Việc phát hiện kháng thể dài ngày trong nước bọt có giá trị trong chẩn đoán - Ảnh: REUTERS
Theo SciTechDaily, hai nghiên cứu độc lập trên hàng trăm bệnh nhân COVID-19 cùng tìm thấy loại kháng thể IgG tồn tại ít nhất 3 tháng kể từ khi các triệu chứng khởi phát.
Với thời gian tồn tại dài ngày, các kháng thể này có thể trở thành mục tiêu đầy hứa hẹn trong việc dò tìm và đánh giá các phản hồi miễn dịch với virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19, tạo điều kiện xét nghiệm COVID-19 hiệu quả hơn.
Các kháng thể này có mức độ tương đương trong máu và nước bọt, mở ra một hướng mới là xét nghiệm nước bọt thay cho xét nghiệm máu để phát hiện người mắc bệnh. Các xét nghiệm sử dụng nước bọt cũng sẽ dễ lấy mẫu hơn.
Ngoài ra, những kháng thể này giúp các bác sĩ "gián tiếp" xác định được người mắc bệnh bất kể họ biểu hiện triệu chứng bệnh hay không.
Trong nghiên cứu đầu tiên trên 343 bệnh nhân, các nhà khoa học tập trung khảo sát các kháng thể gắn vào gai của SARS-CoV-2 - bộ phận giúp virus bám vào tế bào chủ. Đa số các loại kháng thể có thời gian sống ngắn, suy giảm dưới mức phát hiện được sau 49-71 ngày kể từ khi bệnh nhân biểu hiện triệu chứng.
Riêng loại kháng thể IgG tồn tại đến 90 ngày, chỉ có 3 bệnh nhân của nghiên cứu mất đi kháng thể IgG trong khung thời gian trên. Các tác giả nghiên cứu cũng không phát hiện phản ứng chéo giữa các kháng thể SARS-CoV-2 với kháng thể của các loại virus corona gây các bệnh cảm lạnh thông thường khác.
Nghiên cứu thứ hai trên 402 bệnh nhân ghi nhận mức kháng thể IgG tương đối ổn định lên đến 105 ngày sau khi khởi phát triệu chứng, và được tìm thấy trong nước bọt và máu của hàng trăm bệnh nhân COVID-19.
"Vì virus (SARS-CoV-2) cũng có thể được đo lường trong nước bọt bằng kỹ thuật PCR nên việc sử dụng nước bọt trong đo đạc mức độ virus và cả kháng thể sẽ có những giá trị trong chẩn đoán", nhóm tác giả cho nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận