Phóng to |
Quang cảnh sau trận động đất ngày 19-2-2001 ở Lai Châu |
* Thưa ông, xưa nay chỉ thấy nói đến động đất tại các tỉnh Tây Bắc nước ta. Việc đặt ra vấn đề nghiên cứu rủi ro động đất ở HN hẳn là có nguyên do?
- Đúng vậy. Theo các tài liệu quan trắc bằng máy của mạng lưới địa chấn VN và quốc tế, trong lịch sử đã ghi nhận được 152 trận động đất ở khu vực HN và các vùng lân cận. Điển hình nhất là ba trận động đất mạnh vào các năm 1277, 1278 và 1285. Ba trận này đã được ghi lại trong sách của các triều vua trị vì.
Trận thứ nhất làm đất nứt bảy trượng, trận thứ hai là một chuỗi ba kích động mạnh xảy ra trong vòng một ngày, còn trận thứ ba đã làm bia đá chùa Báo Thiên xây năm 1057 (địa điểm nhà thờ lớn hiện nay) gãy đôi. Các trận động đất này tương đương với cấp 7 và cấp 8. Gần đây, năm 1958, một trận động đất mạnh 5,3 độ
Richter cũng đã xảy ra tại Yên Lạc (Vĩnh Phúc), cách HN 60km về phía tây bắc. Tiếp đó ngày 12-6-1961, trận động đất mạnh 5,6 độ Richter đã xảy ra tại Tân Yên (Bắc Giang), cách HN hơn 60km về phía đông bắc.
Như thế có thể nói một cách chắc chắn rằng HN không được chủ quan với động đất. Nó chưa xảy ra ở thời điểm hiện nay nhưng không lấy gì đảm bảo rằng sẽ không xảy ra trong tương lai. Bản đồ phân vùng động đất HN cũng cho thấy HN có thể xảy ra động đất với chấn động cực đại trên bề mặt là cấp 8 (khoảng 6,3 - 6,5 độ Richter).
* Những yếu tố nào gây ra động đất tại HN, thưa ông?
- Có một loạt hệ đứt gãy sinh chấn có ảnh hưởng đến HN như sông Hồng, sông Chảy, sông Lô, Vĩnh Ninh, sông Đà và Đông Triều. Phần lớn các trận động đất đã quan sát được ở HN và vùng lân cận đều bắt nguồn từ các hệ đứt gãy này.
Đáng kể nhất là hai đứt gãy sông Chảy và sông Lô chạy ngang qua địa phận HN. Đứt gãy sông Lô chạy qua huyện Sóc Sơn, Đông Anh và chạy sát Gia Lâm; còn đứt gãy sông Chảy chạy qua địa phận Từ Liêm, Thanh Trì, khá gần các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng. Đứt gãy sông Chảy và Đông Triều là hai đứt gãy có động đất hoạt động mạnh hơn cả.
Ngoài ba trận động đất mạnh đã biết trong lịch sử, động đất ghi nhận được trên đứt gãy Đông Triều là động đất tại Mạo Khê (Quảng Ninh) năm 1903, tại Tân Yên (Bắc Giang) năm 1961, tại Yên Thế (Bắc Giang) năm 1987. Các đứt gãy sông Hồng và sông Lô có biểu hiện hoạt động yếu hơn với các trận động đất có cường độ không vượt quá cấp 6 và với tần suất thưa hơn.
* Ông có thể dự báo thời điểm nào tới đây sẽ xảy ra động đất tại HN?
Hà Nội cần xây dựng chiến lược giảm nhẹ rủi ro và ứng cứu khẩn cấp. Chiến lược này giúp cộng đồng đô thị có sự chuẩn bị sẵn sàng và có khả năng đối phó với hiểm họa động đất ở nhiều mức độ khác nhau. Chiến lược này bao gồm việc khôi phục nhà cửa đổ nát do động đất, soạn thảo và ra các qui định về việc sử dụng đất thích hợp trong các vùng nhạy cảm động đất, thành lập và hiệu chỉnh các qui phạm kháng chấn trong xây dựng. |
Điều quan trọng là với mật độ dân số lớn, với sự bùng nổ xây dựng không có sự qui hoạch như hiện nay ở HN, chỉ cần một trận động đất trung bình xảy ra cũng sẽ gây thiệt hại lớn. Thậm chí không cứ động đất xảy ra ở ngay HN mà động đất mạnh xảy ra ở các vùng lân cận cũng có thể gây thiệt hại cho HN.
* Nghĩa là nếu xảy ra động đất ngay tại HN, mức độ thiệt hại sẽ rất lớn?
- Chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm ba kịch bản động đất tại khu vực quận Hoàn Kiếm. Kịch bản thứ nhất là một trận động đất nhỏ được tạo ra bởi tất cả các yếu tố có thể gây rung động nền tại khu vực. Với kịch bản này, có khoảng 30% nhà cửa bị phá hủy.
Kịch bản thứ hai là một trận động đất 6,5 độ Richter xảy ra trên đứt gãy Vĩnh Ninh với chấn tâm nằm rất gần vùng nội thành HN. Đây là kịch bản hiện thực, hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai. Hậu quả là 40% nhà cửa bị phá hủy. Kịch bản thứ ba là kịch bản cực đoan, tức là kịch bản không tưởng, chỉ nhằm để cảnh báo mức độ phá hủy lớn nhất có thể. Chúng tôi giả thiết một trận động đất mạnh 6,5 độ Richter xảy ra tại tháp Rùa ở hồ Gươm. Trận động đất này có mức độ thiệt hại về nhà cửa là 80-100%.
* Và khu vực nào được coi là có thể xảy ra động đất mạnh nhất ở HN, thưa ông?
- Bản đồ vi phân vùng động đất thành phố HN cho thấy khu vực phía nam là nơi phải chịu đựng những chấn động mạnh nhất, tới cấp 8 hay lớn hơn. Nhưng một hiện thực trớ trêu là có rất nhiều chung cư cao tầng được xây dựng trong khu vực này. Dường như đang có sự thiếu vắng thông tin từ những nhà khoa học địa chấn tới người thực thi.
Thông thường nhà cửa ở những vùng động đất mạnh phải có khu đất lưu không để nếu xảy ra động đất thì người ta có thể chạy ra đó thoát thân. Nhưng đặc trưng của HN là xây dựng nhà cửa san sát nhau, không có đất lưu không. Ngoài ra việc áp dụng qui phạm kháng chấn trong xây dựng của ta hết sức tùy tiện, tùy thuộc mức độ đầu tư khi xây dựng công trình. Có nơi áp dụng tiêu chuẩn của Nga, nơi áp dụng tiêu chuẩn của Nhật, của Mỹ... chứ không có sự thống nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận