Kết quả PAPI năm 2013 vừa được công bố cho thấy “Tham nhũng vặt khắp nơi” (Tuổi Trẻ ngày 3-4). Ông Dinh lý giải với phóng viên Tuổi Trẻ về tình trạng này.
Phóng toPGS.TS Đặng Ngọc Dinh - Ảnh: Nguyễn Khánh
"Việc người VN có thói quen không tốt là không xếp hàng, chen lấn nhau rất lộn xộn thì không phải là người VN không thích xếp hàng, mà là do quản trị không tốt. Cũng là người VN, tại sao họ sang Pháp, Đức, Nhật Bản lại xếp hàng rất ngay ngắn?"
* Kết quả chỉ số PAPI năm 2013 cho thấy các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Long An, Thái Bình, Đà Nẵng đứng đầu bảng xếp hạng, “đội sổ” là Bắc Giang, Lai Châu, Hà Giang... Xin hỏi ông là nhóm nghiên cứu đã nhận được phản hồi gì từ lãnh đạo các tỉnh, thành phố này, các địa phương xếp cuối bảng có bày tỏ bức xúc hay khó chịu gì không?
- Trong hai năm đầu có một số địa phương phản ứng, họ nghi ngờ về tính xác thực và cho rằng số lượng lấy mẫu nghiên cứu không lớn nên không phản ánh hết thực tế ở địa phương họ. Nhưng đến nay, đa số địa phương đã thừa nhận chỉ số này, đặc biệt đã có 22 địa phương có các chỉ đạo để cải thiện chỉ số PAPI. Có lẽ họ đã cảm nhận được tính xác thực của nó.
Có những tỉnh luôn đứng ở phía trên bảng xếp hạng như Đà Nẵng, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu và cũng có một số tỉnh luôn ở phía cuối bảng, thế thì lãnh đạo các tỉnh cũng phải tự đặt ra câu hỏi là tại sao người dân lại đánh giá bộ máy hành chính của mình như vậy? Ví dụ Bắc Giang năm vừa rồi bị tụt xuống cuối bảng xếp hạng thì lãnh đạo MTTQ VN tỉnh và lãnh đạo tỉnh cũng gọi điện cho chúng tôi để tìm hiểu sâu hơn nhằm khắc phục những gì còn bất cập, còn chưa tốt trong mắt người dân.
* 42% người dân cho rằng vẫn phải hối lộ khi đi khám chữa bệnh ở tuyến huyện, 42% cho rằng có tiêu cực khi xin việc vào cơ quan nhà nước, 30% nói rằng có tham nhũng khi làm thủ tục liên quan đến giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất... Ông bình luận gì về những con số này?
- Tỉ lệ trên đây chỉ tính với những người khẳng định có chuyện đó, qua trải nghiệm thực tế của họ, chúng tôi không tính đến những người không muốn trả lời câu hỏi. Tỉ lệ trên cho chúng ta thấy tham nhũng vặt là hiện tượng phổ biến. Nếu nhìn sơ qua thì có thể bình luận rằng chuyện “tham nhũng vặt khắp nơi” cũng bình thường vì nó đã trở thành chuyện hằng ngày rồi, không có gì lạ nữa. Đi xin học cho con, đi khám bệnh, thậm chí đi xin làm công nhân... cũng phải “lót tay”. Đấy là chúng ta chỉ mới nói đến thực trạng tham nhũng vặt, như là dúi cái phong bì dăm chục để khỏi bị chích thuốc đau, còn tham nhũng ở mức phạm pháp hình sự như mua bán, chạy chọt bằng cấp, địa vị thì chưa nói đến.
Nhìn ở khía cạnh khác, PAPI cho chúng ta thấy rằng nếu tình trạng tham nhũng vặt không được cải thiện qua thời gian, không giảm rõ rệt là một câu chuyện rất lớn cần đặc biệt lưu ý. Đó là chúng ta đang ở trong trạng thái xã hội không bình thường, xã hội bị lạc đường bởi tình trạng tham nhũng vặt. Một người học đại học ra trường có bằng giỏi và có thực lực, nếu ở xã hội bình thường thì họ sẽ được chào đón, được nhận vào làm việc ngay, nhưng ở ta có thể phải lo lót, chạy chọt, quà cáp để được nhận vào làm. Như vậy nhiều giá trị trong xã hội đã bị lệch chuẩn, sai lạc. Tài năng, đạo đức và thậm chí pháp luật không có giá trị nhiều lắm, mà có giá trị hơn lại là có thân quen, có tiền bạc. Tôi cho rằng lạc đường, lạc điệu, lệch chuẩn như vậy còn đáng sợ hơn lạc hậu.
* Ông lý giải nguyên nhân của tình trạng này như thế nào, tại sao tham nhũng vặt khắp nơi và người ta coi đó là chuyện bình thường?
- Có nhiều người giải thích rằng đó là do mặt trái của kinh tế thị trường, nó phát huy đến mức mà có người từng nói “cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”. Nhưng hãy đặt câu hỏi ngược lại là tại sao nhiều nước có kinh tế thị trường trước ta mà họ lại không có tình trạng đó? Câu trả lời của tôi là muốn có một nền kinh tế thị trường lành mạnh, tốt đẹp thì phải có một nền quản trị hiện đại. Chúng ta chưa có một nền quản trị tốt nên trong xã hội mới nảy sinh những chuyện như vậy, chứ không phải là người dân VN thích hối lộ. Nhưng muốn có một nền quản trị tốt thì có rất nhiều việc phải làm, như là cải cách hành chính cho tốt, chế độ lương bổng phải đổi mới, pháp luật phải hướng mọi chuyện đến công khai, minh bạch và bình đẳng giữa mọi người... Chắc chắn những việc như vậy khó làm được trong ngày một ngày hai.
* Theo ông, tham nhũng vặt và tham nhũng to, tham nhũng tiền tỉ có mối quan hệ gì với nhau? Chẳng hạn như có người đặt ra câu hỏi tại sao làm công chức nhà nước lương thấp vậy mà người ta vẫn sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu đồng để “chạy” vào?
- Nếu chúng ta nhìn trên bình diện thế giới thì thấy tham nhũng lớn xuất hiện ở nhiều quốc gia, ngay cả những nước như Mỹ hay châu Âu, nhưng nó mang tính cá biệt và mức độ khác nhau ở mỗi quốc gia, khu vực. Với những nơi có nền quản trị quốc gia tốt đôi khi vẫn có tham nhũng lớn nhưng không có tham nhũng vặt, hay như ở các nước Bắc Âu dường như không thấy tham nhũng lớn, cũng không có tham nhũng vặt bởi họ đã ở trình độ văn minh rất cao. Tham nhũng lớn có rất ít ở châu Âu và lại có nhiều ở châu Phi và châu Á. Đúc kết lại thì có một điều chúng ta dễ nhận ra là ở những nơi có tham nhũng vặt thì gần như chắc chắn sẽ có tham nhũng lớn, nó gần như là một tất yếu bởi xã hội đó người ta coi như một thói quen và dễ chấp nhận.
* PGS.TSPHẠM DUY NGHĨA (trưởng khoa luật Trường ĐH Kinh tế TP.HCM): Hạn chế sự tùy tiện của cán bộ, công chức Tham nhũng “vặt” ở đây có thể được hiểu theo hai nghĩa. Thứ nhất, quy mô của hoạt động tham nhũng tuy nhỏ nhưng rải rác khắp nơi, ví dụ như xin cho con đi học phải “lót tay”, để được chăm sóc tốt hơn ở bệnh viện cũng phải “bồi dưỡng”... Nghĩa thứ hai đáng bàn hơn, theo đó người dân cảm thấy tham nhũng trở thành chuyện vặt đến mức như một thói quen, khiến người ta không bức xúc, không thấy lạ. Nói cách khác, khi đó tham nhũng đã phổ biến tới mức người ta không lên án mà dễ dàng chấp nhận. Nếu hiểu như vậy, báo cáo PAPI đáng phải suy nghĩ ở chỗ đã tái khẳng định cảm nhận của dân chúng rằng tham nhũng ở VN không còn mang tính đơn lẻ mà là một hiện tượng mang tính xã hội lan rộng.
|
"Trên thế giới, chính quyền thường không muốn minh bạch thông tin. Đó là một thực tế, kể cả ở nhiều quốc gia phát triển. Chỉ dưới sức ép liên tục của dân chúng thì chính quyền mới chấp nhận buộc phải minh bạch, càng minh bạch thì chính quyền càng vững mạnh, tựa như ánh sáng sẽ giết chết vi trùng. Nói cách khác, trong bưng bít và bóng tối thì thừa cơ hội nảy sinh lạm quyền, ngược lại dưới ánh sáng chói chang của sự giám sát rộng khắp thì chỉ có người thực tài mới có thể tìm được sự ủy trị của nhân dân"
Với người đưa hối lộ thì việc đưa hối lộ cũng sẽ giúp giải quyết được công việc của họ một cách thuận tiện, đạt được một mức độ thỏa dụng nào đấy và có thể cũng làm người ta hài lòng. Tuy nhiên, nếu điều này tiếp diễn sẽ xảy ra những hệ quả xấu như quan chức sẽ hành xử ngày càng tùy tiện và thói quen tùy tiện lan rộng, khả năng tiếp cận dịch vụ và cơ hội từ khu vực công sẽ tùy thuộc vào mức độ chấp nhận phải đưa hối lộ của người dân. Hành xử tùy tiện của quan chức gia tăng sẽ dẫn đến vô hiệu hóa nhiều quy định của pháp luật. Khi đó phong bì hay quà biếu sẽ làm ra chuẩn mực. Đồng thời các thể chế phi chính thức như các mối quan hệ quen biết, sự chia chác lợi ích... sẽ thắng thế. Trong bối cảnh đó, luật pháp và công lý bị khinh nhờn.
Hành vi bất tuân ấy dẫn đến những giá trị của xã hội dần dần sẽ bị lung lay. Một xã hội không có những giá trị bền vững thì không thể ổn định lâu dài được, các nhóm lợi ích nào chiếm được quyền lực sẽ tạo ra luật chơi mới và họ sẽ khai thác quyền lực cho lợi ích của họ. Một xã hội như vậy mẫn cảm với những biến đổi về chính trị và báo trước những nguy cơ bất ổn.
Thật ra, chúng ta có vài điểm sáng như những cố gắng có thể quan sát ở tỉnh Bình Dương hay nỗ lực cải cách hành chính ở quận 1 (TP.HCM). Tôi nghĩ rằng các địa phương khác nếu có điều kiện cần đến những nơi này để trao đổi, tự rút ra bài học cho riêng mình.
Rõ ràng những dấu hiệu của một nền hành chính thân thiện, phục vụ người dân và doanh nghiệp đã nhen nhúm xuất hiện ở một số địa phương. Tại sao những tín hiệu tích cực này xuất hiện ở tỉnh này, địa phương này mà không xuất hiện ở nhiều nơi khác, theo cá nhân tôi là có nhiều yếu tố. Thứ nhất, đã xuất hiện cạnh tranh giữa các địa phương. Thứ hai, dưới sức ép của điều hành địa phương đã xuất hiện những lãnh đạo có quyết tâm và tầm nhìn.
Những điểm sáng nói trên đều có một mẫu số chung bao gồm nỗ lực xây dựng chính quyền minh bạch; nỗ lực hạn chế sự tùy tiện của cán bộ, công chức bằng cách kiểm soát quyền hạn của họ. Đặc biệt, một tiền đề rất quan trọng là phải tin người dân và doanh nghiệp, trao cho họ quyền yêu cầu cán bộ, công chức phải tuân theo các chuẩn mực đã quy định và giúp họ có đủ sức kiểm soát được quyền hạn của nhóm người có quyền.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận