Nhiều chuyên gia tham gia hội thảo cho rằng sự chồng chéo trong các quy định pháp luật không chỉ làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp, gây méo mó thị trường mà còn tạo ra gánh nặng không đáng có cho người mua nhà - Ảnh: TR.MẠNH
Tại hội nghị "Lấy ý kiến - tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp" do Trung tâm Báo chí TP.HCM phối hợp với báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 25-9, nhiều chuyên gia cho rằng sự chồng chéo trong quy định pháp luật không chỉ gây khó khăn cho chủ đầu tư các dự án bất động sản (BĐS), người có nhu cầu mua nhà để ở mà còn gây ách tắc với thị trường BĐS.
Ông Đậu Anh Tuấn - trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) - cho biết một dự án BĐS đang phải chịu sự tác động của 9 bộ luật, hơn 20 thông tư hướng dẫn thi hành, chưa kể nhiều thủ tục do các bộ ban hành với nhiều nội dung "đá nhau".
Trong khi đó, chỉ cần một thủ tục không rõ ràng, một khái niệm với nhiều cách hiểu khác nhau sẽ khiến quy trình đầu tư ách tắc lại, giá thành sản phẩm bị đẩy lên và người tiêu dùng bị lãnh đủ, chưa kể môi trường đầu tư bị méo mó.
Theo ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HOREA), trên địa bàn TP hiện đang có 170 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa thể triển khai do vướng mắc về quy định pháp luật, trong đó có 120 dự án vướng do liên quan đến đất hỗn hợp.
"Để làm một dự án, doanh nghiệp mất 10 năm, trong đó 5 năm giải phóng mặt bằng, 3 năm chuẩn bị đầu tư và 2 năm thi công, khiến giá thành đội lên, người mua nhà lãnh đủ" - ông Châu nói.
Tuy nhiên, bà Hoàng Thị Vân Anh - vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT) - cho biết một số dự án bị ách tắc trong thời gian qua không phải ở luật, mà nằm ở khâu thực thi.
Ví dụ một dự án BĐS có kênh rạch xen kẽ hoàn toàn thuộc thẩm quyền của địa phương giải quyết, nhưng các địa phương còn lo ngại quy định đất công (con rạch xen kẽ - PV) phải đấu giá, nên lại gửi văn bản lên bộ xin ý kiến chỉ đạo.
"Với một chút kênh rạch xen kẽ, địa phương hoàn toàn có thể thu hồi giao cho nhà đầu tư được" - bà Vân Anh nói.
GS Đặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ TN-MT - cho rằng sự "chồng chéo" giữa các quy định pháp luật chủ yếu do việc xây dựng luật hiện nằm ở cấp tổng cục và cục, chứ không phải do các bộ xây dựng luật như trước, dẫn đến tình trạng "cát cứ quyền lực" của các tổng cục hay cục được giao nhiệm vụ xây dựng luật.
"Để tháo gỡ vấn đề này, cần áp dụng nguyên tắc văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan có thẩm quyền cấp cao hơn ban hành có hiệu lực thực hiện cao hơn.
Trong các văn bản quy phạm pháp luật do cùng cấp có thẩm quyền ban hành, văn bản ban hành sau phải có hiệu lực thực hiện cao hơn..." - ông Võ đề nghị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận