Phóng to |
Hồ Thị Thu học ở ký túc xá |
Đó là hoàn cảnh của cô sinh viên năm 3 Trường đại học Sư phạm Huế, Hồ Thị Thu, người dân tộc Pa Kô.
Nỗi đau chồng tiếp nỗi đau
"Em không biết mình sinh năm mô, chỉ biết trong giấy khai sinh đề là 1986, hỏi bố thì bố bảo tính theo mùa rẫy". Sinh ra và lớn lên trên vùng đất A Lưới anh hùng. Là người dân tộc thiểu số Pa Kô, thôn La Ngà (xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Cuộc sống của cả gia đình quanh năm bám víu lấy nương rẫy, núi rừng nên các anh chị của Thu đều sớm rời đèn sách, riêng Thu và người em gái Hồ Thị Thanh được bước chân vào giảng đường đại học.
Ước mơ đem con chữ về gieo cho những đứa trẻ Pa Kô nghèo "khát chữ" nơi miền núi rừng Trường Sơn càng cháy bỏng. Nỗi niềm càng níu kéo cô sơn nữ đến với con chữ mạnh mẽ hơn.
Nào ngờ, ước mơ của hai chị em bỗng gãy mất một nửa. Trong một lần về quê phụ cha mẹ làm vườn, người em gái Hồ Thị Thanh bị điện giật. Trong tiếng co thét tột cùng của con, mẹ Thu chạy đến quýnh quáng chộp lấy chân Thanh kéo ra khỏi dây điện...
Tai nạn đó đã cướp đi của Thu người mẹ và người em yêu quý. Những bữa cơm gia đình bỗng chốc trở nên vắng vẻ, thiếu vắng một cái gì đó mà không thể nào bù đắp lại được. "Sống mần răng hả anh!", đôi mắt cô gái chớm ướt. "Lúc đó em đang ôn thi học kỳ, nghe tin em chẳng nghĩ gì, ngồi trên xe mà không biết mình đang đi mô. Đau lắm anh. Không mẹ sống mần răng! Còn em gái nữa chứ! Biết bao giờ được gọi tiếng mẹ nữa đây anh?". Không kiềm được cảm xúc, Thu bật khóc.
Gập ghềnh đường đến trường
Dằn buồn đau, Thu vẫn đến trường bằng tiền chu cấp của người anh kế. Kể từ sau khi mẹ mất, anh trai kế của Thu khăn gói vào Nam đi làm kiếm tiền gửi về cho cô em gái tiếp tục nuôi ước mơ đại học. Nỗi buồn mất mẹ, mất em chưa nguôi ngoai thì Thu lại đón nhận một hung tin anh trai Thu qua đời vì tai nạn lao động nổ bình khí gas. Cô sinh viên nghèo bất lực nhìn cuộc đời, nhiều lúc như muốn từ bỏ tất cả ước mơ.
Nỗi buồn cũ chưa vơi đi thì nỗi buồn mới lại "ghé” đến. Thấy đời sao nghiệt ngã quá! Vui đâu không thấy, mà nỗi buồn cứ "vùi dập" cô sinh viên trong từng ký ức đau buồn. Con đường đến với giảng đường cứ gập ghềnh. Tính cách năng động một thời của cô thủ lĩnh trong các hoạt động Đoàn Đội, giờ là những nếp nhăn nhớ nhung người thân.
Theo các bạn cùng phòng với Thu ở ký túc xá Đội Cung, từ ngày gia đình liên tiếp gặp chuyện buồn, Thu ít nói hẳn và suất ăn hằng ngày của cô cũng giảm xuống. "Mỗi ngày Thu ăn hai buổi, có hôm Thu chỉ ăn mỗi buổi trưa" - My, bạn cùng phòng, cho hay. Nhìn Thu tiếp chuyện với chúng tôi mà đôi mắt phờ phạc, sâu hoắm, người vật vã. "Mấy tháng rày Thu xin làm phụ ca đêm cho một nhà hàng, hôm nào về đến nhà cũng quá nửa đêm. Rồi còn bài vở nữa nên hôm nào Thu cũng mất ngủ” - một bạn cùng phòng cho biết thêm.
Từ ngày mẹ qua đời, món nợ hơn 60 triệu đồng luôn ám ảnh Thu. Còn người cha già đã mất sức lao động, bệnh tật triền miên, bại liệt không thể tự lo cho bản thân nên Thu rất lo lắng. Gánh khổ cuộc đời đôi lúc dường như khiến Thu mất hết nghị lực tiếp tục ước mơ "gieo chữ". Những kỷ niệm bên mẹ, anh, em gái cứ hiện về. "Nửa đêm nghe tiếng ai đó thút thít mình bật dậy thì thấy Thu đang khóc" - Lan, bạn cùng phòng, cho biết.
Hiện nay không chỉ phải tự xoay xở tiền sinh hoạt hằng tháng mà Thu còn phải tranh thủ đi làm thêm sau giờ học để kiếm tiền gửi về cho bố chữa bệnh và trả nợ dần. Những đồng tiền kiếm được từ những bữa thức đêm, rồi trở về ký túc xá trong tiếng im lặng khi mọi người đã vào giấc ngủ, Thu lại chong đèn cùng bài vở cho buổi học ngày mai nơi giảng đường...
Áo Trắng số 14 (ra ngày 1-8-2009) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận