Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành 95% khối lượng xây lắp và dự kiến khai thác thương mại vào cuối năm 2018 theo tiến độ mới lập - Ảnh: NAM TRẦN
Báo cáo thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông tại hội nghị tổng kết năm 2017 của Ban quản lý dự án đường sắt ngày 29-12, lãnh đạo Ban quản lý dự án cho biết hiệp định vay vốn bổ sung 250 triệu USD cho dự án được Bộ Tài chính và Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (CEB) ký ngày 11-5-2017 đã được CEB chính thức thông báo có hiệu lực từ 28-12.
Như vậy, vướng mắc lớn nhất làm dự án bị chậm tiến độ trong năm 2017 đã được giải quyết khi dự án có tiền để đẩy mạnh thi công.
Trên cơ sở khối lượng xây lắp của dự án đã hoàn thành 95% (còn lại 5% gồm một số hạng mục ở nhà ga và khu hạ tầng kỹ thuật), Ban quản lý dự án đã yêu cầu Tổng thầu EPC - Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc - bố trí nhân lực, lập kế hoạch từng tuần, từng tháng và bố trí vốn thanh toán cho các nhà thầu phụ; thay thế nhà thầu phụ yếu kém để đảm bảo tiến độ đã được lập lại.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng đến nay dự án đã có tiền, phần đường đã xong, các thiết bị khác đang nhập về, nên không thể đưa ra lý do nào để chậm trễ tiến độ nữa.
"Chúng tôi nói với phía Trung Quốc là dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã trải qua ba đời bộ trưởng, phía bạn phải đẩy nhanh tiến độ" - ông Đông cho biết thêm.
Ông Đông nhấn mạnh phải đưa dự án vào khai thác thương mại trong năm năm 2018, Ban quản lý dự án đường sắt phối hợp với Tổng thầu trong việc thi công các hạng mục còn lại. Nếu có vướng mắc phải báo cáo ngay với Bộ Giao thông vận tải để xử lý, không làm mất thời gian.
Theo ông Đông, trong tháng 1-2018, Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo tình hình triển khai dự án với Chính phủ để Chính phủ chốt tiến độ chính thức.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT khởi công ngày 10-10-2011 với tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD bao gồm vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Thời điểm đó, dự kiến tuyến đường sẽ khai thác vào tháng 6-2015 với điều kiện giải phóng mặt bằng hoàn thành trong năm 2013.
Đến đầu năm 2014 do nhiều vướng mắc về mặt bằng, quản lý, vốn, tổ chức thi công tiến độ dự án được lập lại theo hướng hoàn thành dự án vào năm 2015 và vận hành khai thác năm 2016. Đồng thời, các bên liên quan đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 522,86 triệu USD lên 868,04 triệu USD, tăng 315,18 triệu USD so với tổng mức đầu tư ban đầu.
Chính phủ đã đồng ý vay bổ sung 250,62 triệu USD từ phía Trung Quốc nhằm để bố trí cho phần lớn tổng mức đầu tư tăng thêm của dự án, phần còn lại sẽ bố trí từ vốn đối ứng của Việt Nam
Đầu năm 2016, Bộ GTVT giao Tổng thầu thực hiện tiến độ chạy thử tàu từ tháng 9-2016 và khai thác toàn tuyến từ 31-12-2016.
Tháng 5-2017, Ban quản lý dự án đường sắt đưa ra tính toán với 669 triệu USD vay vốn ODA tính theo tỉ giá thời điểm tháng 5-2017 là tương tương đương 14.718 tỉ đồng nếu chỉ tính lãi vay thấp nhất (3%/năm) thì mỗi ngày dự án phải trả lãi ít nhất 1,2 tỉ đồng.
Đến tháng 6-2016, do dự án tiếp tục chậm trễ, Bộ GTVT đưa ra mục tiêu cuối cùng đến 31-12-2016 hoàn thành phần xây lắp dự án.
Tuy nhiên, mục tiêu đó không thành, đầu tháng 2-2017, Bộ GTVT chốt tiến độ vận hành thử dự án từ tháng 10-2017 để cuối quý 1, đầu quý 2-2018 đưa vào khai thác chính thức.
Mới đây Ban quản lý dự án đường sắt trình Bộ GTVT tiến độ chạy thử tàu của dự án vào 2-9-2018. Với thời gian chạy thử từ 3 đến 6 tháng, nếu không gặp trục trặc thì dự án đủ điều kiện để đưa vận hành khai thác thương mại từ tháng 11-2018. Như vậy tiến độ dự án tiếp tục chậm khoảng 11 tháng so với kế hoạch được Chính phủ và Bộ GTVT điều chỉnh hồi tháng 2-2017.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận