Phóng to |
Học sinh tìm hiểu về các loại sách giáo khoa được bán tại nhà sách Fahasa Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM - Ảnh: Minh Đức |
- Chương trình giáo dục ở bậc THPT cần phải thực hiện phân hóa. Kiến thức nền tảng phổ thông chỉ nên học trong chín năm, còn ba năm cuối cùng của phổ thông (nếu theo cấu trúc 12 năm như hiện nay) phải để học sinh lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp, trong đó chú trọng tới sự hứng thú, sở trường.
"Chương trình vừa sức, thiết thực sẽ khiến cả người dạy và người học thay đổi cách dạy học đối phó chỉ phục vụ thi cử như hiện nay" GS NGUYỄN MINH THUYẾT |
* Vậy theo ông, bậc THPT nên phân hóa thế nào? Đã có nhóm nghiên cứu đề xuất chỉ dạy bốn môn bắt buộc (thay vì 13 môn như hiện nay), những môn học còn lại để học sinh tự chọn. Ý kiến ông về đề xuất này?
- Tôi nghĩ dạy học tự chọn là xu hướng phải được triển khai ở bậc THPT, nhưng nếu có môn học nào đó bắt buộc đối với tất cả học sinh thì chỉ nên là môn ngoại ngữ, vì đó là môn học công cụ cần cho mọi lĩnh vực đời sống trong bối cảnh hội nhập. Các môn học còn lại nên chia làm hai loại. Một loại là các môn học do học sinh đăng ký học theo định hướng nghề nghiệp, ví dụ: toán, lý, hóa; văn, sử, địa; hoặc văn, sử, mỹ thuật... Hai là các môn mà học sinh đăng ký theo thời lượng học tự chọn. Bộ GD-ĐT có thể quy định số môn, số tiết tối thiểu học sinh phải học môn tự chọn để học sinh lựa chọn theo nguyện vọng của mình.
* Nếu vậy việc xét kết quả tốt nghiệp THPT sẽ rất phức tạp?
- Tôi thấy không phức tạp đâu. Học sinh sẽ phải thi các môn đăng ký theo định hướng nghề nghiệp và môn bắt buộc (ngoại ngữ). Ví dụ nếu học sinh đăng ký học toán, hóa, sinh và ngoại ngữ thì sẽ phải thi kết thúc các môn học đó. Kết quả thi các môn này và kết quả học tập các môn tự chọn quy ra điểm sẽ là cơ sở để xét và xếp loại tốt nghiệp cho học sinh phổ thông. Với cách trên, học sinh sẽ không bị dàn trải sức học ra 13 môn và dồn sức vào kỳ thi cuối cấp với sáu môn thi nữa, kết quả tốt nghiệp sẽ thực chất hơn.
* Hiện nay ngoài 13 môn học, học sinh trung học bị “nhồi” rất nhiều chương trình giáo dục khác. Vậy nếu thực hiện dạy học phân hóa như ông nói, những nội dung này đưa vào môn học nào?
- Ở nhiều nước, học sinh được tham gia các hoạt động xã hội như làm từ thiện, vệ sinh môi trường, tham gia lao động phù hợp với lứa tuổi, trải nghiệm thực tế với những hình thức tổ chức khác nhau của nhà trường... Ở VN thời trước cũng đã làm việc này, nhưng càng ngày nhà trường càng chỉ lo chạy đua với môn học và thi cử. Giảm môn học không cần thiết sẽ dư thời gian để học sinh tham gia các hoạt động giáo dục ngoài giờ. Và đó mới là “giáo dục toàn diện” thật sự.
Còn việc đưa quá nhiều nội dung giáo dục vào nhà trường sẽ làm chương trình ngày càng quá tải. Những nội dung giáo dục bổ sung nói trên sau khi đã sàng lọc, đưa vào chương trình phải có cách dạy thu hút học sinh, không nên khô cứng, giáo điều. Theo tôi, một phần nội dung giáo dục đó có thể tích hợp vào các môn học, một phần san bớt cho hoạt động của đoàn thể, của các câu lạc bộ. Có một số môn học hiện nay nên chuyển sang hình thức sinh hoạt câu lạc bộ, điển hình là môn giáo dục thể chất. Nếu cứ coi đó là môn học phải kiểm tra lấy điểm thì chỉ là “con ngáo ộp” dọa học sinh chứ không có tác dụng thiết thực.
* Chương trình THPT phân ban hiện nay được xây dựng với quan điểm phân hóa và định hướng nghề nghiệp, nhưng từ khi thí điểm đã bộc lộ những bất cập và được xem là thất bại. Vậy “phân hóa” mà ông nói khác phân ban điểm nào?
- Phân ban thất bại vì chỉ chia ban theo khối thi đại học mà không gắn với thị trường lao động và nhu cầu thực tế của người học. Trước mắt, việc tổ chức dạy học phân hóa trong phạm vi một trường có thể gặp khó khăn, nhưng chúng ta cũng có thể tính tới việc cho phép học sinh ghi danh học tự chọn ở các trường khác nhau trong một cụm trường. Như vậy, phải bỏ quy định bắt buộc học sinh học một trường cố định. Việc tổ chức dạy học phân hóa có thể làm tương tự như học chế tín chỉ ở bậc đại học.
* Nhưng sẽ phải chờ tới khi xây dựng chương trình - sách giáo khoa mới thì mới thực hiện được ý tưởng trên. Theo ông, trước mắt cần làm gì để giúp học sinh cuối cấp THPT giảm tải?
- Tôi nghĩ những đề xuất như trên có thể triển khai ngay chứ không cần chờ. Với chương trình - sách giáo khoa hiện tại vẫn có thể triển khai dạy học phân hóa và đổi mới kiểm tra, thi cử.
* Trong đề xuất xây dựng chương trình - sách giáo khoa sau năm 2015 đã đưa ra hướng dạy học “tích hợp” như một giải pháp nhằm giảm tải cho học sinh. Năm 2002 khi thực hiện xây dựng chương trình - sách giáo khoa mới, Bộ GD-ĐT cũng đặt ra vấn đề này nhưng không thực hiện được... Phải chăng ý tưởng này phi thực tế trong điều kiện VN?
- Quan điểm “tích hợp” được đưa ra từ lần đổi mới chương trình - sách giáo khoa năm 2002, nhưng Bộ GD-ĐT đã không “quyết” được trước tình trạng các nhà chuyên môn đều cho môn của mình quan trọng, cần phải có vị trí độc lập trong chương trình phổ thông. Các trường sư phạm cũng không đào tạo được giáo viên dạy học tích hợp và suốt gần 20 năm nay (kể từ năm 1995, khi bắt đầu xây dựng chương trình thí điểm) vẫn không hề có nhúc nhắc gì trong việc này. Bất cập cũng diễn ra ở khâu viết sách giáo khoa.
Thực tế, chúng ta có rất ít người có lý luận viết sách giáo khoa; công trình nghiên cứu về nhu cầu của xã hội và về năng lực, sở thích của học sinh cũng không có. Phần lớn chỉ dựa vào kinh nghiệm cá nhân để phán đoán học sinh cần cái này, cái kia mà viết. Ngay khi bắt đầu đổi mới chương trình - sách giáo khoa, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo “giảm hàn lâm, tăng tính ứng dụng, thực hành”, nhưng rốt cuộc nhiều cuốn sách giáo khoa vẫn không đạt được yêu cầu này. Chương trình một số môn thiếu linh hoạt, thậm chí cứng nhắc, khép kín, xa rời thực tế.
GS ĐINH QUANG BÁO (Thường trực đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa sau năm 2015): Sẽ đánh giá học sinh theo quá trình Cùng với việc biên soạn chương trình - sách giáo khoa mới, Bộ GD-ĐT cũng đang nghiên cứu để đổi mới việc kiểm tra, đánh giá theo hướng đánh giá học sinh trong quá trình học chứ không chỉ tập trung vào kỳ thi cuối cấp bó hẹp ở một số môn thi. Việc đánh giá trong quá trình học được triển khai với các hình thức hỏi - đáp, làm bài tập ở lớp, ở nhà, làm bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết, kiểm tra kết thúc một chương, kiểm tra cuối kỳ, cuối năm học. Ngoài ra còn đánh giá qua các yêu cầu học sinh làm báo cáo, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, dự án học tập... Việc thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT chỉ ban hành quy chế thi, phôi bằng, xây dựng ngân hàng câu hỏi, bài tập, còn sở GD-ĐT tổ chức thi và xử lý kết quả thi. Bằng tốt nghiệp được cấp cho học sinh trên cơ sở kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi. Xếp loại bằng tốt nghiệp THPT cũng căn cứ vào cả đánh giá trong quá trình và kết quả thi. Kết quả xếp loại là một trong những điều kiện để phân luồng sau THPT. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận