Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời chất vấn |
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết nhận được 12 phiếu chất vấn của 9 đại biểu Quốc hội tập trung vào các nhóm vấn đề: hạ tầng giao thông, giải pháp đột phá hạ tầng giao thông, mở rộng Quốc lộ 1, chất lượng công trình giao thông; trách nhiệm của Bộ trong đảm bảo an toàn giao thông, giải pháp hạn chế tai nạn giao thông; Quản lý hoạt động vận tải và kinh doanh vận tải…
Không có chuyện nhà đầu tư nước ngoài thu phí cao
Mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà nêu vấn đề cử tri quan tâm Bộ GTVT đang nghiên cứu bán quyền khai thác một số công trình giao thông để lấy tiền đầu tư cho công trình khác. Đây là vấn đề mới của Việt Nam nên cử tri băn khoăn.
Đồng thời bà Hà phản ánh tình trạng dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng qua huyện Gia Lâm (Hà Nội) gây hư hỏng công trình thủy lợi dù kỳ họp trước đã kiến nghị bổ sung hầm chui dân sinh, cầu vượt nhưng chưa được thực hiện. Bà Hà hỏi Bộ trưởng Thăng bao giờ giải quyết?
Bộ trưởng Thăng cho biết hiện nay, ngành Giao thông có nhiệm vụ đột phá phát triển hạ tầng nhưng do Chính phủ tái đầu tư công nên nguồn lực dành cho giao thông ngày một hạn chế.
Bộ GTVT tìm giải pháp huy động nguồn lực xã hội để đầu tư cho giao thông.
Ngoài huy động nguồn vốn ngoài ngân sách, để tạo ra đột phá nữa, Bộ GTVT nghiên cứu chuyển giao quyền khai thác hạ tầng cho các nhà đầu tư khác. Hiện đang xây dựng đề án tổng thể báo cáo Chính phủ.
“Ví dụ đường cao tốc làm được 524 km đang khai thác, nếu chuyển được quyền khai thác sẽ lấy tiền làm được 500km nữa. Như vậy mục tiêu đến năm 2020 có thể hoàn thành 2.000km đường cao tốc” - Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng đề nghị đại biểu và Quốc hội yên tâm về việc này.
Thực tế đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã chuyển giao quyền thu phí thời hạn 5 năm. “Còn một số nhà đầu tư nước ngoài cũng xin chuyển giao một số dự án với sự kế thừa toàn bộ điều kiện hợp đồng của nhà đầu tư trước đây, kể các mức phí. Cho nên không có chuyện nhà đầu tư nước ngoài thu phí với giá cao được. Chúng ta có thể hoàn toàn kiểm soát được” - ông Thăng khẳng định.
"Có nhạc sĩ sáng tác bài hát về đường cao tốc"
Về việc thi công dự án gây khó khăn cho cuộc sống của người dân, Bộ trưởng Thăng cho rằng để triển khai thi công dự án thì phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và phải có thiết kế, biện pháp tổ chức thi công có sự thỏa thuận với địa phương mới triển khai.
Từ trước tới nay, các dự án đều được triển khai thực hiện tốt giữa chủ đầu tư với các ban quản lý dự án và địa phương. Tuy nhiên có một số dự án, việc phối hợp không tốt gây phiền hà khó khăn cho người dân địa phương.
“Chúng tôi đã chấn chỉnh và yêu cầu kiểm tra giám sát để hạn chế tối thiểu đến người dân trong vùng dự án. Người dân nhường đất làm đường nhưng có khi phải đi vòng lên đường cao tốc. Vì đường có tiêu chuẩn nhất định nên mong bà con nhân dân chia sẻ với sự phát triển chung của đất nước. Tất cả những gì tôi báo cáo là lời hứa. Không hứa thì thôi, đã hứa là phải thực hiện”- ông Thăng khẳng định.
Lo ngại về mức phí cao và khoảng cách trạm thu phí không đảm bảo sau khi hoàn thành mở rộng Quốc lộ 1 của đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) được Bộ trưởng Đinh La Thăng trấn an là mức thu phí theo khung giá, khoảng cách tối thiểu mỗi trạm cách nhau 70km theo quy định của Bộ Tài chính chứ không phải muốn thu bao nhiêu thì thu. Mức thu phí phụ thuộc tổng mức đầu tư, lưu lương xe đã được tính toán.
"Lúc đầu có ý kiến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai mức phí quá cao. Nhưng thực tế tuyến đường rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội - Lào Cai xuống một nửa, tiết kiệm được 30% xăng dầu. Đi trên cao tốc này thẳng nên an toàn hơn. Ví dụ trước đây đường sắt đi Lào Cai mua vé khó vì đông người đi. Nay có đường cao tốc nên khách đi tàu giảm xuống một nửa. Khách giờ đi ô tô trên đường cao tốc này có thể vừa nghe nhạc hay làm thơ. Có nhạc sĩ sáng tác bài hát về đường cao tốc gửi đến chúng tôi” - Bộ trưởng Thăng dẫn chứng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận