chuẩn đợt 1, Trường ĐH Phạm Văn Đồng đã thông báo xét tuyển bổ sung đợt 2 đến 1.215 chỉ tiêu, trong đó bậc ĐH có 505 chỉ tiêu cho cả 13 ngành.
Khá hơn một chút, Trường ĐH Quảng Bình có 141 thí sinh trúng tuyển bằng xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia sau đợt 1. Số thí sinh trúng tuyển vào một số ngành rất ít. Giáo dục chính trị chỉ có 3 thí sinh, sư phạm lịch sử 1, quản lý tài nguyên rừng 1, phát triển nông thôn 2…
Hàng loạt ngành sư phạm bậc ĐH vẫn chưa tuyển được thí sinh nào như sư phạm toán học, sư phạm vật lý, sư phạm hóa học, sư phạm sinh học. Điểm chuẩn đợt 1 vào trường là 18 với các ngành sư phạm, 15 với các ngành ngoài sư phạm. Ngay sau khi công bố điểm chuẩn, trường ĐH này đã thông báo xét tuyển bổ sung hơn 600 chỉ tiêu bậc ĐH cho tất cả các ngành.
Cố tình đánh rớt thí sinh
Nhiều trường ĐH công lập khác cũng có điểm chuẩn khá thấp. Chẳng hạn Trường ĐH Hà Tĩnh, ngoài các ngành sư phạm, các ngành còn lại đều có điểm chuẩn 13,5. Trường ĐH Bạc Liêu lấy điểm chuẩn 14 cho tất cả các ngành.
Tại Trường ĐH Đồng Nai, tuy điểm chuẩn các ngành không quá thấp nhưng có một thực tế là rất nhiều ngành sư phạm không có thí sinh nào trúng tuyển. Thống kê cho thấy có 1.806 thí sinh trúng tuyển đợt 1 vào bậc ĐH của trường. Năm nay trường tuyển 14 ngành ĐH và có đến 4 ngành chưa có thí sinh nào trúng tuyển, bao gồm: sư phạm vật lý, sư phạm sinh học, sư phạm lịch sử và quản lý đất đai.
Đáng chú ý là điểm chuẩn các ngành sư phạm này bị đẩy lên rất cao so với các ngành khác. Trong số các ngành sư phạm có thí sinh trúng tuyển, điểm chuẩn cao nhất chỉ là 18,5 (giáo dục tiểu học). Ngành sư phạm toán có điểm chuẩn 18 với 58 thí sinh trúng tuyển (30 chỉ tiêu).
Trong khi đó, ngành sư phạm vật lý (có 40 chỉ tiêu) điểm chuẩn được đẩy lên đến 24,7 và ngành sư phạm lịch sử cũng bị đẩy lên đến 22,6 và không có thí sinh trúng tuyển.
Ở các ngành ngoài sư phạm, những ngành có thí sinh trúng tuyển có điểm chuẩn 15, 16 trong khi điểm chuẩn ngành quản lý đất đai lên đến 20,8 và không có thí sinh nào nào trúng tuyển.
Tương tự, trong số 8 ngành CĐ sư phạm của trường này, chỉ có ngành giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học có thí sinh trúng tuyển (điểm chuẩn 16). 5 ngành còn lại đều có điểm chuẩn "trên trời": 2 ngành 16 điểm, 3 ngành từ 19 điểm, trong đó ngành sư phạm ngữ văn có điểm chuẩn lên đến 19,8.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Trần Minh Hùng - hiệu trưởng Trưởng Trường ĐH Đồng Nai - xác nhận trường cố tình đẩy điểm chuẩn lên cao để đánh rớt thí sinh. "Các ngành này chỉ có 2, 3 thí sinh trúng tuyển. Trường không thể mở lớp, như thế sẽ thiệt thòi cho các em. Do đó trường đẩy điểm chuẩn lên cao để không thí sinh nào trúng tuyển. Như vậy các em có thể trúng tuyển vào các nguyện vọng khác" - ông Hùng nói.
Trước đó tại hội nghị tuyển sinh ngày 17-7, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) - lưu ý các trường đào tạo sư phạm, nếu có quá ít thí sinh không đủ mở lớp, trường cần sớm thông tin để thí sinh thay đổi nguyện vọng. Tránh trường hợp không đủ thí sinh mở lớp, có trường đẩy điểm chuẩn lên quá cao để đánh rớt toàn bộ thí sinh như trong kỳ tuyển sinh năm 2018.
Ngoài công lập không còn đội sổ điểm chuẩn
Trong khi điểm chuẩn nhiều trường công lập khá thấp thì không ít trường ĐH ngoài công lập lại có điểm chuẩn khá cao. Tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, điểm chuẩn thấp nhất vào trường là 16, đa số các ngành có điểm chuẩn từ 16 đến 18 điểm, một số ngành 20 - 22 điểm. Trong khi đó, điểm chuẩn vào Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM thấp nhất 17, đa số các ngành có điểm từ 17 đến 19, một số ngành có điểm chuẩn 20 - 21.
Điểm chuẩn vào nhiều trường ĐH ngoài công lập khác như Nguyễn Tất Thành, Ngoại ngữ tin học TP.HCM, Văn Lang cũng khá cao. Nhiều ngành của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có điểm chuẩn 17, 18 điểm, các ngành nhóm sức khỏe cao nhất 23 điểm. Trường ĐH Ngoại ngữ tin học TP.HCM có đến 5 ngành có điểm chuẩn từ 19 điểm trở lên (không nhân hệ số), cao nhất là 22,25.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận