22/04/2013 10:30 GMT+7

Cô thạc sĩ theo món mắm Thuyền Nan

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Mới gặp, Đào Thị Hằng sẽ trao người đối diện nụ cười mà cô gọi là “phới lới”. Ngồi thêm một lúc, cô sẽ sôi nổi kể nhiều câu chuyện với rất nhiều cảm hứng bằng chất giọng Quảng Trị vừa nằng nặng vừa ngòn ngọt.

qZ4b7C4o.jpgPhóng to
Ông Dương Quang Thiện khen mắm Thuyền Nan ngon - Ảnh: Tự Trung

Những ngày này, những câu chuyện với Hằng xoay vòng xung quanh những phụ nữ ở các làng chài, những hũ mắm ruốc, những tĩn nước mắm...

“Tôi mong sẽ tìm ra cách để thay đổi cuộc sống của họ, gia đình họ”, ước mơ của Hằng cũng mặn và nhiều năng lượng như món mắm ruốc mà cô chọn làm nickname của mình.

psS1op8S.jpgPhóng to
Hằng “mắm ruốc” và nụ cười “phới lới” - Ảnh: Tự Trung

Giúp động lực đi câu

Đã gần tròn chín năm từ ngày vào ĐH, lần đầu tiên hái được một quả ngọt cho chuỗi nỗ lực, cuộc đời Hằng bắt đầu thay đổi. Hằng đã học được nhiều thứ mà cô khát khao được chia sẻ: “Tôi thường nghe nói giúp người nghèo cần câu chứ không giúp con cá. Nay tôi nghĩ khác hơn: cũng không cần giúp cần câu mà giúp họ động lực để đi câu. Động lực sẽ làm thay đổi cuộc đời”.

“Tiến sĩ” mắm ruốc

Gặp Hằng tíu tít với những hũ mắm ruốc, những chai nước mắm đậm mùi thơm lừng cả một góc nhà ông Dương Quang Thiện, cô cười tít mắt: “Giao hàng được mấy chuyến rồi nhé, ai ăn cũng khen hết”.

Cũng ít khi thấy ông Thiện cười vui như khi cầm hũ mắm được dán nhãn hiệu Thuyền Nan của Hằng. Luôn chủ trương “giáo dục nuôi giáo dục” nhưng khi cô học trò mà ông đã coi như con cháu trong nhà không tiếp tục con đường nghiên cứu khoa học, ông lại vui ra mặt.

Hằng tranh thủ kể ngay: “Đây là ý tưởng của ông đấy, tôi chỉ thực hiện thôi. Ông bảo tôi: nếu đặt nặng danh tiếng thì hãy ở lại làm tiến sĩ”. Ông Thiện cười xòa chỉ hũ mắm: “Luận án tiến sĩ cao xa lắm, lại lâu, giúp nông dân nghèo thiết thực như ri là được rồi”.

Tìm hiểu sâu hơn nữa thì biết quyết định ấy của Hằng không nhanh và giòn như khi cô cười mà lại rất đậm sâu như là mắm ruốc.

Hằng đã ôm nỗi trăn trở từng đêm khi sang Úc học tập: làm thế nào để giúp những người nông dân, mà tiêu biểu là cha mẹ mình, đang dãi nắng dầm sương trên đồng dưới sông bớt vất vả, có việc làm, có thu nhập, nuôi được ước mơ học hành của con cái...

Mỗi ngày học được những điều mới lạ, mỗi ngày được nhìn thấy cuộc sống “ôi sao mà sướng” của người dân xứ người, Hằng lại càng quay quắt.

Đứng trước lựa chọn một bên là học bổng tiến sĩ, một bên là trở về, Hằng phải suy nghĩ rất nhiều: tiến sĩ không phải một đích đến, tiến sĩ là một khởi đầu cho con đường nghiên cứu độc lập trong khoa học.

Tiếp tục làm nghiên cứu sinh tiến sĩ nghĩa là sẽ chọn hẳn con đường khoa học dài bất tận vốn dĩ khó tìm lối đi trên những nơi quê nghèo VN.

Hàng loạt email trao đổi giữa hai ông cháu, cả một chủ đề “Ở hay về?” được lập trên trang cá nhân của Hằng trước khi đi đến quyết định. “Tôi biết nếu làm luận án tiến sĩ sẽ học được thêm nhiều phương pháp, công cụ trong nghiên cứu khoa học, nhưng lại sẽ mất tới ba năm và luận án ấy chỉ có ích lợi, có ứng dụng ở nước ngoài như ông nói. Nghĩ hoài rứa, vậy là tôi về. Cũng tiếc lắm, nhưng ba năm ấy tôi mong có thể hoàn thành được dự án mắm ruốc” - Hằng lại cười nụ cười “phới lới”.

Về nước, việc đầu tiên của Hằng khi xuống sân bay là chạy về thăm ông Dương Quang Thiện vừa bị “bổ” (ngã) đau chân. Sau là về nhà với mạ (mẹ) và sau nữa lặn lội khắp các làng chài Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, sục vào từng căn bếp tìm những lu, những hũ, những tĩn. “Tôi cứ đi theo mùi mắm” - Hằng cười tít.

Và theo mùi mắm, Hằng đã gặp những người phụ nữ làng chài cả một đời làm vợ mòn mỏi bên bãi cát chờ chồng, những người vợ đã một ngày trở thành đơn thân sau một con sóng dữ, những người đàn bà héo hắt bên góc bếp, nước mắt cũng mặn như những giọt mắm chắt ra từ thân cá đằm trong muối, những người mẹ chỉ có một hi vọng: con được ăn học để bớt khổ cực như cha mẹ.

Hằng đã ôm lấy những bờ vai gầy, nắm những bàn tay chai sần, khô khốc, cảm vị mặn của nước mắt, tỉ tê những câu chuyện cuộc đời. “Tôi thương họ vô cùng, quyết phải làm gì đó để thay đổi cuộc sống của họ” - Hằng nói bằng tất cả những gì cô đã học được từ khóa học năng lực lãnh đạo của mình.

Trước hết là Hằng nếm mắm, bằng tất cả tình yêu món mắm miền Trung và kinh nghiệm của cả tuổi thơ luật quật giúp cha mò cá dưới sông, giúp mẹ ủ mắm sau bếp. Hằng đã tìm được món mắm ruốc đặc biệt được nhặt đãi sạch sẽ, ủ suốt ba năm tới thơm nồng, tìm được loại nước mắm nguyên chất sạch tinh được lọc qua cát trắng...

Những cách chế biến truyền thống đặc biệt tỉ mỉ, công phu này gần như đã thất truyền, biến mất giữa thị trường nước mắm tràn ngập những thương hiệu, những chỉ số không tưởng hiện nay. “Tôi sẽ khôi phục những món mắm tuyệt vời này, quyết không để loại sản phẩm thượng hạng lại chỉ quanh quẩn bên mâm cơm nghèo nữa” - Hằng nói vậy và bắt đầu bằng việc tìm kiếm những người thưởng thức mắm.

Lời đảm bảo của cô thạc sĩ rằng mắm được làm theo phương pháp truyền thống, hoàn toàn sạch, không hóa chất, không chất bảo quản đã đưa những hũ mắm ruốc, chai nước mắm đi ra khỏi góc bếp. Từ những người bạn của Hằng, những đơn đặt hàng được gửi đến từ khắp nơi qua mạng.

Cô lại lặn lội đi tìm hiểu cách đóng gói, thiết lập đường dây vận chuyển hàng, hạch toán chi phí... Những chai, những hũ được gửi ra Hà Nội, vào TP.HCM, ngược lên tận Thái Nguyên, Gia Lai. Những tin nhắn “Thơm quá”, “Rất đặc trưng mùi vị mắm”... tới tấp gửi về khiến Hằng vững lòng. Cô tự tin đầu tư những khoản tiền đã chắt chiu từ học bổng để những dì Rỏ, dì Lê mua những mẻ cá, ruốc tươi ngon nhất.

“Dì Rỏ cầm tiền của tôi mà khóc, nói chưa bao giờ có được khoản tiền lớn như vậy, dù cũng chỉ là vài triệu đồng thôi. Tôi lại nhớ đến mẹ mình khi xưa...” - Hằng xúc động kể. Câu chuyện của dì Rỏ được cô chia sẻ khiến người mua hàng thấm thía hơn nữa vị mặn và cái hậu ngọt đậm của nước mắm.

Chuyến hàng thứ sáu được đóng gửi đi TP.HCM, Hà Nội, có thêm sản phẩm mới đặc biệt, ông Dương Quang Thiện vui lắm và ra một đề bài mới cho Hằng: tăng chi phí đầu vào đồng thời giảm giá thành sản phẩm, mang mối lợi cho cả người sản xuất lẫn tiêu dùng. Hằng cắn môi: “Vậy thì phải giảm chi phí ở khâu phân phối, mà khâu này đã là tối thiểu rồi. Ông cho thêm một thời gian nữa, con sẽ tính...”. Con đường để “hoàn thành tiến sĩ” cho món mắm ruốc còn dài.

Thuyền nan chở động lực

Hằng đã dành những ngày cuối cùng trên nước Úc để viết lại kinh nghiệm học và thi tiếng Anh, kinh nghiệm thể hiện bản thân trên hồ sơ “săn” học bổng. Hai năm làm chủ tịch hội sinh viên ĐH Adelaide (Úc), cô đã giúp nhiều sinh viên tìm được con đường thênh thang hơn để đến với giấc mơ của mình. Cậu em trai cũng theo bước chị, đang tích cực tìm học bổng hướng ra thế giới. Hằng thì quay lại những mái tranh nghèo quê mình, tìm những giấc mơ đang ẩn sâu dưới lớp tro bếp, đống củi, mớ cá, nhẹ tay kéo nó ra, phủi bụi...

Chưa có cơ sở sản xuất, chưa có thương hiệu được đăng ký độc quyền, mọi thứ vẫn còn ở “thì tương lai” nhưng Hằng hôm nay đã “chết tên” là Hằng “mắm ruốc” và những sản phẩm của cô được chọn cái tên thật hàm súc: mắm Thuyền Nan. Hằng say sưa giải thích: “Thuyền nan là hình ảnh truyền thống của những ngư dân Việt Nam, mắm Thuyền Nan vì thế sẽ bảo tồn những cách làm truyền thống nhất. Thuyền nan cũng chất chứa những câu chuyện rất cảm động về cuộc sống những nông dân nghèo. Thuyền nan chuyên chở ước mơ của họ vươn xa...”.

Câu chuyện của Hằng và gia đình hiếu học của mình chính là một câu chuyện tiêu biểu cho chiếc thuyền nan muốn vươn ra biển lớn ấy.

Cô học trò nghèo trên sông Thạch Hãn

Không xa lạ gì với bạn đọc báo Tuổi Trẻ, từ năm 2004 Hằng đã được nhiều bạn đọc báo yêu mến khi từ con thuyền nan lam lũ trên sông Thạch Hãn của một gia đình nghèo bậc nhất Quảng Trị mà đậu thủ khoa ĐH. Học bổng Vì ngày mai phát triển đã giúp Hằng nhẹ bớt nỗi lo để bước vào đời sinh viên. Bốn năm sau cô trở thành kỹ sư nông nghiệp với ước mơ giúp những người nông dân như cha mẹ mình thoát nghèo. Đi làm, thấy rõ những gì mình học được chưa đủ để thực hiện những dự định, Hằng quyết học thêm ngoại ngữ để tìm học bổng.

Đồng lòng với giấc mơ của cô gái trẻ đồng hương, qua cầu nối của Tuổi Trẻ, ông bà Dương Quang Thiện đã giúp đỡ cô trong suốt thời gian “xóa trắng những cái sai kinh khủng” để học ngoại ngữ, cuối cùng Hằng đã toại nguyện với học bổng trị giá 112.000 USD của Bộ Ngoại giao Úc. Theo học thạc sĩ về biến đổi khí hậu, vừa hoàn thành luận án, một học bổng tiến sĩ nữa chờ Hằng, nhưng đầu năm 2013 cô đột ngột trở về, lặn lội khắp các làng chài từ Hà Tĩnh, Quảng Trị, Phan Thiết, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi... và công bố với mọi người: từ nay hãy gọi mình là Hằng “mắm ruốc”.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên