01/07/2020 16:48 GMT+7

Cổ tức ngân hàng đầy đối lập: nơi chia ‘khủng’, nơi nói không

A.HỒNG
A.HỒNG

TTO - Mùa đại hội cổ đông ngân hàng vừa khép lại. Tuy nhiên đọng lại vẫn là câu chuyện tâm tư của cổ đông về việc chia cổ tức khi có ngân hàng chia cổ tức ‘khủng’, trong khi có ngân hàng nhiều năm vẫn nói không với cổ tức.

Cổ tức ngân hàng đầy đối lập: nơi chia ‘khủng’, nơi nói không - Ảnh 1.

Bức tranh cổ tức năm nay của các ngân hàng vẫn đối lập nhau, có ngân hàng chia cổ tức cao, có ngân hàng vẫn chưa chia cổ tức - Ảnh: A.H

Là một trong những ngân hàng (NH) duy trì việc trả cổ tức đều đặn, năm 2019 cổ đông VIB được trả cổ tức với tỉ lệ 26,85% bao gồm cả cổ tức tiền mặt, cổ phiếu thưởng và cổ phiếu quỹ. 

Năm nay, NH này cũng được cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ bằng cổ phiếu thưởng với tỉ lệ 20%, lên 11.094 tỉ đồng. Đồng thời dự kiến niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE) vào tháng 11 năm nay. 

Ông Đặng Khắc Vỹ - chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) VIB, cho biết ngân hàng giao dịch trên sàn UpCOM nhưng khối lượng giao dịch cao hơn nhiều ngân hàng niêm yết. Điều đó cho thấy thanh khoản cổ phiếu VIB rất tốt nên nếu lên sàn chính thức thì kỳ vọng sẽ tăng lên rất nhiều. 

Một số NH khác cũng trả cổ tức với mức khá cao như HDBank phát hành cổ phiếu thưởng và chia cổ tức tổng tỉ lệ 65%, ACB trả cổ tức 30% bằng cổ phiếu. 

Trong khi đó đứng đầu thị trường về lợi nhuận nhưng Vietcombank để ngỏ hai phương án: trả cổ tức 8% bằng cổ phiếu hoặc tiền mặt; hoặc không trả mà giữ lại toàn bộ lợi nhuận phục vụ sản xuất kinh doanh. Kết quả thế nào sẽ tùy theo phê duyệt từ cơ quan quản lý.

Những năm trước, một số ít ngân hàng được chia cổ tức bằng tiền mặt nhưng năm nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị 02 yêu cầu các ngân hàng không chia cổ tức 2019 bằng tiền mặt, để dành nguồn lực giảm lãi suất.

Mặt khác, do một số ngân hàng đang phải trải qua quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, nên khi NHNN chưa cho phép chia cổ tức khiến cho cổ tức ngân hàng càng "hẻo" hơn. 

Tại đại hội cổ đông Sacombank, lãnh đạo ngân hàng này cho biết lợi nhuận tích lũy hiện tại hơn 4.000 tỉ đồng. Ngân hàng đã kiến nghị NHNN chấp thuận phương án chi cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu từ lợi nhuận giữ lại. Tuy nhiên, NHNN chưa phản hồi nên chưa được phép chia.

Trước ý kiến về việc nên tạm ứng cổ tức cho cổ đông để động viên, ông Dương Công Minh - chủ tịch HĐQT Sacombank, đã phải nói rằng ngân hàng chịu áp lực lớn: trên có NHNN, dưới là các cổ đông.

"Hy vọng đến năm 2022-2023 sẽ không phải nói những điều như thế này. Khi ấy, tái cơ cấu xong, cổ đông sẽ được chia cổ tức", ông Minh đưa ra lời hứa.

Trong khi đó, SCB cũng đang giữ 1.234 tỉ đồng gồm lợi nhuận để lại trên 700 tỉ đồng và quỹ bổ sung vốn điều lệ 521 tỉ đồng nhưng cũng không được chia vì tái cơ cấu chưa xong. MSB cũng chưa được chia cổ tức vì nợ xấu tại VAMC chỉ còn 900 tỉ đồng, dự kiến đến quý 3 năm nay mới xử lý xong.

Do vậy cổ đông ngân hàng sau nhiều năm mòn mỏi vẫn tiếp tục chờ đợi và hy vọng.

Các ngân hàng họp cổ đông: "Nóng" chuyện cổ tức, lợi nhuận Các ngân hàng họp cổ đông: 'Nóng' chuyện cổ tức, lợi nhuận

TTO - Chia cổ tức, tăng vốn, xử lý nợ xấu, tăng nguồn thu từ dịch vụ là tâm điểm thu hút sự quan tâm của cổ đông tại đại hội cổ đông của các ngân hàng được tổ chức ngày 26-4.

A.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên