Vậy kỳ thi riêng được tổ chức cho toàn bộ hệ thống tuyển sinh ĐH của ĐHQGHN sẽ có gì khác biệt? Ngày 30-12, Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - phó giám đốc ĐHQGHN - về vấn đề này.
Kết quả thi có giá trị trong hai năm
Thay đổi lịch thi so với dự kiến Theo PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, do lịch thi của Bộ GD-ĐT dời sang tháng 7 nên lịch tuyển sinh của ĐHQGHN cũng sẽ phải thay đổi theo. ĐHQGHN chủ trương tổ chức hai đợt thi trước và sau kỳ thi THPT quốc gia do Bộ GD-ĐT. Trước đây, dự kiến tổ chức hai đợt thi tuyển vào tháng 5 và tháng 7, nay điều chỉnh lại thành tháng 5 và tháng 8. “Vì đây là năm thí điểm tuyển sinh theo phương thức mới nên ĐHQGHN không ấn định tỉ lệ trúng tuyển, cũng không phân chia chỉ tiêu sẵn cho từng đợt thi. Sau khi xác định số trúng tuyển của đợt thi thứ nhất, chỉ tiêu còn lại bao nhiêu sẽ tiếp tục được tuyển sinh ở đợt 2” - ông Sơn nói. |
* Với hình thức thi trắc nghiệm thực hiện hoàn toàn trên máy tính, liệu thí sinh thi vào các trường, khoa thành viên của ĐHQGHN có buộc phải vất vả và tốn kém kéo về Hà Nội “lai kinh ứng thí” như lo ngại của nhiều thí sinh và phụ huynh, thưa ông?
- ĐHQGHN là đơn vị duy nhất tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng, lại theo hình thức thi trắc nghiệm trên máy tính nên không thể sử dụng chung các cụm thi có sẵn của Bộ GD-ĐT.
Tuy nhiên, ĐHQGHN hiểu rất rõ việc tổ chức cụm thi là phương án giảm thiểu gánh nặng chi phí cho thí sinh, nên quyết định sẽ đặt một số điểm thi ở địa phương. Dự kiến ngoài Hà Nội sẽ có các điểm thi ở Thái Nguyên, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng...
ĐHQGHN sẽ làm việc cụ thể với các trường ĐH để các trường phối hợp tổ chức phòng máy tính đạt chuẩn phục vụ kỳ thi được an toàn, minh bạch.
Tại Hà Nội, thí sinh sẽ thi ở các trường thuộc ĐHQGHN. Trong trường hợp thí sinh dự thi tại khu vực Hà Nội đông, chúng tôi có thể bố trí thêm các địa điểm thi khác nếu xét thấy cần thiết.
* Dù không ít trường ủng hộ cách thi của ĐHQGHN và muốn dùng chung kết quả, nhưng rốt cuộc năm 2015 ĐHQGHN vẫn “đơn thương độc mã” theo phương án thi mới. Có ý kiến cho rằng vì vậy thí sinh thi vào ĐHQGHN sẽ thiệt thòi khi kết quả không được dùng để xét tuyển sang các trường khác...
- Cách đây vài tháng, đúng là có một số trường ngỏ ý muốn được chia sẻ phương thức thi của ĐHQGHN trong tuyển sinh ĐH ngay năm 2015. Song đến nay chưa có hợp đồng chính thức nào về việc sử dụng đề thi đánh giá năng lực mà ĐHQGHN xây dựng.
Đúng là nhiều trường chia sẻ phương thức thi thì thí sinh sẽ có lợi hơn trong xét tuyển, nhưng với duy nhất hệ thống ĐHQGHN áp dụng thì chúng tôi vẫn hoàn toàn chủ động trong công tác tuyển sinh.
Hiện tại, kể từ sau khi đưa bộ đề thi mẫu lên website của ĐHQGHN, mỗi ngày hệ thống chạy bài thi thử tiếp nhận hơn 3.000 lượt người truy cập và đăng ký làm bài thi thử. Hình thức thi mới đã có được sự quan tâm của xã hội và nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực.
ĐHQGHN hi vọng phương thức đánh giá học sinh toàn diện, không đánh đố này sẽ được sử dụng rộng rãi hơn trong tuyển sinh ĐH để có thể thay đổi cách học ở bậc phổ thông. ĐHQGHN sẵn sàng chia sẻ phương thức tuyển sinh này với các trường khác.
Không thể nói thí sinh sẽ thiệt thòi khi kết quả thi có giá trị trong hai năm. Thí sinh thi năm nay vẫn có thể nhập học vào năm sau nếu đủ điểm trúng tuyển. Thậm chí kết quả thi năm nay không đỗ vào ngành đã đăng ký, nhưng với điểm số ấy có thể trúng tuyển các ngành học của năm sau thì thí sinh vẫn được sử dụng kết quả để xét vào trường.
Chưa kể ngay trong một năm, thí sinh thi đợt 1 vào tháng 5 kết quả chưa như mong muốn có thể đăng ký thi tiếp luôn đợt 2 vào tháng 8 để tăng cơ hội cho mình.
Vì sao vào ngành văn lại không thi văn?
* Không ít học sinh đã bày tỏ băn khoăn với cấu trúc đề thi vào ĐHQGHN năm 2015 khi các em chọn vào ngành văn học nhưng lại không có phần tự luận mà hoàn toàn thi bằng trắc nghiệm. Một số em cho rằng với đề thi trắc nghiệm, các em không bộc lộ được hết suy nghĩ, trăn trở đậm chất văn chương, cũng không thể hiện hết được văn phong mài giũa bao lâu nay. Điểm 9, điểm 10 văn lâu nay vẫn rất đáng quý sẽ không còn xuất hiện với cách thi này?
- ĐHQGHN rất hiểu băn khoăn này của thí sinh. Thật ra, từ chỗ phải viết những bài văn, đoạn văn và chờ đợi thầy cô “đong đếm” từng câu, chữ, nay chỉ cần trả lời các câu hỏi trắc nghiệm, thí sinh và xã hội không thắc mắc mới là lạ.
Song trước hết phải nói rằng các trường khác có tuyển những ngành khoa học xã hội cũng chỉ dừng lại ở kỳ thi THPT quốc gia, trong khi thí sinh dự thi vào ĐHQGHN vẫn phải làm các bài thi tốt nghiệp theo kỳ thi chung, cộng thêm bài thi đánh giá năng lực.
Ngoài ra, cũng không nên quan niệm cứng nhắc rằng thi vào ĐH ngành nào thì bắt buộc phải thi môn học tương ứng ở cấp phổ thông. Đó chỉ là quan niệm về cách kiểm tra kiến thức, mà chưa đặt ra yêu cầu đánh giá năng lực tổng hợp, chưa kiểm tra kỹ năng cần thiết để theo học được các chương trình ở bậc ĐH.
Nếu cứ quan niệm như vậy thì các ngành khoa học ứng phó với biến đổi khí hậu, khoa học phát triển, VN học... sẽ phải thi môn học tương ứng nào của phổ thông?
Ngay cả xét theo cách thi trước đây, ví dụ ngành văn học tuyển sinh khối C nhưng cũng đâu có yêu cầu môn văn phải đạt điểm cao nhất, mà điểm số môn này vẫn bình đẳng với các môn sử, địa khi tính tổng điểm xét tuyển đó thôi, thậm chí có em điểm văn dưới trung bình nhưng điểm hai môn sử và địa lý cao vẫn trúng tuyển.
* Như vậy, theo ông, những lo lắng của xã hội là vô lý hay đây là điều mà ĐHQGHN sẽ phải cân nhắc thêm trong khi thực hiện đổi mới tuyển sinh?
- Tất nhiên, xét một cách lý tưởng, để đánh giá học sinh toàn diện thì trên thế giới cũng không chỉ dựa vào duy nhất bài thi đánh giá năng lực, mà họ còn đánh giá qua bài thi luận, qua phỏng vấn, hồ sơ cá nhân...
Song cần chia sẻ thêm rằng hiện tại thí sinh thi vào ĐHQGHN vẫn phải có điều kiện tốt nghiệp THPT, nghĩa là phải trải qua kỳ thi THPT quốc gia với bốn môn thi, trong đó có ba môn bắt buộc toán - văn - ngoại ngữ. Do đó với một kỳ thi riêng, chúng tôi không muốn tăng thêm gánh nặng cho các em nên tạm thời không có phần tự luận.
Về lâu dài, nếu đủ điều kiện vào ĐHQGHN, thí sinh chỉ cần làm bài thi đánh giá năng lực của trường thì chúng tôi cân nhắc về khả năng áp dụng bài thi chuyên biệt phù hợp hơn nữa với từng ngành, chuyên ngành các em đăng ký dự thi. Rõ ràng, việc kết hợp bài thi luận trong tuyển sinh sẽ giúp đánh giá toàn diện và phù hợp hơn.
Tuy nhiên, ngay trong bài thi đánh giá năng lực sẽ áp dụng năm 2015 dù chỉ có hình thức trắc nghiệm nhưng trong đó vẫn có nhiều câu mà mục đích thiết kế để đánh giá các năng lực cảm xúc, thẩm mỹ, tư duy hình tượng... của người học cần cho một số ngành thuộc khối khoa học xã hội và nhân văn.
Người học phải đọc, hiểu những đoạn văn được trích dẫn, thẩm thấu và cảm nhận thật sự sâu sắc mới có thể trả lời được những câu hỏi này.
PGS.TS NGUYỄN KIM SƠN:Thi xong biết kết quả ngay Tuyển sinh ĐH vào các trường thành viên, khoa trực thuộc ĐHQGHN năm 2015 sẽ áp dụng phương thức thi đổi mới toàn diện so với việc thi tuyển sinh trước đây. Thay cho việc phải làm ba bài thi của ba môn thi tương ứng với các khối thi như trước, năm 2015 thí sinh thi vào ĐHQGHN sẽ chỉ phải làm một bài thi đánh giá năng lực duy nhất trong 195 phút với nội dung thi tổng hợp. Ngay khi làm bài xong, thí sinh sẽ biết kết quả trên máy tính. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận