Chỉ còn ít ngày nữa là đến hạn chót kết thúc chính sách (30-8), nhưng rất ngạc nhiên là có những địa phương mới tiêu được hơn 10% số tiền.
Khu lưu trú công nhân ở quận 12, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
"Một miếng khi đói bằng một gói khi no", các chính sách xã hội có ý nghĩa nhất khi nó đến đúng thời điểm, đúng đối tượng. Với trung bình khoảng 1,5 triệu đồng nhận được, những khó khăn của một người công nhân sẽ vơi đi ít nhiều khi họ có thêm chút kinh phí để trang trải cuộc sống như mua thêm hộp sữa hay đóng học phí cho con...
Với ý nghĩa đó, Chính phủ đã ban hành chính sách này từ 28-3. Sau gần 150 ngày thực hiện, tiền thì đã có sẵn, nhưng đến 24-8 cơ quan chức năng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo vẫn còn nhiều tỉnh thành có mức giải ngân rất thấp, cá biệt có địa phương như Bắc Ninh, Phú Thọ đạt dưới 10%.
Điều đáng nói, đây là chính sách được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rất quan tâm.
Lãnh đạo Chính phủ đã không dưới bốn lần có văn bản đốc thúc các địa phương thực hiện, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thậm chí còn nhiều lần gọi điện thoại cho người đứng đầu các tỉnh thành để hối thúc triển khai thực hiện.
Nhưng cho dù Thủ tướng và bộ trưởng có "sốt ruột" đến đâu thì đến cuối tháng 7 vẫn có 29 tỉnh "chưa giải ngân 1 xu nào", tiến độ chỉ được "nhích" lên khi có những đề nghị kỷ luật những người, những nơi làm chậm.
Nguyên nhân là gì? Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khi ban hành chính sách này, Chính phủ đã quy định đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng được hỗ trợ sớm nhất.
Tuy vậy, một số địa phương lại "đẻ" thêm thủ tục với lý do phòng ngừa trục lợi chính sách, như quy định chủ trọ phải xuất trình giấy phép kinh doanh, rồi giấy đăng ký tạm vắng tạm trú của công nhân, thậm chí có nơi phải thông qua HĐND để duyệt danh sách đề nghị...
Một phần nữa cũng do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ bị kiểm điểm, thanh tra như sự việc chi trả "nhầm người" tại TP.HCM vừa qua dẫn tới người nhận được ở hai nơi, người có lương cũng nhận hỗ trợ...
Một số khó khăn khách quan dẫn đến giải ngân chậm tiền hỗ trợ thuê nhà cho công nhân là có thật. Nhưng nguyên nhân chủ quan là chính. Cùng một chính sách, nhưng hai địa phương ở cạnh nhau đã cho ra kết quả rất khác nhau: trong khi Bắc Giang tuyên bố hoàn tất việc chi trả, thì Bắc Ninh chỉ đạt dưới 10%.
Kinh nghiệm ở Bắc Giang là lãnh đạo các cấp vào cuộc ngay từ đầu, thậm chí lập các nhóm online để trao đổi, xử lý công việc hằng ngày, hằng giờ.
Hay như ở thủ đô Hà Nội, hồ sơ xong đến đâu là giải ngân đến đó để doanh nghiệp chi hỗ trợ kịp thời cho công nhân chứ không cần đợi, mặc dù đối tượng thụ hưởng chính sách của thành phố là khá lớn.
Từ sự việc nêu trên có thể thấy, khi hệ thống hành chính không sẵn sàng hành động, thiếu quyết liệt, thiếu sáng tạo và đặc biệt không loại trừ tình trạng thiếu trách nhiệm, thì tiền có sẵn cũng không tiêu được, như ai đó từng chua chát: "Lên tivi mà nhận hỗ trợ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận