Người dân đeo khẩu trang trong khi chờ tàu hỏa tại thủ đô Jakarta, Indonesia ngày 22-11 - Ảnh: REUTERS
"Với hơn 50% ca COVID-19 không có triệu chứng, có thể 80% dân số chúng ta (khoảng 216 triệu người) đã nhiễm biến chủng Delta", ông Citra nói.
Theo nhà dịch tễ học Citra, sở dĩ có nhiều người Indonesia không có triệu chứng bệnh và số ca nhiễm giảm mạnh ở quốc gia này thời gian qua là bởi đã hình thành miễn dịch cộng đồng thông qua lây nhiễm tự nhiên
Tuy nhiên, theo trang web của UGM ngày 21-11, ông Citra cảnh báo đợt dịch thứ ba vẫn có thể xảy ra dù phần lớn người dân đã có kháng thể từ việc lây nhiễm tự nhiên.
Hầu hết các ca lây nhiễm tự nhiên sản xuất ra kháng thể đặc trị loại virus hay biến chủng virus đã lây nhiễm vào thời điểm đó, chứ không phải các biến chủng khác.
"Do đó, chúng ta không thể dựa vào miễn dịch tự nhiên được hình thành vào thời điểm này để ứng phó với một chủng mới trong tương lai", ông Citra nhấn mạnh.
Nhà dịch tễ Citra hy vọng việc Chính phủ Indonesia đẩy nhanh chương trình tiêm chủng sẽ giúp giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của việc tái nhiễm khi xảy ra đợt dịch thứ ba.
"Tôi nghĩ tiêm chủng đóng vai trò lớn trong việc ngăn ngừa bệnh nặng, vì dù đã được tiêm phòng nhưng họ vẫn có khả năng bị nhiễm và bệnh", ông Citra nói.
Ông Citra dẫn dữ liệu cho biết một số người mắc bệnh trong đợt bùng dịch hồi tháng 1-2021 đã tái nhiễm chủng Delta trong đợt dịch tháng 6-7 vừa qua, và hầu hết những ca tử vong là người chưa tiêm chủng.
Ông Citra hy vọng với việc đẩy nhanh tiêm chủng, đặc biệt cho người già, nếu đợt dịch thứ 3 xảy ra, hệ thống y tế của Indonesia cũng sẽ không bị quá tải với hàng ngàn ca bệnh nặng mỗi ngày.
Cho tới nay, khoảng 208 triệu người dân tại Indonesia đã tiêm ít nhất 1 liều, trong đó có 88 triệu người tiêm đầy đủ.
Dù hiện nay, Indonesia ghi nhận số ca mắc mới bình quân theo ngày thấp hơn 400 ca, song ông Citra tin chính sách hạn chế đi lại trong dịp Giáng sinh 2021 và Năm mới 2022 là lựa chọn đúng đắn của chính phủ.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, trang livemint.com dẫn nguồn tin cho biết Ấn Độ chưa có kế hoạch tiêm tăng cường cho người dân. Nguyên do là vì nhiều người đã lây nhiễm tự nhiên và Chính phủ Ấn Độ tin rằng 2 liều vắc xin hiện có đủ hiệu quả bảo vệ trước COVID-19.
Khi nguồn cung vắc xin tăng tại Ấn Độ, một số bác sĩ và chuyên gia y tế công cộng đã kêu gọi chính phủ khởi động chương trình tiêm tăng cường cho người dễ bị tổn thương như các nước phương Tây đang làm.
Tuy nhiên, theo nguồn tin, giới chức Ấn Độ sẽ tập trung hoàn thành 2 liều vắc xin cho 944 triệu dân số trưởng thành trước tháng 1-2022, trước khi chuyển hướng mở rộng xuất khẩu vắc xin.
Cho đến nay, 81% người trưởng thành ở Ấn Độ đã tiêm ít nhất 1 liều, trong khi 43% đã tiêm đầy đủ. Ấn Độ vẫn chưa tiêm cho người dưới 18 tuổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận