08/06/2013 13:19 GMT+7

Cổ vật - Trăm năm đáy biển...

L.Đ.DỤC - TH.LỘC - V. HÙNG
L.Đ.DỤC - TH.LỘC - V. HÙNG

TT - Việc tìm thấy những chiếc tàu buôn bị đắm, mang theo trong lòng nó cả vạn cổ vật nằm im lặng hàng thế kỷ dưới đáy biển sâu luôn là một câu chuyện chất chứa nhiều bí ẩn về hành trình con tàu và số phận của thủy thủ đoàn.

Kỳ 1: “Nghĩa địa” tàu cổ trên biển Châu Thuận

meXlyu3R.jpgPhóng to
Những cổ vật được tìm thấy trong con tàu cổ bị đắm - Ảnh: TRÀ GIANG

Con tàu cổ ở thôn Châu Thuận Biển (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) được phát hiện vào tháng 9-2012 là một con tàu như thế. Ngày 4-6-2013, việc khai quật con tàu chính thức bắt đầu sau chín tháng làm công tác chuẩn bị...

Những ngày về làng chài Châu Thuận Biển (xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) để tìm hiểu về con tàu đắm, chúng tôi bất ngờ biết thêm nơi đây còn có nhiều con tàu cổ khác cũng từng bị đắm và đang nằm sâu dưới lòng biển.

Từ những mảnh ván thuyền bị cháy...

Tháng 9 năm ngoái, có mặt ở Châu Thuận Biển đúng thời điểm phát hiện con tàu đắm, chúng tôi đã tìm đến nhà ông Tư Lành ở thôn An Hải, người được mệnh danh là “từ điển sống” về tàu đắm ở khu vực xã Bình Châu. Ông Lành đưa chúng tôi đi xem bốn phách gỗ lớn đang để bên con hẻm gần nhà.

Ông cho biết cả bốn phách gỗ này đều được cắt ra từ một thân gỗ dài đến 25m, rộng 60cm và dày 22cm, chưa xác định được là gỗ gì. Theo ông Lành, đây là tấm đáy xuyên suốt giữa thân tàu. Cả bốn phách đều có một mặt gỗ cháy sém, hai bên còn dấu mộng và những đinh lớn dính cát bùn và đá đóng cứng.Những vết cháy trên các phách gỗ thân tàu này chứng tỏ con tàu có thể đã bị cháy trước khi chìm xuống biển.

Ông Tư Lành cho biết đã tổ chức trục vớt phách gỗ này vào cuối tháng 5-2012 cũng tại vùng biển của làng chài Châu Thuận Biển, cách bờ chừng một cây số. Nếu tính từ trước tới nay đây là con tàu thứ năm được người dân phát hiện. Dấu vết về đồ cổ trên những con tàu đắm tại khu vực này được phát hiện lần đầu cách nay hơn 20 năm. Vào khoảng năm 1990, một người dân Châu Thuận Biển lượm được trên bãi đá của ghềnh Cả (cách điểm vừa phát lộ con tàu cổ hiện nay về phía bắc chừng 2km) một cái trôn đĩa bằng sứ đường kính hơn 10cm, trên đó vẽ một cặp tình nhân đang ân ái. Thấy là lạ, người này đem về làng khoe. Khi được một tay buôn cổ vật đi ngang làng hỏi thăm, người này đưa ra và được mua với giá khá cao. Một thời gian sau những người dân lặn tôm cá ở khu vực này tình cờ thấy rất nhiều mảnh sứ là bát, đĩa vẽ hoa lá đã nhặt đem về. Nhiều dân buôn sau đó đến hỏi mua theo dạng ký lô. Thấy bán được, các thanh niên trong làng Châu Tân, Châu Thuận Biển và các làng lân cận nếu không đi biển thì tìm ra ghềnh Cả lặn tìm cổ vật. Dân lặn đồ cổ gọi con tàu này là “tàu Châu Tân”.

“Tàu Châu Tân” chỉ nằm cách bờ chừng 150m, ở độ sâu 3m, được các nhóm ngư dân nhiều lần dùng máy hút để trục vớt. Cho dù số lượng hiện vật rất nhiều nhưng chưa thấy được một cái nào còn nguyên. Lượng đồ vớt được, theo bà Nguyễn Thị H., người thôn Châu Thuận Biển, phải tính bằng xe tải. Chừng mười ngày nửa tháng là một nhà sưu tập ở thị trấn Châu Ổ (huyện Bình Sơn) đưa xe vào chất lên, chở đi. Theo nhận xét của ông Phan Văn Mạnh, thư ký Hội Di sản Quảng Ngãi: “Có lẽ chiếc tàu bị chìm do sóng bão đập vào ghềnh, vả lại ở dưới toàn đá nên tất cả đồ vật đều bị vỡ hết”. Đến nay những mảnh sứ của “tàu Châu Tân” vẫn còn được người dân tiếp tục lặn vớt. Riêng thân tàu bằng gỗ thì được nhóm ngư dân tổ chức trục vớt vào cuối năm 2011 với số lượng chừng 10m3 gỗ. Đầu năm 2012, một nhà sưu tập ở thị trấn Châu Ổ đã đến mua với giá 10 triệu đồng. Ông Mạnh cho rằng dựa trên những mảnh vỡ này có thể đoán định chủ yếu là đồ sứ thời Minh. Dòng sứ này thuộc hàng trung bình, còn gọi đồ Minh “phố” (để phân biệt với dòng cung đình cao cấp và dòng dân gian thấp cấp hơn - PV).

HnO1c6c0.jpgPhóng to
Vịnh biển Bình Châu. Phía bắc là ghềnh Cả, phía nam là ghềnh Ráng, được xem là “nghĩa địa” tàu cổ - Ảnh: LÊ ĐỨC DỤC

Đến phát lộ hàng loạt tàu cổ

Cũng vào cuối thập niên 1990, cách “tàu Châu Tân” không xa, nhiều đồ vật gốm sứ đã bị mắc vào lưới khi ngư dân đánh cá gần bờ. Trong tàu “Châu Tân 2” này đã khai thác được rất nhiều hiện vật bằng đồng, gang và hàng vạn mảnh gốm, sứ. Chiếc tàu thứ ba được người dân phát hiện khoảng giữa năm 2000 tại ghềnh Ráng, cách địa điểm con tàu vừa phát lộ cổ vật hiện nay chừng 3km về phía nam. Người dân gọi đây là “tàu Ghềnh Ráng”, nằm cách bờ biển khoảng 100m và ở độ sâu 4-5m. Hiện vật được vớt lên toàn đồ gia dụng bằng đất nung, gồm hũ có quai, chậu, bình, om... Phần nhiều trong số đó có men màu da lươn hoặc màu cải úa...

Ngoài ra người dân còn tìm thấy một khu vực tập trung khá nhiều hiện vật, tiền xu và đồ đồng ở khu vực còn gọi là “chiếc tàu thứ năm” nằm cách bờ biển Châu Thuận Biển chừng 1km từ khoảng sáu, bảy năm trước. Đây là chiếc tàu mà ông Tư Lành đã trục vớt được mảnh ván thân tàu dài 25m như đã kể ở trên. Cuối tháng 8 năm ngoái, người dân Châu Tân cũng phát hiện những thành phần của một xác tàu khác nằm cách bờ biển khá xa, bao gồm nhiều mảnh ván và một bánh lái có kích thước khá to dính liền với cọc gỗ dài chừng 5m... Chiếc bánh lái được vớt lên để trên bãi biển suốt nhiều ngày, đến đầu tháng 9-2012 thì được bán cho một nhà sưu tập...

Tuy nhiên, thông tin của người dân cũng cho rằng ở vùng biển này không chỉ có bốn hay năm chiếc tàu mà có khi đến hàng chục chiếc tàu khác đang nằm sâu trong lòng cát. Lý giải điều này, ngư dân Nguyễn Văn Thuận, ở thôn Phú Quý, cho rằng: “Ở xã Bình Châu này mỗi chiếc tàu được phát hiện thì cổ vật vớt lên đều kiểu rất riêng, không tàu nào giống tàu nào. Tuy nhiên cả vùng biển rộng lớn này thỉnh thoảng người ta vớt lên một nhóm cổ vật khác hẳn, và nhiều lần như thế chứng tỏ ở đây có nhiều con tàu đắm chìm sâu chứ không chỉ bốn, năm chiếc!”.

Theo các nhà nghiên cứu, Quảng Ngãi nằm trên tuyến hàng hải gọi là “con đường gốm sứ” từ phương Đông sang phương Tây. “Con đường” này dựa trên cơ sở phát hiện hàng loạt tàu cổ chở gốm sứ chìm trên vùng biển Đông và biển Đông Nam của Việt Nam. Từ năm 1990-2002, Bảo tàng Lịch sử VN đã tổ chức khai quật năm con tàu đắm ở Hòn Cau (Bà Rịa - Vũng Tàu năm 1990), Hòn Dầm (Kiên Giang năm 1991), Cù Lao Chàm (Quảng Nam năm 1997), Cà Mau (1998) và Bình Thuận (2001). Tất cả được xác định là tàu buôn, chở đầy gốm sứ có niên đại từ thế kỷ 13-18, được sản xuất tại Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Không chỉ có thế, hàng loạt tàu cổ chứa cổ vật gốm sứ khác cũng được người dân phát hiện và khai thác từ hàng chục năm qua ở bờ biển Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa...

-----------------------------------------------------

Kỳ sau: “Ma trận cổ vật” từ tàu cổ...

L.Đ.DỤC - TH.LỘC - V. HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên