21/11/2019 11:44 GMT+7

Cô tiến sĩ mê... pin và truyền 'năng lượng' cho sinh viên

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Từng học thạc sĩ, tiến sĩ tại Pháp rồi Mỹ, nhưng với PGS.TS Lê Mỹ Loan Phụng, sau gia đình, có lẽ căn phòng thí nghiệm của phòng hóa lý ứng dụng nho nhỏ tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên là nơi hút hết thời gian và tâm trí của cô.

Cô tiến sĩ mê... pin và truyền năng lượng cho sinh viên - Ảnh 1.

TS Lê Mỹ Loan Phụng (mặc vest trắng) trong một hội thảo cập nhật thông tin công nghệ của nhóm Battery 500 tại Mỹ - Ảnh: NVCC

Cứ nhìn cách cô giảng viên trẻ vóc người nhỏ nhắn, dịu dàng này giới thiệu một cách đầy tự hào và nâng niu từng loại máy đo, máy đóng pin, máy kiểm tra điện thế, máy tạo màng... và cư xử với sinh viên trong phòng thí nghiệm này đủ thấy đó là một người thầy truyền cảm hứng.

Không muốn học trò bị ngơ ngác

Có được chừng ấy thứ máy móc (nhập từ Trung Quốc, Nhật, Mỹ) là bao công sức gầy dựng của cả một tập thể, trong đó có cô Phụng với tư cách người phụ trách. Không muốn sinh viên của mình bỡ ngỡ với các thiết bị chuyên môn khi có cơ hội được ra nước ngoài học tập, cô Phụng chủ động cập nhật không chỉ kiến thức chuyên môn mà cả những loại máy móc thực hành không thể thiếu với người làm nghiên cứu.

Cô hạnh phúc và tự hào khi có lần một học trò chia sẻ sự bất ngờ vì đã "gặp lại" những "bạn" máy này khi tới học ở một phòng thí nghiệm nước ngoài mà theo nhận xét của sinh viên đó là: "Phòng thí nghiệm của họ cũng chỉ giống như của trường mình thôi".

Nhưng có lẽ sinh viên này chưa biết vì sao cô giáo của mình "siêu" đến vậy? Sao cô có thể tạo lập một phòng thí nghiệm nhỏ nhưng lại không hề lạc hậu về kiến thức, công nghệ so với những phòng thí nghiệm giàu có, hiện đại khác? 

Đơn giản là bởi cứ ba tháng một lần, với tư cách là thành viên trong nhóm Battery 500kW gồm các nhà khoa học ở nhiều nước trên thế giới, cô Phụng sẽ được mời tới Washington (Mỹ) để nghe và chia sẻ các thông tin khoa học cập nhật về những thành tựu nghiên cứu, phát triển công nghệ pin lithium-ion.

Đây thực sự là cơ hội học hỏi bổ ích với cô dù có thể có những kiến thức chưa thể áp dụng ngay trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn của Việt Nam. 

"Với tôi, học tất cả những điều đó không thừa, bởi từ đó tôi có thể giúp sinh viên của mình nắm được kiến thức công nghệ mới, giúp các em không bỡ ngỡ khi tiếp tục theo đuổi chuyên môn sâu thêm tại những nước có công nghệ pin phát triển hơn trong nước" - cô Phụng chia sẻ.

Ngoại ngữ nối dài chân trời khoa học

Cô Phụng đã trót "đắm say" với hướng nghiên cứu hệ pin sạc, cụ thể là pin lithium-ion từ chục năm trước. Như một cơ duyên, sau khi học xong đại học chuyên ngành hóa, cô nhận được học bổng du học tại Pháp và tiếp tục đeo đuổi nghiên cứu về pin sạc trong suốt giai đoạn học thạc sĩ, tiến sĩ, sau tiến sĩ và cho đến tận bây giờ.

Sử dụng thành thạo hai ngoại ngữ Anh và Pháp, đã dự rất nhiều hội thảo khoa học tại nước ngoài, cô Phụng hiểu sự cần thiết của ngoại ngữ để mở cửa vào thế giới khoa học. Cô hiểu ngoại ngữ thiết yếu như thế nào với một người muốn đi xa và ở lại lâu dài với nghiên cứu khoa học.

Bắt đầu học tiếng Pháp từ khi vào đại học, sau này vì phải đọc tài liệu và dự các hội thảo khoa học tại những nước nói tiếng Anh nên cô tự học thêm tiếng Anh. Bởi thế, với sinh viên, cô tận dụng mọi cơ hội để trang bị ngoại ngữ chuyên ngành và tiếng Anh nói chung cho họ. Tới lớp cô Phụng, sinh viên buộc phải nghe cô giảng và phải đọc tài liệu bằng tiếng Anh. 

"Tôi khuyến khích các em tham dự những hội thảo khoa học chuyên ngành có diễn thuyết bằng tiếng Anh, thậm chí bỏ tiền túi để đăng ký cho các em tham dự và yêu cầu các em trình bày những tham luận bằng tiếng Anh" - cô Phụng kể thêm.

Không chỉ thế, trên cơ sở mối quan hệ cá nhân với các nhà khoa học ở nước khác, cô Phụng cũng chủ động tổ chức các chương trình trao đổi sinh viên với một số trường, giúp sinh viên của mình được trau dồi cả kiến thức chuyên môn lẫn ngoại ngữ. 

Trên vách tường của phòng thí nghiệm bây giờ vẫn treo trang trọng những apphich bằng tiếng Anh ghi dấu kỷ niệm về các sự kiện hội thảo khoa học mà sinh viên của cô từng được tham gia ở nhiều vị trí khác nhau. 

Nhờ đó, nhóm nghiên cứu của phòng thí nghiệm hóa lý ứng dụng đã xây dựng được quan hệ với các nước và vùng lãnh thổ như Mỹ, Nhật, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan... để đưa sinh viên và nghiên cứu viên đến học tập và trao đổi về lĩnh vực pin sạc.

Phòng thí nghiệm cũng đã tổ chức 3 đợt hội thảo lớn về Vật liệu cho lưu trữ và chuyển hóa năng lượng (NMEC-1, 2, 3) để thu hút các nhà khoa học trong nước và quốc tế tham gia trao đổi các chủ đề về pin sạc li-ion với mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu trong nước phát triển cũng như tính hợp tác quốc tế. 

Sắp tới đây sẽ có hai sinh viên của cô Phụng sang Ấn Độ học và khoa hóa của Trường ĐH Khoa học tự nhiên cũng sẽ tiếp nhận hai sinh viên nước ngoài trong chương trình trao đổi đó.

Khát vọng lớn sau những chiếc pin cúc áo

Cách đây khoảng 7 tháng, cô Phụng cùng nhóm cộng sự đã đạt kết quả nghiệm thu xuất sắc đề tài của Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM với công trình lần đầu tiên sản xuất pin lithium-ion "từ A đến Z" tại TP.HCM, và có lẽ cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam. Đây là kết quả của hơn chục năm miệt mài nghiên cứu, hơn 2 năm nỗ lực cho một dự án cụ thể, tạo ra tới 200 quả "pin cúc áo" nhưng chỉ chọn được 30 "đứa con" đẹp nhất để nghiệm thu. 

Chỉ nhỏ như cái cúc áo thôi, nhưng đó là thành quả thực sự to lớn và ý nghĩa với nhóm nghiên cứu của cô Phụng trong bối cảnh ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn quá nhiều hạn chế. Điều đáng nói, trong thành tựu này đã có sự tham gia góp sức của nhiều sinh viên, một cơ hội "thực học" mà cô Phụng luôn muốn mang đến cho sinh viên.

Theo cô Phụng, Việt Nam vẫn đang đi sau nhiều nước về công nghệ này. Nhìn trong khu vực Đông Nam Á, người Thái đi trước chúng ta khoảng 2 năm, trong khi Malaysia cũng đang trong quá trình tìm hiểu, thăm dò công nghệ. 

"Dù giá thành sản xuất pin lithium-ion trong nước lúc này còn cao, nhưng nếu không chấp nhận đầu tư phát triển mang tính giai đoạn, và không có tầm nhìn thích đáng cho nó, chúng ta sẽ mãi mãi không thể tự chủ về công nghệ năng lượng. Trong khi đó khả năng lưu trữ năng lượng của pin này rất cao, có thể nói là cao nhất trong hệ pin sạc. 

Khả năng lưu trữ năng lượng tối đa của ăcquy chỉ bằng 1/3 so với pin lithium-ion. Chưa kể, xu hướng sử dụng năng lượng của tương lai sẽ là loại pin này bởi tính gọn nhẹ, linh hoạt và sức mạnh tích trữ năng lượng của nó", cô Phụng chia sẻ.

Mẫu người phụ nữ hiện đại

Nói về người thầy của mình, bạn Trần Thị Thúy Kiều, tân cử nhân hóa học khóa 2015-2019 của trường, nói rằng đối với sinh viên, cô Phụng là người ân cần, luôn tận tâm và đầy nhiệt huyết. Có một kỷ niệm mà Kiều vẫn nhớ, đó là lần Kiều mắc phải sai lầm ngớ ngẩn trong nghiên cứu, Kiều nghĩ chắc cô Phụng sẽ rất tức giận nhưng ngược lại, cô Phụng không hề buồn phiền mà còn dịu dàng động viên và chia sẻ nhiều kỹ năng nghiên cứu có ích cho Kiều.

Kiều nói đó là bài học về sự thông cảm và chân thành với người khác từ cô. Không chỉ là một người truyền đạt tri thức, cô còn là người truyền cảm hứng về đam mê khoa học và tạo mọi điều kiện để sinh viên thực hiện được ước mơ du học. Cô Phụng vừa trao quyền tự do sáng tạo trong nghiên cứu, vừa góp ý điều chỉnh để hoàn thiện hơn nên sinh viên luôn cảm thấy tự tin và bản lĩnh hơn. "Cô thực sự là mẫu người phụ nữ hiện đại mà những nữ sinh viên như tôi muốn noi theo" - Kiều chia sẻ.

giao vien

PGS.TS Lê Mỹ Loan Phụng trong “mảnh vườn ươm” đầy say mê với nghiên cứu, truyền sự say mê ấy cho sinh viên - Ảnh: D.K.T.

PGS.TS Lê Mỹ Loan Phụng từng là sinh viên, rồi là đồng nghiệp, cùng làm việc chung bộ môn hóa lý với tôi. Từ lúc là sinh viên cho đến khi học xong tiến sĩ, cô Phụng luôn là một người say mê nghiên cứu, đặc biệt là lĩnh vực pin sạc lithium-ion (LiBs), nghiên cứu làm sao để pin sạc Li tăng tuổi thọ, không bị cháy nổ, không có hại cho môi trường.

Đối với sinh viên, cô là người tận tâm trong công tác giảng dạy. Đối với nghiên cứu, đó là sự đam mê, luôn cháy hết mình với sự nghiệp khoa học. Đây là nữ phó giáo sư trẻ, năng động và đầy nhiệt huyết.

ThS Phùng Quán (giảng viên khoa hóa học Trường ĐH Khoa học tự nhiên)

Thầy giáo trẻ Thầy giáo trẻ 'trùm của các chiêu trò'

TTO - 'Tôi đâu làm được gì to tát đâu, mỗi tuần tôi cố gắng tìm một việc nào đó để lôi cuốn học sinh. Những việc bé nhỏ như giọt nước và tôi hay nói với học sinh: Tuần này mình đã thêm một giọt nước các con nhé!'.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên