01/12/2014 09:12 GMT+7

​Cô Thông và lớp học nơi cửa biển

HÀ ĐỒNG
HÀ ĐỒNG

TT - 12 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Thông (68 tuổi, trú tại xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) cần mẫn gieo từng con chữ cho các học sinh nghèo, tật nguyền nơi cửa biển Ngư Lộc.

Hằng ngày cô giáo Nguyễn Thị Thông (xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) vẫn miệt mài dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo tại lớp học tình thương - Ảnh: Hà Đồng
Hằng ngày cô giáo Nguyễn Thị Thông (xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) vẫn miệt mài dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo tại lớp học tình thương - Ảnh: Hà Đồng

Hơn mười năm sau, chúng tôi mới có dịp gặp lại cô giáo Nguyễn Thị Thông. Không còn kể lại những ngày đầu mở lớp học tình thương hồi năm 2002 khi cô phải tháo cánh cửa, lấy bàn uống nước kê cho học trò làm bàn học.

Hôm nay, cô giáo Thông vui mừng bởi nhiều năm qua chính quyền xã Ngư Lộc đã quan tâm, bố trí phòng học khang trang tại trung tâm học tập cộng đồng ngay UBND xã để cô dạy miễn phí.

Dù tuổi đã cao, mắt có mờ, nhưng hằng ngày cô giáo Thông vẫn miệt mài lên lớp, cần mẫn cầm tay từng học trò để tập viết những nét chữ đầu đời, truyền dạy kiến thức bậc tiểu học thật say mê.

Bầu nhiệt huyết vẫn nóng

“Cô giáo Thông rất ân cần dạy dỗ, chăm sóc các em như con cháu vậy. Nhiều hôm bố mẹ em bận không kịp đón, cô giáo Thông chở em về nhà tắm rửa, cùng ăn cơm, tình cảm lắm. Cô còn mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập, quần áo cho các em đủ dùng trong năm học”

Em NGUYỄN THỊ THÙY (11 tuổi, trú tại thôn Nam Vượng, xã Ngư Lộc, bị khuyết tật liệt hai chân)

“Trước kia do hoàn cảnh nghèo khó nên tôi chưa bao giờ được học chữ. Đến nay tuổi đã cao, tôi cũng mặc cảm vì mù chữ, nhưng được cô giáo Thông vận động, tôi tham gia lớp học này để biết cái chữ, hiểu kiến thức”.

Bà ĐỒNG THỊ KHÁNH (54 tuổi, trú tại thôn Thành Lập,tham gia lớp học xóa mù chữ)

Đối tượng học trò của cô giáo Thông vẫn là những em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tật nguyền, thiểu năng trí tuệ, không có điều kiện đến trường học tiểu học như các bạn cùng trang lứa.

Bằng phương pháp sư phạm gần gũi, gắn bó với từng học trò của mình, cô giáo Thông vừa là bà, là mẹ, là cô giáo của hàng trăm học sinh nghèo nơi cửa biển Ngư Lộc, để truyền đạt kiến thức môn tiếng Việt, môn toán, môn tự nhiên - xã hội (bậc tiểu học) cho học trò một cách dễ hiểu, dễ tiếp thu.

Bên cạnh dạy học miễn phí cho hàng trăm học trò nghèo bậc tiểu học tại lớp tình thương suốt 12 năm qua, cô giáo Thông còn đến từng nhà vận động những người trưởng thành tham gia học lớp xóa mù chữ vào buổi tối.

Hiểu được tâm lý nhiều bà con ngư dân độ tuổi 30-55, do hoàn cảnh gia đình trước kia khó khăn, chưa bao giờ được đến trường biết mặt chữ, tay đã cứng, mặc cảm là người mù chữ nên cô giáo Thông luôn kiên trì vận động.

Bằng tình cảm và nhiệt huyết của mình, những năm qua cô Thông đã đưa được 59 người trưởng thành đến lớp học và hoàn thành chương trình xóa mù chữ tại Trung tâm học tập cộng đồng xã Ngư Lộc.

Ngoài việc dành hầu hết thời gian, tâm huyết cho lớp học tình thương, cô giáo Thông còn là người luôn quan tâm, chăm sóc học trò nghèo, tật nguyền, mồ côi như con cháu của mình.

Hằng năm cô đều trích tiền lương hưu trí, cộng với sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm để may cho mỗi em học sinh một bộ quần áo mới. Ngày lễ tết, ngày 20-11, cô tự tổ chức nấu ăn tại gia đình mình để học trò được chung vui, sinh hoạt trong không khí đầm ấm. Khi học trò ốm đau, cô đến thăm hỏi tận tình với cân đường, hộp sữa. Cô không bao giờ nhận quà của học trò và phụ huynh.

Cô Thông tâm sự: “Học trò đến với mình là những người thiếu ăn thiếu mặc, thiếu sự chăm sóc của bậc sinh thành (vì bố mẹ đi làm ăn xa, đi biển dài ngày hoặc mồ côi). Vì vậy tụi nhỏ rất cần được mình chăm sóc, dạy dỗ ân cần trước khi dạy chữ, kiến thức phổ thông. Còn sức lực đến đâu, tôi sẽ gắn bó với lớp học tình thương này đến đó”.

Phần thưởng xứng đáng

Hai ngày nay, biết tin cô giáo Thông được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi thư khen, rất nhiều học trò của cô nay đã trưởng thành, lập gia đình gọi điện thoại, đến chúc mừng người cô đáng kính của mình. Còn các em học trò nhỏ ở lớp học tình thương cô Thông đang dạy ríu rít bên cô, tràn ngập niềm vui, tiếng cười.

35 năm gắn bó với ngành giáo dục xã Ngư Lộc, về hưu năm 2001 với danh hiệu nhà giáo ưu tú, nhưng suốt 12 năm qua cô giáo Thông chưa một ngày ngơi nghỉ. Bước chân cô vẫn hằng ngày đến với lớp học tình thương, lớp xóa mù chữ tại Trung tâm học tập cộng đồng xã Ngư Lộc. Nơi đây, những đứa trẻ nghèo khó, tật nguyền, mồ côi vẫn đang cần tấm lòng thơm thảo, bầu nhiệt huyết truyền thụ kiến thức của cô giáo Thông.

Nhiều phần thưởng, bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành đã ghi nhận sự đóng góp của cô đối với sự nghiệp trồng người nơi chân sóng Ngư Lộc.

Ông Nguyễn Văn Ngữ - chủ tịch UBND xã Ngư Lộc - tự hào cho biết: “Sự đóng góp tận tâm của cô giáo Thông đối với sự nghiệp giáo dục xã nhà thật đáng trân trọng. Việc làm bình dị của cô giáo mang tính nhân văn sâu sắc, hiệu quả xã hội lan tỏa, giúp hàng trăm học trò nghèo địa phương được học hết bậc tiểu học, có điều kiện tiếp cận với kiến thức phổ thông để vững bước vào đời. Cô giáo Thông luôn là tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo với lòng kính trọng”.

Chuyên mục “Dạy học bằng cả yêu thương” đã nhận được bài viết chủ đề “Mái trường dấu yêu” của các tác giả: Minh Nguyệt, Nguyễn Đức Thạc (Hà Nội), Nguyễn Văn Tú, Bùi Hường, Nguyễn Lê Thanh (Đà Nẵng), Nguyễn Hoàng Chương, Hoàng Thu Huyền (Lâm Đồng), Lê Nhật Lam, Lan Hương (Đồng Nai), Lê Thu Cúc, Lại Văn Tâm, Phạm Nguyễn, Bùi Văn, Nguyễn Thị Thanh Trang (TP.HCM), Nguyễn Thanh Dũng (Long An) cùng các bạn đọc Đinh Xuân Hảo, Lê Phương Trí, Trăng Lạnh.

Kính mời bạn đọc tiếp tục tham gia chuyên mục “Dạy học bằng cả yêu thương” bằng cách gửi bài, ảnh hoặc cung cấp thông tin về các tấm gương thầy cô giáo... (những thông tin cung cấp có giá trị về các tấm gương thầy cô giáo sẽ được Tuổi Trẻ tặng quà) qua địa chỉ [email protected] hoặc báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư xin ghi rõ chuyên mục “Dạy học bằng cả yêu thương”, bài tham gia xin vui lòng ghi rõ địa chỉ tác giả, tài khoản ngân hàng).

TUỔI TRẺ

Bức thư khen của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dành cho các nhà giáo: Nguyễn Trà, Nguyễn Thị Thông, Lê Trung Sứng - Ảnh: Hà Đồng chụp lại
Bức thư khen của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dành cho các nhà giáo: Nguyễn Trà, Nguyễn Thị Thông, Lê Trung Sứng - Ảnh: Hà Đồng chụp lại

Chủ tịch nước gửi thư khen 3 thầy cô giáo

Sáng 30-11, ông Phạm Đăng Quyền - phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - đã trao bức thư khen của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho cô giáo Nguyễn Thị Thông ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc.

Nội dung bức thư của Chủ tịch nước khen các nhà giáo Nguyễn Trà (tổ 23B, khu dân cư số 5, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội); Nguyễn Thị Thông (thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa); Lê Trung Sứng (223/10 khu Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, Cần Thơ). Trong đó cô Nguyễn Thị Thông là nhân vật trong bài viết “Người gieo chữ ở Ngư Lộc” (Tuổi Trẻ Chủ Nhật, ra ngày 25-7-2004) và thầy Lê Trung Sứng trong bài viết “16 năm dạy bơi miễn phí” (Tuổi Trẻ ngày 11-1-2014).

Nội dung thư khen của Chủ tịch nước như sau:

“Qua theo dõi thông tin trong dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 vừa qua, tôi nhận thấy trên khắp cả nước ta, từ miền Bắc đến miền Trung vào miền Nam, nơi nào cũng có những tấm gương thầy giáo, cô giáo tận tụy với nghề, quên mình yêu thương dạy dỗ học trò. Trong các tấm gương đó, tôi đặc biệt cảm động và trân trọng những việc mà các nhà giáo Nguyễn Trà, Nguyễn Thị Thông và Lê Trung Sứng đã miệt mài thực hiện trong hàng chục năm qua.

Nhà giáo Nguyễn Trà, nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thông tuy nghỉ hưu đã lâu, tuổi đã cao, song không quản công sức, khó nhọc vẫn tiếp tục cưu mang, dạy dỗ miễn phí cho nhiều lớp trẻ em cơ nhỡ, nghèo khó, con em người lao động do hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đến trường, giúp các em không chỉ biết chữ mà còn có cơ hội vươn đến tương lai tốt đẹp hơn. Nhà giáo Lê Trung Sứng không chỉ làm người thầy tốt ở trường mà đã không quản vất vả sớm hôm, tự nguyện dạy bơi miễn phí cho hàng nghìn lượt trẻ em, giúp các em không chỉ biết bơi mà còn là khả năng giành cơ hội sống trong vùng sông nước.

Những việc mà các nhà giáo nêu trên đã làm, phản ánh chung cho nhân phẩm tốt đẹp của nhà giáo Việt Nam hiện nay, vốn bắt nguồn từ truyền thống hàng nghìn năm văn hiến của dân tộc. Tôi rất trân trọng và nhiệt liệt biểu dương tấm lòng và thành tích của các nhà giáo nêu trên. Nhân đây, tôi cũng mong các nhà giáo ở khắp mọi miền của Tổ quốc tiếp tục tận tụy, hi sinh, miệt mài cống hiến, để trao truyền cho các thế hệ học trò những tri thức toàn diện, những kỹ năng sống cần thiết để các em có đủ khả năng kế thừa, tiếp bước lớp cha ông xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

HÀ ĐỒNG

HÀ ĐỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên