Ông Maciej Kranz trao đổi với một cộng sự tại Cisco - Ảnh: NVCC
Lấy ví dụ TP Barcelona như một điển hình thành công trong việc ứng dụng IoT để bàn về câu chuyện của TP.HCM, ông Maciej Kranz nói: "Tôi tin hầu hết các thành phố đều có những vấn đề chung như ùn tắc giao thông, bãi đậu xe, chiếu sáng hay thu gom rác. Barcelona đã đi đầu từ năm 2015 để giải quyết những chuyện đó. Chúng tôi đã lắp đặt hạ tầng mạng WiFi trên toàn thành phố. Không chỉ để góp phần giải quyết các vấn nạn đô thị, IoT còn được ứng dụng cho việc chăm sóc sức khỏe, chăm sóc sức khỏe từ xa, giải trí và nhiều lĩnh vực khác".
* Với các điều kiện cụ thể của TP.HCM, theo ông, đâu là những lĩnh vực tiềm năng chúng tôi có thể sớm ứng dụng các công nghệ này?
- Mới chỉ tới TP.HCM được hai ngày, nhưng tôi đã thấy mật độ giao thông ở đây rất lớn và thường xuyên xảy ra tắc đường. Do đó, ứng dụng công nghệ IoT để giảm bớt ùn tắc giao thông cũng như giải quyết việc vận hành bãi đỗ xe là những chuyện có thể thực hiện. Thứ nữa là ứng dụng IoT trong hệ thống đèn đường để giảm lượng điện tiêu thụ thông qua thiết lập hệ thống đèn và cảm biến để đèn chỉ bật khi có xe và phương tiện di chuyển. Tương tự cũng có thể ứng dụng với thu gom rác.
* Tôi thấy ông nhấn mạnh nhiều lần việc muốn triển khai IoT thành công dứt khoát phải có sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo cao nhất trong tổ chức/cộng đồng. Vấn đề này quan trọng như thế nào?
- Tôi tin rằng phần lớn các nhân tố thành công cho IoT không liên quan tới công nghệ, mà liên quan tới tổ chức của bạn, tới văn hóa và những cách thực hiện tốt nhất. Như tôi nhấn mạnh, bạn phải có sự ủng hộ của giám đốc điều hành (như CEO, COO) vì khi áp dụng bất cứ công nghệ mới nào bạn đều có thể phạm sai lầm, chắc chắn có những người không muốn triển khai công nghệ đó. Về cơ bản, bạn sẽ gặp rất nhiều trở ngại.
Lý do thứ hai, việc triển khai IoT là một hành trình. Tôi đã nói đó không chỉ là một sự kiện, một giải pháp, một dự án. Đó là việc tái thiết kế cách vận hành tổ chức của bạn trong tầm nhìn bạn sẽ phải triển khai trong thời gian 5-10 năm với các dự án liên tục, và bạn cần có sự ủng hộ của cấp quản lý. Đây là một quá trình dài hạn. Với tầm nhìn đó, tôi tin nếu không có sự ủng hộ từ cấp cao nhất, bạn sẽ thất bại.
Với quy mô thành phố, chẳng hạn tại TP.HCM có nhiều quận khác nhau và nhiều cơ quan, ban ngành khác nhau, nếu không có sự ủng hộ từ cấp lãnh đạo cao nhất của mỗi tổ chức này, hoặc mỗi nơi lại có một cách thức triển khai IoT riêng của họ thì vấn đề sẽ rất phức tạp. Và vì việc triển khai IoT là một quá trình nhiều năm, nên cần phải có sự ủng hộ của ý chí chính trị.
Quen với việc học hỏi không ngừng
* Theo ông, tác động của IoT với thị trường việc làm và người lao động thời gian tới như thế nào khi ông nhận định IoT sẽ trở thành công nghệ phổ biến trong 5-10 năm nữa?
- Tôi tin công nghệ IoT sẽ giúp cải thiện xã hội. Một số công việc sẽ biến mất và nhiều công việc sẽ được tạo ra. Bên cạnh các khoản đầu tư cho công nghệ, chúng ta nên đầu tư đào tạo lại lực lượng lao động và thay đổi văn hóa của thời đại. Chúng ta có văn hóa học hỏi không ngừng và điều này rất quan trọng. Tôi đã làm việc ở Cisco 19 năm và trong 4-5 năm qua đã đảm nhiệm tới 7 công việc khác nhau. Nó giống như một sự tiến hóa không ngừng, học hỏi không ngừng. Nghĩa là bạn không thể chỉ đi học, tốt nghiệp rồi đi làm và không bao giờ phải học lại nữa. Bạn vẫn phải học và nâng cao kỹ năng, xây dựng kỹ năng cho mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận