Phóng to |
Ông Nguyễn Đức Hải, bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (thứ hai từ trái qua), trực tiếp mang áo phao, tủ thuốc lên tàu trao cho ngư dân - Ảnh: Đ.C. |
Xem video do phóng viên Tuổi Trẻ thực hiện |
Sáng thấy biển động, bà Nguyễn Thị Tự vội điện ra cho chồng là ông Nguyễn Văn Đường đang trở về từ vùng biển Hoàng Sa. “Nghe tui nói có báo Tuổi Trẻ về tặng tủ thuốc với áo phao cho ngư dân, ổng cười khà khà nói: Vậy là chuyến ra biển tới tui với bạn câu yên tâm, không lo bệnh tật bất ngờ giữa biển khơi nữa rồi”.
Mặc cho mưa to gió lớn, những phụ nữ ở làng chài vẫn đội mưa đến hội trường. Do đàn ông, trai tráng đều đã giong thuyền ra Hoàng Sa đánh bắt nên phần lớn người đến nhận thuốc, áo phao là phụ nữ. “Phận đàn bà ở nhà như tui đau ốm còn có bà con, trạm xá, chớ như mấy ổng lênh đênh trên biển biết bấu víu vào đâu. Giờ có hẳn cái tủ thuốc ni là tui yên tâm rồi” - chị Nguyễn Thị Tình ôm tủ thuốc vui vẻ nói.
Ông Phạm Văn Nguyện đã có 25 năm đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa. Ông kể chuyến tàu nào ra khơi cũng có người không đau bụng thì cảm cúm, nặng thì ruột thừa, té ngã... Tháng 5-2010, tàu của ông Nguyện đang đánh cá cách đảo Lý Sơn 30 hải lý thì ngư dân Nguyễn Văn Dũng bị cảm, sốt cao. “Tàu mới ra khơi được ba ngày nhưng vì tính mạng của anh em nên phải chạy gấp vô bờ. Chuyến ấy tui lỗ 50 triệu đồng nhưng cứu được thằng Dũng. Lúc đó mà có tủ thuốc thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn nhiều” - ông Nguyện nhớ lại.
Ôm trên tay tủ thuốc, ông Nguyện cứ ngồi nhìn ra biển. Ông bảo: “Hai thằng con trai tui đang đánh cá ngoài khơi xa, nó mà biết được trang bị tủ thuốc là sướng rơn”. Nhiều ngư dân nơi đây vẫn nhớ anh Thanh - ngư dân ở làng cá Tam Giang này, chết cách đây gần tháng do bị té, mất máu cấp nhưng không có thuốc cầm máu giữa biển. Những chuyến ra khơi của ngư dân ngoài số thuốc do chủ tàu mua, mỗi bạn tàu đều mang theo một gói riêng. Nhưng ra biển 30-60 ngày, mưa gió không bảo quản được nên đến khi cần thuốc đã hỏng.
Đại diện đơn vị tài trợ, ông Nguyễn Thế Kỷ - tổng giám đốc Công ty SPM - tâm sự: “Được đồng hành cùng ngư dân là một vinh dự lớn đối với SPM, chương trình giúp chúng tôi có trách nhiệm hơn đối với cộng đồng, mang đến sự yên tâm cho ngư dân trong mỗi chuyến ra khơi”.
Ông Huỳnh Khánh Toàn, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khẳng định: “Chung tay vì sức khỏe ngư dân là một nghĩa cử cao đẹp. Quan tâm đến ngư dân cũng chính là góp phần giữ biển, đảo đất nước. Suốt thời gian qua, ngư dân Quảng Nam vẫn ngày đêm bám biển. Chúng tôi hi vọng sẽ tiếp tục có những hành động đồng hành cùng ngư dân”.
Bốn thế hệ cùng góp đá “Đi góp đá xây Trường Sa cho tao đi với. Chiến sĩ ở ngoài đấy cực lắm, phải lo cho các chiến sĩ được đầy đủ” - cụ bà Nguyễn Thị Quản, 97 tuổi, dặn dò khi nghe cả nhà cùng đi góp đá. Bà từng hoạt động cách mạng suốt thời trẻ, giờ lại lụm cụm lấy số tiền hưu ít ỏi để dành góp phần cùng cả nhà. Sáng 24-9, con rể bà, ông Vũ Hắc Bồng, nguyên giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM, đã cùng vợ con và đứa cháu trai đến báo Tuổi Trẻ gửi gắm tấm lòng của cả gia đình đến chiến sĩ Trường Sa. Ông Bồng cho biết gia đình đã nghe chương trình “Góp đá xây Trường Sa” từ lâu rồi nhưng muốn chờ dịp đông đủ cả nhà mới đi. Nhắc đến Trường Sa là mẹ vợ ông hăng hái lắm nhưng đến lúc đi lại không khỏe. Trao số tiền 5.022.000 đồng cho Tuổi Trẻ, em Đậu Nhật Minh, 16 tuổi, cháu nội của ông Bồng, bảo đấy là số tiền do cả nhà góp lại. Mấy đồng tiền lẻ là của cậu em trai nhỏ đập heo góp vào. Ông Bồng bảo rằng chương trình “Góp đá xây Trường Sa” vừa thắm nồng tình quân dân, tình cảm hậu phương - tiền tuyến, vừa là chất gắn kết đất liền, hải đảo. Và cao hơn tất cả là đã thực hiện lời dặn dò của Bác: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đã là đất Việt Nam, lãnh thổ Việt Nam thì dứt khoát phải giữ cho được dù phải gian khổ, hi sinh. Xây dựng những công trình để khẳng định và bảo vệ chủ quyền biên cương, lãnh thổ là việc cần làm nhất lúc này. VŨ THỦY |
Phóng to |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận