26/11/2012 08:00 GMT+7

Cơ thể đau nhưng lòng thanh thản

Ông TRƯƠNG XUÂN THỨC
Ông TRƯƠNG XUÂN THỨC

TT - Hơn hai năm sau vụ tai nạn giữa tàu Thống Nhất TN6 và ôtô tải, lái tàu Trương Xuân Thức vẫn hằng ngày chống chọi với những cơn đau.

Đau về thể xác, buồn vì thành người tàn phế, mặc cảm vì phải sống nhờ vợ nhưng ông không hề oán thán.

epLMFWuo.jpgPhóng to

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tặng Huân chương Dũng cảm cho lái tàu Trương Xuân Thức. Ngày 20-8-2010, đại diện báo Tuổi Trẻ trao tiền bạn đọc ủng hộ ông Trương Xuân Thức. Báo Tuổi Trẻ trao danh hiệu “Bạn đồng hành quanh tôi” cho người lái tàu quả cảm này - Ảnh: Tuấn Phùng

Mặt đanh lại, bàn tay phải thỉnh thoảng bóp chặt vào mỏm tay trái bị cắt cụt để chống chọi cơn đau, phần cơ đùi phải bị giập đau buốt, người lái tàu quả cảm Trương Xuân Thức vẫn tận tình lục tìm lại những tài liệu tích lũy trong hơn 20 năm lái tàu để tặng người phụ lái chuẩn bị thi lên tài xế.

Kêu ca chỉ làm phiền người khác

“Kể từ ngày bị nạn, chưa có đêm nào tôi ngủ yên. Từ trụ cột gia đình giờ bỗng dưng thành người tàn phế, sống phụ thuộc vào vợ nên buồn lắm. Nhưng sự việc cũng đã xảy ra rồi. Mình bị thì đành chịu chứ kêu ca lại làm phiền người khác. Vợ đi làm cũng mệt, đêm cần giấc ngủ ngon, mình đau cũng cố chịu chứ kêu rên lại mất giấc ngủ của vợ con” - ông Thức bộc bạch về cuộc sống kể từ sau ngày bị nạn. Còn vợ ông, bà Lê Kim Thoa, cho biết có nhiều đêm chợt tỉnh thấy chồng không ngủ được, đi lang thang ngoài sân khu tập thể đến lúc chán, mệt mới về nằm.

Năm 2011, sau khi điều trị xong thương tật, ông được Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội bố trí công việc trông coi kho dụng cụ của xí nghiệp. Vui vì được cơ quan tạo việc làm nhưng suy đi tính lại ông đã từ chối vì thấy mình không làm tốt công việc. “Nói thật, ai chẳng muốn có việc làm để thấy mình còn có ích nhưng tôi thấy sức khỏe chưa đảm bảo để làm tròn công việc được giao, nay đau mai ốm thì không thể đảm bảo công việc tốt được. Nhiều khi 4 giờ sáng đi tập thể dục ven hồ Thành Công nghe tiếng còi tàu vào ga Hà Nội lại thấy nhớ cồn cào, nhưng mình được giao việc mà chưa thể làm tốt thì chưa nên làm” - ông Thức thổ lộ.

Tương tự, tổ dân phố nơi ông đang sống cũng bố trí ông tham gia tổ trông giữ xe nhưng ông thấy mình không thể đảm nhận, vì đến nay chân phải vẫn cử động khó khăn do phần cơ đùi bị giập, cánh tay còn lại khó có thể dắt được xe.

Người không hiểu có thể nghĩ ông ngại khó. Nhưng vợ ông, người hiểu chồng, biết tính nết của chồng thì lý giải: “Anh ấy đã làm gì thì muốn làm tốt, trọn vẹn trách nhiệm. Ngày còn lái tàu hàng chỉ vì không thể xử lý kịp để tàu cán gãy chân một chàng trai khi anh này và người yêu kéo nhau lao vào tàu tự tử cũng khiến chồng tôi buồn và trách bản thân cả tháng trời. Còn hai vụ dù dừng tàu kịp thời để cứu người nằm trên đường ray tự tử cũng khiến anh ấy nghĩ ngợi, bần thần vì không hiểu sao có những người muốn tìm đến cái chết thảm khốc như thế”.

0E9qC2mT.jpgPhóng to

Ảnh: Tuấn Phùng

"Nói là tự hào vì cách xử lý của mình thì không đúng. Khi đầu tàu đâm vào ôtô, nếu tôi chọn cách kéo tay hãm phía tay trái và nhảy ra khỏi đầu máy để thoát thân theo bản năng thay vì đẩy cần hãm khẩn cấp và ngắt sức kéo của đầu máy thì chắc không bị tàn phế. Nhưng làm thế mà nhìn cảnh năm bảy hành khách chết vì cách xử lý của mình thì cả đời tôi không bao giờ thanh thản được!”

Chỉ mong đỡ đau để kiếm việc làm

Với hành động quả cảm, chấp nhận hi sinh một phần cơ thể để đảm bảo an toàn tối đa cho đoàn tàu chở 300 khách, ông Thức đã được nhiều tấm lòng hảo tâm giúp đỡ, hỗ trợ về vật chất, tinh thần. Nhưng điều bất an, gánh nặng cuộc sống trong những ngày sắp tới luôn đè nặng lên bản thân ông và gia đình. Hỏi về nguồn thu của gia đình, ông nói: “Vợ tôi làm tạp vụ lương 2 triệu đồng một tháng và thêm chút phụ cấp. Con gái học cao đẳng nghề tài chính kế toán xong chưa xin được việc...”.

Ông cho biết thêm điều mong mỏi nhất bây giờ là chỉ cần vợ chồng có sức khỏe để tự lực làm việc đảm bảo cuộc sống của mình: “cố gắng làm được thế nào mình bằng lòng hưởng vậy chứ không so bì hay mong sự trợ giúp”.

Tháng 11-2011, khi tòa xét xử vụ tai nạn, ông Thức chỉ đề nghị tòa theo đúng pháp luật mà xử chứ không đòi hỏi gì. Hội đồng xét xử buộc chủ xe phải bồi thường 38,6 triệu đồng cho ông nhưng đến giờ ông cho biết vẫn chưa nhận được dù chỉ một đồng: “Doanh nghiệp vận tải có xe gây tai nạn đã đệ đơn xin phá sản vì phải đền cho ngành đường sắt gần 2 tỉ đồng. Do vậy, bản thân tôi cũng chưa nhận được đồng nào. Chả ai mong tai nạn để được bồi thường nên tôi cũng không hỏi và cũng chẳng thấy cơ quan nào yêu cầu người ta phải bồi thường cho tôi”.

Xả thân cứu cả đoàn tàu

Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra giữa ôtô tải chở 23 khối đá dăm với tàu Thống Nhất TN6 do lái tàu Trương Xuân Thức (khi đó 47 tuổi) điều khiển xảy ra khoảng 8g sáng 6-8-2010, tại đường ngang quốc lộ 1 (khu vực xã Tiên Tân, Duy Tiên, Hà Nam). Nhân chứng cho biết xe tải chạy song song với đường sắt đã cố vượt đường sắt khi đoàn tàu sắp lao tới dù người dân bên đường đã hò hét ra hiệu cho tài xế xe tải dừng lại.

Tai nạn khiến lái tàu Trương Xuân Thức bị thương nặng và kẹt trong buồng lái do cabin đầu máy bị biến dạng nên phải hai giờ sau mới giải cứu được. Ông Thức bị cắt cụt cánh tay trái cách khuỷu 20cm, toàn bộ cơ đùi phải giập nát, vỡ gót chân phải, khuôn mặt phải khâu cả chục mũi.

Đánh giá về thao tác của lái tàu Trương Xuân Thức, lãnh đạo Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội và những người có chuyên môn trong lái tàu đều nhận định: Nếu giật hãm (phanh) bên trái ghế lái để dừng tàu thì anh Thức sẽ không mất cánh tay trái. Nhưng chỉ có tay hãm chính phía trước tay trái người lái mới có khả năng khiến hệ thống xả gió trên đoàn tàu làm việc đồng loạt nhanh nhất để giảm tốc độ hiệu quả. Nếu không kiên trì đẩy hết cần hãm về phía trước và giữ chặt, hậu quả sẽ không biết đến mức nào khi các toa tàu dồn lên phía trước theo kiểu lồng hộp diêm vì xảy ra va chạm mạnh. Vì vậy, các toa chở khách không bị đổ và không ai trong số khoảng 300 hành khách trên đoàn tàu bị thương...

Ông Phí Kim Thịnh (phó giám đốc Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội):

Trường hợp đặc biệt

* Ông đánh giá thế nào về cách xử lý của anh Thức trong vụ tai nạn?

- Tôi trưởng thành từ tài xế lái tàu nên có thể khẳng định anh Thức đã xử lý đúng với tinh thần trách nhiệm cao để giảm thiệt hại tối thiểu trong vụ tai nạn. Tôi hiểu cảm giác vừa bất lực vừa sợ toát mồ hôi chỉ muốn nhảy ra khỏi đầu máy trước tình huống nguy hiểm nhưng cũng như những lái tàu khác, với trách nhiệm nghề nghiệp, anh Thức đã không tìm cách thoát thân cho riêng mình.

* Xí nghiệp đã bố trí công việc cho anh Thức nhưng anh ấy không làm vì cho rằng mình có thể không đảm đương được. Phải chăng công việc chưa phù hợp?

- Nhiều tài xế, phụ lái của xí nghiệp đã gặp tai nạn, bị thương tích trong quá trình làm việc nhưng với anh Thức, chúng tôi xác định là trường hợp đặc biệt vì trong xí nghiệp anh là người bị thương nặng nhất kể từ sau chiến tranh. Thêm nữa, gia cảnh anh Thức khó khăn, công việc của vợ thu nhập thấp, anh là lao động trụ cột trong gia đình. Ngày còn đi làm anh Thức cũng chỉ đi xe đạp đến xí nghiệp.

Khi anh Thức bị nạn, xí nghiệp đã hỗ trợ điều trị thương tích gần một năm, toàn bộ chi phí điều trị xí nghiệp chi trả. Đến lúc bác sĩ kết luận vết thương đã ổn định, xí nghiệp bố trí cho anh trông coi kho dụng cụ của anh em trong tổ máy. Đây là việc nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe.

Chúng tôi cũng động viên anh cứ yên tâm làm việc, lúc ốm đau có thể nghỉ, xí nghiệp sẽ bố trí người làm thay. Thức bảo để suy nghĩ thêm, sau đó đến cảm ơn xí nghiệp và nói là do điều kiện sức khỏe, đi làm không tránh khỏi mặc cảm nên xin chấm dứt hợp đồng.

Chúng tôi hiểu Thức là người cả nghĩ, hay lo lắng và mặc cảm mình không thể làm tốt công việc như mong muốn nên cũng tôn trọng quyết định của anh ấy.

Ông TRƯƠNG XUÂN THỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên