Đại diện Cục Hải quan TP.HCM trao đổi với các doanh nghiệp bên lề hội nghị sáng 20-12 - Ảnh: N.Bình
Ngày 20-12, tại Hội nghị bàn tròn doanh nghiệp Nhật Bản 2017 do Trung tâm Xúc tiến TP.HCM (ITPC) tổ chức, đại diện nhà đầu tư Nhật Bản đã đề nghị xác nhận tình trạng hiện nay của Quy định về hạn chế nhập khẩu máy móc thiết bị cũ.
Theo ông Takimoto Koji, trưởng đại diện JETRO TP.HCM, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tiếp tục gặp khó khi nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng khiến hoạt động mở rộng đầu tư mở rộng sản xuất bị cản trở.
Ông Nguyễn Khắc Thanh, phó giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM cho biết hiện nay việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng được quy định cụ thể tại Thông tư 23 ban hành vào năm 2015.
Tuy nhiên, ngay khi ban hành, thông tư đã gặp phải phản ứng của doanh nghiệp, vì thế trong lần cập nhật mới nhất, các nội dung quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền đã qua sử dụng được bổ sung, theo đó sẽ không quy định cố định số tuổi của tất loại máy móc là 10 năm như trước đây mà theo từng loại máy móc, thiết bị lĩnh vực ngành nghề.
Như vậy, trong một số ngành như cơ khí, chế tạo… mức trần của nhóm này có thể lên đến 20 năm, thay vì 10 năm.
Ngược lại, một số thiết bị phục vụ mở rộng sản xuất lĩnh vực lương thực, thực phẩm có thể áp dụng không quá 10 năm để hạn chế tình trạng Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ lạc hậu.
Một vấn đề khác cũng được nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm tại hội nghị là sự cần thiết của thủ tục đăng ký góp vốn theo Luật Đầu tư đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đã có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC) tăng vốn.
Theo nhà đầu tư Nhật Bản, quy định hiện nay mỗi lần tăng vốn góp, nhà đầu tư nước ngoài đều phải đăng ký làm thủ tục một nữa, như vậy là không cần thiết.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM, cho biết theo quy định trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã thành lập tại Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư mới hoặc tăng vốn tại dự án đang thực, phải thực hiện thủ tục cấp mới hoặc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại cơ quan này.
Theo bà Mai, quy định này nhằm đảm bảo thống kê được số vốn ngoại vào Việt Nam cũng như do đặc thù một ngành nghề kinh doanh nằm trong danh mục kinh doanh có điều kiện, cần có quản lý.
Nhật Bản hiện là thị trường xuất nhập khẩu lớn thứ ba của TP.HCM và là nhà đầu tư lớn thứ sáu với 1.110 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đạt 3,95 tỉ USD.
Để chuẩn bị cho Hội nghị Bàn tròn Doanh nghiệp Nhật Bản 2017, từ giữa năm 2017, ITPC đã làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM (JBAH) tổng hợp những khó khăn, vướng mắc từ các doanh nghiệp Nhật Bản.
Đến giữa tháng 10-2017 đã có 50 câu hỏi được chuyển đến các sở, ban ngành có liên quan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận