Trẻ tiêm văcxin ComBE Five tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định - Ảnh: DƯƠNG HÀO
Có tiếp tục chích ngừa cho các bé bằng văcxin 5 trong 1 ComBE Five hay tiêm xen lẫn văcxin khác? Còn phương án nào thay thế văcxin này sau nhiều tai biến? Đây cũng là những thắc mắc của các phụ huynh có con ở độ tuổi tiêm ngừa.
Quy định của Bộ Y tế là theo dõi tình trạng của trẻ tại điểm tiêm chủng ngừa 30 phút, nhưng chúng tôi thấy có nhiều trường hợp phản ứng với văcxin này sau tiêm đến 2-3 giờ, nên việc theo dõi diễn biến của trẻ cần kéo dài thêm. Nếu thấy bất thường thì đưa ngay đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời
Ông Lê Quang Hùng (giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định)
Liên quan đến việc văcxin ComBE Five gây phản ứng nặng, ngày 5-3, ông Lê Quang Hùng - giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định - cho biết ngay sau khi bé P.N.B.T. (2 tháng tuổi, ở xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) tử vong vào trưa 26-2 sau khi tiêm ngừa văcxin ComBE Five, ông đã chỉ đạo tạm đình chỉ ngay việc tiêm chủng văcxin ComBE Five trên phạm vi toàn tỉnh.
Bình Định: chờ quyết định của Bộ Y tế
"Cho đến nay, toàn bộ số văcxin ComBE Five còn lại ở Bình Định đang được lưu giữ tại kho lạnh của các cơ sở y tế không được sử dụng nữa. Chúng tôi có đề nghị Bộ Y tế cấp cho Bình Định lô văcxin ComBE Five khác để tiêm ngừa cho trẻ đợt cuối tháng 3-2019, tuy nhiên hiện nay bộ chưa có trả lời chính thức" - ông Hùng cho biết.
Theo ông Bùi Ngọc Lân - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định, tỉnh này là một trong số ít tỉnh được Bộ Y tế chọn để thí điểm tiêm văcxin 5 trong 1 ComBE Five của Ấn Độ thay thế cho văcxin Quinvaxem của Hàn Quốc đã dừng sản xuất. Bộ Y tế đã phân cho Bình Định lô văcxin ComBE Five gồm 14.000 liều, đến nay sau 4 đợt tiêm chủng đã tiêm hơn 12.500 liều.
"Tất cả trẻ em ở Bình Định đều tiêm văcxin ComBE Five cùng 1 lô này. Sau tiêm, có nhiều cháu phản ứng gây sốt, nhưng phản ứng nặng thì toàn tỉnh đã ghi nhận có 19 ca, trong đó có ca tử vong của bé P.N.B.T. ở xã Hoài Châu hôm 26-2. Những ca phản ứng nặng đều có dấu hiệu sốc phản vệ" - ông Lân cho biết.
Ông Lân cho hay những loại văcxin 5 trong 1 trước đây, Bình Định luôn tiêm đạt trên 90% mỗi đợt tiêm. Song với văcxin ComBE Five, vì là văcxin mới, tỉnh tổ chức tiêm chủng theo quy trình chặt chẽ, kỹ lưỡng, thận trọng và 3 đợt tiêm đầu chỉ đạt chưa đến 70%, riêng đợt thứ tư mới tiêm 2 ngày được hơn 24% số trẻ thì xảy ra sự cố phản ứng nặng với văcxin làm bé T. tử vong nên phải dừng lại.
Cũng theo ông Lân, Bình Định đã hết sạch văcxin Quinvaxem từ tháng 9-2018, do vậy nếu Bộ Y tế không sớm phân bổ lô văcxin 5 trong 1 mới thay thế thì khả năng đợt tiêm chủng vào cuối tháng 3-2019 không thực hiện được. Văcxin dịch vụ thì vừa hiếm (cả tỉnh chỉ vài trăm liều), vừa giá cao (mỗi mũi khoảng 700.000 đồng) nên không thể đáp ứng được nhu cầu tiêm phòng của trẻ trong độ tuổi.
Ông Lân dự báo nếu không tiêm chủng kịp thời thì số trẻ mắc các bệnh ho gà, uốn ván... ở Bình Định sẽ gia tăng trong thời gian tới. "Hiện chúng tôi cũng chỉ biết chờ quyết định của Bộ Y tế mà thôi" - ông Lân cho hay.
Phải theo dõi trẻ trong vòng 3 ngày sau tiêm
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Dương Thị Hồng - trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia kiêm phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư - cho biết qua sàng lọc, phân tích kỹ các lý do, văcxin ComBE Five vẫn tiếp tục được sử dụng trong chương trình.
Tại tỉnh Bình Định, địa phương đã tạm ngưng tiêm chủng bằng ComBE Five, bà Hồng nói hiện đã qua đợt tiêm chủng của tỉnh, lô văcxin bị tạm ngưng cũng đã gần hết, trong đợt tiêm chủng kế tiếp Bình Định sẽ nhận lô văcxin mới và sẽ tiến hành tiêm chủng bằng ComBE Five trở lại.
Theo bà Hồng, việc có 4 trẻ tử vong sau tiêm văcxin trong số 270.000 mũi tiêm ComBE Five đã tiêm thời gian qua, cho thấy so với văcxin tương tự đã sử dụng trước đây là Quinvaxem, tỉ lệ tai biến nặng sau tiêm văcxin ComBE Five mới có nhỉnh hơn.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2018 ghi nhận 3 ca tử vong sau tiêm văcxin, 2/3 ca là sau tiêm Quinvaxem, với tổng số liều văcxin Quinvaxem đã tiêm trong 9 tháng lên tới 3-4 triệu mũi.
Để giảm tối đa tai biến sau tiêm, bà Hồng cho biết các tỉnh thành và chương trình đang tiến hành tập huấn lại, đặc biệt là kiến thức về sàng lọc trước tiêm (dù trước khi đưa ComBE Five vào sử dụng chính thức, chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và sở y tế các tỉnh thành đã tiến hành tập huấn đầy đủ cho cán bộ y tế các tuyến về sàng lọc trước tiêm, theo dõi sau tiêm, quy trình tiêm chủng...).
Đồng thời kêu gọi cha mẹ, ông bà, người chăm sóc trẻ cùng tham gia theo dõi trẻ trong vòng 3 ngày sau tiêm, trường hợp có bất kỳ bất thường nào như trẻ li bì hoặc quấy khóc nhiều, nổi ban (dù rất ít) trên da, khó thở, sốt cao... thì đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế (chú ý là đến cơ sở y tế gần nhất) để trẻ được cấp cứu ngay.
Bà Hồng cũng cho hay năm 2018 tại Hà Nội ghi nhận 5 trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm nhưng đều được cấp cứu kịp thời, do đó theo dõi kỹ và sát, phát hiện được bất thường, cấp cứu kịp thời là các mấu chốt trong theo dõi trẻ sau tiêm chủng.
Lưu ý theo dõi trẻ sau tiêm 48 giờ
Được hỏi trước tình hình nhiều trẻ bị phản ứng nặng sau tiêm văcxin ComBE Five, Bình Định có đề nghị bộ thay đổi văcxin hoặc giải pháp nào khác, ông Lê Quang Hùng cho hay Sở Y tế Bình Định sẽ cân nhắc có ý kiến tại hội nghị toàn quốc ngành y tế vào đầu tuần tới ở Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh).
Trước mắt, Sở Y tế Bình Định thực hiện một số phương án như sau: Do văcxin ComBE Five gây phản ứng nhiều hơn cho trẻ so với các loại văcxin trước đây, nên tỉnh này chỉ đạo chỉ tiêm văcxin vào buổi sáng chứ không tiêm vào buổi chiều.
Sau khi xảy ra vụ tử vong của bé T., Sở Y tế Bình Định cũng đề ra hướng sắp tới là trong đợt tiêm loại văcxin này vào mỗi cuối tháng sẽ không tổ chức tiêm trong các ngày thứ bảy, chủ nhật, chỉ tiêm vào những ngày làm việc bình thường để đảm bảo việc cấp cứu khi có xảy ra ca phản ứng nặng có nhân lực nhiều hơn. Đồng thời, Bình Định cũng yêu cầu việc theo dõi tại nhà sau tiêm văcxin ComBE Five đối với trẻ là 48 giờ (thay vì 30 phút như các văcxin khác trước đây).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận