16/01/2018 07:00 GMT+7

Cổ vật hồi hương: Gian nan hành trình hút cổ vật về nước

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Cơ quan nhà nước phụ thuộc vào quy trình có tính nguyên tắc từ kế hoạch, đánh giá, lựa chọn, báo cáo, tham khảo khung pháp lý đầy đủ và dự toán đến phê duyệt kinh phí.

Cổ vật hồi hương: Gian nan hành trình hút cổ vật về nước - Ảnh 1.

Bức tranh "Chiều tà" của vua Hàm Nghi - Ảnh tư liệu

Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN Nguyễn Văn Cường cho biết một kế hoạch chiến lược liên quan đến cổ vật hồi hương đã được các cơ quan chức năng đặt ra và đang khởi động. Liệu điều này có xoay chuyển được thực tế bấy lâu: cổ vật hồi hương chủ yếu phụ thuộc vào nỗ lực của các cá nhân, và cơ quan quản lý văn hóa nhà nước gần như ở ngoài cuộc?

Quy trình rào cản

Trước khi mua được chiếc xe kéo (cùng lúc vuột mất chiếc long sàng), Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã bị vuột khỏi tay bức tranh của vua Hàm Nghi một cách đầy tiếc nuối. Đó là bức tranh Chiều tà (Déclin du jour) do vua Hàm Nghi vẽ năm 1915, trong giai đoạn an trí tại Algeria. 

Thông tin cho hay đây là tranh sơn dầu trên bố khổ 35x46cm, Văn phòng SVV Millon & Associés Paris, Pháp tổ chức đấu giá vào ngày 24-11-2010 với giá khởi điểm 800-1.200 euro. 

Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế lúc ấy rất quyết tâm và tìm cách đấu giá để đưa bức tranh được đánh giá rất quý này về nước. Bởi lẽ giai đoạn an trí ở Algeria, vị vua yêu nước chống Pháp này đã vẽ rất nhiều tranh, song gần như chưa nghe một tổ chức hay cá nhân trong nước sở hữu được tác phẩm nào. Trung tâm di tích lúc ấy đã ủy quyền cho cơ quan Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tham gia đấu giá.

Tại phiên đấu giá, bức tranh được đại diện ủy quyền cùng sự "trợ sức" của một số bà con Việt kiều tại Pháp, sau một hồi "đấu trí" đã đẩy giá lên 8.000 euro. Tuy nhiên, hiện vật đặc biệt này được một người đấu giá giấu tên đẩy lên 8.800 euro, "vượt ngưỡng" số tiền có thể cân đối và tranh thủ được của trung tâm di tích. 

Hiện vật vuột khỏi tay của trung tâm, đơn vị đang quản lý gia sản văn hóa lịch sử triều Nguyễn tại Huế, trong sự tiếc nuối của mọi người. Ngay sau cuộc đấu giá thất bại này, ông Nguyễn Văn Phúc, lúc ấy là chánh văn phòng Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, ngậm ngùi: "Cơ chế và thủ tục về tài chính trong chuyện này của chúng ta khá phức tạp, nên việc đấu giá tương tự sẽ rất khó thành công".

TS Nguyễn Văn Cường - giám đốc Bảo tàng Lịch sử VN, thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia - cho biết không chỉ cơ quan ông, mà còn ở những cấp cao hơn cũng từng đặt ra vấn đề hồi hương cổ vật. Song đến nay, hầu hết hiện vật hồi hương đều là nỗ lực từ cá nhân những nhà sưu tập,  người yêu văn hóa lịch sử và  thương gia buôn bán cổ vật. 

Ông diễn giải, cá nhân, tư nhân muốn tham gia đấu giá chỉ cần có tiền, dự đấu giá, quyết định mua hay không phụ thuộc vào diễn biến cuộc đấu giá và quyết tâm của họ. Còn cơ quan nhà nước luôn phụ thuộc vào quy trình có tính nguyên tắc từ kế hoạch, đánh giá, lựa chọn, báo cáo, tham khảo khung pháp lý đầy đủ và dự toán đến phê duyệt kinh phí... 

Tất cả điều đó trở thành rào cản nhất định trong công cuộc hồi hương cổ vật, nên rất khó mua được cổ vật đấu giá ở nước ngoài.

Cổ vật hồi hương: Gian nan hành trình hút cổ vật về nước - Ảnh 2.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN - Ảnh: THÁI LỘC

Tham khảo một cách làm tốt

Cố cung Bắc Kinh của Trung Quốc trước đây toàn bộ cổ vật quý giá đều bị lực lượng Trung Hoa dân quốc chuyển sang Đài Loan, làm cố cung trở nên trống rỗng. Vậy mà hiện nay rất nhiều cổ vật đó đã "quay về", làm cố cung "đầy đặn" trở lại. 

Trung Quốc đã cho thành lập Hội cổ vật Trung Quốc lưu lạc, với phương thức hoạt động tương tự hội đoàn của người Việt ở nước ngoài. Hội này quy tụ nhiều "đại gia" trong lẫn ngoài nước, đặc biệt là những người có tấm lòng đối với văn hóa Trung Quốc, đứng ra sưu tầm hiện vật Trung Quốc từ khắp thế giới để đưa về nước.

TS Nguyễn Văn Cường cho rằng sở dĩ Trung Quốc làm được như thế vì chính phủ của họ có  chính sách hay, tiềm lực kinh tế mạnh, khung pháp lý hợp lý và công tác ngoại giao phù hợp. 

"Cục Văn vật Trung Quốc và các bảo tàng không trực tiếp đứng ra mua cổ vật từ nước ngoài đưa về nước. Họ xây dựng cơ chế mua thông qua tư nhân và tổ chức của họ. Đó là cách làm tốt!" - ông Cường nhận xét.

Về phía VN,  ông Cường đánh giá: "Chủ trương, mục tiêu và các vấn đề về pháp lý trong việc hồi hương cổ vật luôn là trách nhiệm, khát khao, mục tiêu của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ VH-TT&DL cũng như của những người làm công tác di sản!". 

Tất cả đang trong quá trình xây dựng, luật hóa và công việc này vẫn chưa xong. Ông Cường cũng nhận xét: dù tư nhân đưa cổ vật về bằng con đường gì đi nữa thì cũng đáng mừng. "Họ đưa theo cảm hứng, thời cuộc và giá cả. 

Còn Nhà nước làm thì sẽ làm việc với các cơ quan đối ứng nước ngoài qua công tác ngoại giao văn hóa, giải quyết các vấn đề pháp lý và kinh tế một cách bài bản và quy mô. Do đó, giá trị của hiện vật và số lượng hiện vật sẽ lớn hơn so với tư nhân" - ông Cường nói.

Lập kế hoạch đòi cổ vật quý

Cổ vật Việt được đánh giá nằm khắp thế giới với số lượng rất lớn, có nhiều hiện vật quý giá mà trong nước không có... Chúng rời Việt Nam trong nhiều giai đoạn lịch sử và bằng nhiều phương thức khác nhau (chiến tranh, cướp bóc, cưỡng đoạt, mua bán trao đổi, thừa kế...). Nhiều hiện vật thuộc hàng quý giá bậc nhất.

Ông Nguyễn Văn Cường cho hay trong chiến lược phát triển của Bảo tàng Lịch sử VN có một chương quan trọng là hồi hương cổ vật. Bảo tàng này hoàn thành bước đầu việc thống kê những cổ vật quý giá thuộc văn hóa VN đang nằm ở nhiều nước trên thế giới. 

Dựa trên nhiều kênh khác nhau, bảo tàng cũng đang thu thập tài liệu, nghiên cứu xem hiện vật đi bằng con đường nào, thời điểm nào, đưa đi hợp pháp hay không hợp pháp? 

Với những trường hợp bất hợp pháp như cưỡng đoạt, cướp bóc,  bảo tàng sẽ phân loại và có kế hoạch đấu tranh ngoại giao và pháp lý để đòi lại chúng. Tuy nhiên, theo ông Cường, đó là một con đường rất dài và nhiêu khê.

Ngạc nhiên

cổ vật cuối 2 1(read-only)

Chiếc long sàng triều Nguyễn - một hiện vật quý bị vuột khỏi tay Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế vì thiếu tiền - Ảnh tư liệu

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thông tin Thừa Thiên - Huế, từng rất ngạc nhiên về tình trạng mua bán cổ vật quý giá của Việt Nam diễn ra ngay trong bảo tàng cạnh cố cung. Hỏi ra mới biết việc mua bán cổ vật cho người nước ngoài cũng được phép. Chính phủ các nước còn có chính sách khuyến khích người dân và các tổ chức đưa cổ vật có giá trị từ nước ngoài về nước họ.

Cổ vật hồi hương: Xe kéo hoàng cung về kinh thành Huế Cổ vật hồi hương: Sự trở về của đồ gốm cổ Chu Đậu Chiếc áo của đức Từ Cung - mẹ vua Bảo Đại - từ Pháp trở về
THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên