11/11/2014 18:37 GMT+7

Có thể giảm một nửa gánh nặng cho học trò

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - PGS.TS Bùi Thị An (Hà Nội) nhận định như vậy khi thảo luận Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại phiên thảo luận tổ Quốc hội chiều 11-11.

PGS.TS Bùi Thị An - Ảnh: Lê Kiên

Cho rằng gánh nặng học hành đang biến các em học sinh thành các “ông cụ non, bà cụ non”, TS An cho rằng có thể giảm một nửa chương trình mà các em đang phải học.

Học đến mụ cả người

“Nhiều năm nay, một em bé phải cõng một ba lô cả chục kg. Các em học đến mụ mẫm đi. Học quá nhiều” – bà An nhận định.

Bà nói: “Vừa rồi tôi vừa đọc một tài liệu nói rằng 20% học sinh ở TP.HCM bị mỡ máu. Ngoài chế độ ăn uống thì các em phải học quá nhiều, ít thời gian chơi thể thao. Điều này không đúng với mục đích giáo dục”.

Vẫn theo đại biểu An, việc phải học với chương trình nặng nề đã dẫn đến tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan.

“Tôi cho rằng phải lược bỏ đi những phần rườm rà, không cần thiết. Đặc biệt là phải cấu tạo cân đối giữa học kiến thức và vui chơi thể thao, văn nghệ” – bà An kiến nghị.

Giáo dục phẩm cách con người VN

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) bày tỏ: Giáo dục trước hết phải hướng vào phát triển nhân cách, con người phải được giáo dục về lòng tự trọng, tự hào dân tộc, tình thương và lòng nhân ái. Chương trình, sách giáo khoa phải hướng đến mục tiêu này.

“Người Hán có giấc mơ Trung Hoa, người Mỹ tự hào về giá trị Mỹ, chúng ta có rất nhiều giá trị của dân tộc nhưng mà giáo dục của chúng ta lại chưa hướng học sinh đến những điều này, để người VN tự ý thức vươn lên” – bà Khánh nói. 

Theo Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh nền giáo dục hiện đại phải hướng đến hội nhập, đặc biệt là trang bị kiến thức ngoại ngữ và tin học cho học sinh.

“Cạnh đó là kỹ năng sống, kỷ luật lao động. Hiện nay doanh nghiệp người ta rất kêu ca về kỷ luật lao động của người VN” – ông Chung cho biết.

Ông Chung cũng kiến nghị chương trình tới đây phải tăng cường các hoạt động ngoại khóa để rèn luyện cho học sinh khả năng quan sát, đánh giá các vấn đề tự nhiên và xã hội.

“Tôi rất mong muốn trước năm 18 tuổi các em phải được học rất kỹ về chương trình luật lệ giao thông. Hết lớp 12 thì phải có bằng lái xe máy, lái xe ô tô” - đại biểu Chung nói thêm.

Đồng tình với các ý kiến trên, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Trịnh Thế Khiết cho rằng ở nước ngoài người ta tạo ra tính tự chủ rất cao cho người dạy và người học.

“Khi học xong người học có thể tự tin sử dụng kiến thức của mình, suy nghĩ của mình vào các hành động thực tiễn. Như các nước, tốt nghiệp trung học phổ thông thì người ta đã có một cái nghề cơ bản, nhưng ở ta học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông ra không biết làm cái gì đâu” – ông Khiết bày tỏ.  

Ông Chung và ông Khiết đề nghị cần phải tham khảo, học tập kinh nghiệm của các nền giáo dục tiên tiến, mời các tổ chức giáo dục, tổ chức đánh giá giáo dục có uy tín góp ý cho đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa của VN.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên