Gạo Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Anh cần có những tiêu chuẩn nghiêm ngặt - Ảnh: CHÍ QUỐC
Người này là ông Jason Bull - một giám đốc của Eurostar Commodities, công ty chuyên cung cấp gạo và bột mì cho các chuỗi nhà hàng, siêu thị và quán ăn tại Anh.
Trong bài viết đăng ngày 22-6, báo Guardian mô tả thoạt nhìn những bao gạo 20kg được chất trên các kệ hàng ở cảng West Yorkshire (Anh) trông giống như những bao gạo khác, nhưng thực chất chúng là những bao gạo đầu tiên được nhập từ Việt Nam. Việc nhập gạo Việt Nam diễn ra trong bối cảnh giá cả lương thực tăng cao làm gia tăng lạm phát ở Anh, buộc nhiều công ty phải tìm kiếm các nguyên liệu rẻ hơn.
Cũng theo báo Guardian, ông Bull đã đến Việt Nam để ghé thăm nhiều cánh đồng và nhà máy của các nhà cung cấp được Anh phê duyệt. Ông Bull cho biết: "Nguồn cung cấp gạo ở châu Âu sẽ ít đi đáng kể so với trước đây, khiến nhu cầu dành cho nguồn cung từ Viễn Đông tăng lên. Việt Nam chỉ trồng một lượng nhất định gạo đạt tiêu chuẩn của EU (Liên minh châu Âu). Vậy nên nếu không có hợp đồng và đặt hàng trước, bạn sẽ không có hàng".
Như vậy, trong toàn bộ nội dung đề cập tới Việt Nam của Guardian, không có thông tin hoặc khẳng định về việc ông Bull "trở về tay không" sau khi đến Việt Nam tìm gạo như có tờ báo nêu.
Ngoài ra, lạm phát đẩy giá gạo tăng lên cũng là nguyên nhân lớn khiến các nhà nhập khẩu như Eurostar Commodities tìm đến nguồn cung có giá rẻ hơn. Eurostar Commodities thường mua gạo hạt ngắn từ Ý - nhà sản xuất gạo lớn nhất châu Âu. Song giá gạo Ý đã tăng vọt do hạn hán ảnh hưởng đến mùa vụ.
Theo Mintec - công ty chuyên cung cấp dữ liệu về thị trường gạo thế giới, gạo trắng của Ý vào vụ xuân năm ngoái đã đạt mốc 1.000 USD/tấn và thậm chí vọt lên 2.000 USD/tấn hồi tháng 5 vừa qua. Trong khi đó, giá gạo trắng của Việt Nam đã giảm xuống còn 400 USD/tấn vào cùng tháng.
Chỉ số hằng tháng của Tổ chức Nông lương (FAO) Liên Hiệp Quốc cho thấy, tính đến tháng 5-2022, giá gạo thế giới đã tăng 5 tháng liên tiếp.
Trước thông tin doanh nghiệp Anh đến tận Việt Nam tìm mua gạo, ông Phạm Thái Bình - tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An - cho rằng công ty đã xuất khẩu gạo sang EU nhưng chưa xuất khẩu gạo sang Anh. Tuy nhiên, theo ông Bình, chủ doanh nghiệp ở Anh sang tận Việt Nam mua gạo và ở tận 6 tháng nhưng tay trắng ra về là không đúng.
"Đây không phải là tin xấu, nhưng nó không đúng với hiện trạng thực tế gạo của Việt Nam. Để xuất khẩu gạo vào Anh rất khó, đòi hỏi những tiêu chuẩn. Có thể không ai dám bán vì tiêu chuẩn cao, sợ bán rồi bị trả về. Như tôi được biết, đã có lô hàng gạo ST25 xuất sang Bỉ bị trả về. Xuất sang Anh cũng tương tự, có nhiều tiêu chuẩn khắt khe nên không ai dám bán. Chứ doanh nghiệp Anh ở 6 tháng mà không mua được gạo là không đúng", ông Bình nhận định.
Đã có doanh nghiệp Việt xuất khẩu gạo vào Anh
Trong hội thảo "Khai thác các tiềm năng thị trường Vương quốc Anh, tận dụng lợi thế của UKVFTA", do Bộ Công thương phối hợp tổ chức ngày 23-6 tại TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu - giám đốc xuất khẩu Tập đoàn Lộc Trời - cho biết tập đoàn xuất khẩu khắp thế giới trên 100.000 tấn, xuất vào thị trường Anh 20.000 tấn/năm.
"Để xuất khẩu vào EU và UK rất nghiêm ngặt. Cách đây vài năm rất khó khăn vào thị trường này vì không có quy trình, tiêu chuẩn rõ, gạo không đạt chuẩn. Từ năm 2020 đã đi chuỗi giá trị bền vững: giống, phân, thuốc dịch vụ nông nghiệp, hợp tác nông dân vận chuyển xuất khẩu.
Tất cả giống, dịch vụ nông nghiệp, phun sạ bằng máy bay… đều tuân thủ thành chuỗi hoàn chỉnh mới xuất khẩu sang Anh, EU... và đạt chuẩn 100%. Xuất khẩu gạo được sang Anh, bắt buộc phải xây dựng vùng trồng, phân tích mẫu đạt trên 800 hoạt chất mà thị trường yêu cầu", ông Hiếu cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận