05/10/2022 16:39 GMT+7

Có sẵn tiền trong túi nhưng vẫn ít nhà sản xuất gỗ Việt 'dám' đầu tư công nghệ

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Một số nhóm doanh nghiệp Việt Nam đã sử dụng công nghệ hiện đại với máy móc chủ yếu được nhập khẩu, tuy nhiên các thiết bị đang sử dụng đều có năm sản xuất trung bình là 2010, khá cũ so với các thiết bị hiện nay.

Có sẵn tiền trong túi nhưng vẫn ít nhà sản xuất gỗ Việt dám đầu tư công nghệ - Ảnh 1.

Đầu tư công nghệ đúng sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến gỗ trong nước vươn tầm thế giới - Ảnh: H.K.

Tại buổi họp báo giới thiệu về Triển lãm quốc tế VietnamWood 2022 ngày 5-10, ông Lê Đức Hiếu - giám đốc dự án Công ty Vetta, chuyên cung cấp máy chế biến gỗ - cho biết khi trao đổi với các hiệp hội trong ngành gỗ, nội thất thì ghi nhận chỉ có 5-10% doanh nghiệp ngành này thực sự đầu tư nghiêm chỉnh cho công nghệ, máy móc mới để thay đổi cách vận hành, sản xuất.

Theo ông Hiếu, các ông chủ doanh nghiệp Việt đại đa số dư khả năng tài chính để mua sắm máy móc hiện đại hay phần mềm công nghệ tiên tiến sau thời gian dài tích lũy. Nhưng băn khoăn lớn nhất của những doanh nghiệp này là sẽ đầu tư công nghệ gì, vận hành máy móc hiện đại kia ra sao thì tăng được năng suất lao động, đảm bảo chất lượng đồng đều giữa các thành phẩm, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận?

"Tiền trong túi họ có nhưng lại không biết đầu tư ra sao. Một số chọn hình thức đầu tư đơn lẻ, thay thế máy móc theo bộ phận ưu tiên, thực tế là các khoản đầu tư này đem lại kết quả tốt, cải thiện năng suất. Nhưng nếu so với các doanh nghiệp trong khu vực thì chúng ta vẫn còn thua kém rất nhiều ở sự thiếu kết nối trong một chuỗi sản xuất giữa các máy lẻ để có một quy trình sản xuất thông minh, hiệu quả. Số doanh nghiệp có được quy trình khép kín này hiện rất ít", ông Hiếu nói.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương - phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA),
sự lên ngôi của xu hướng tự động hóa sản xuất đang diễn ra mạnh mẽ nhằm giảm số lượng lao động trực tiếp, thay thế bằng công nghệ máy móc. Các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng định hướng được dòng sản phẩm sản xuất theo hướng chuyên môn hóa.

Nhưng xu hướng này cũng cho thấy thị trường mua sắm công nghệ và những trở ngại của doanh nghiệp. Thường quá trình chuyển đổi từng bước khá dễ dàng, nhưng khi kết nối để thay đổi cả chuỗi sản xuất thì bên cạnh tài chính cần có sự chuẩn bị nhân lực, tầm nhìn và chất lượng quản trị.

Theo HAWA, 8 tháng của năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 11,156 tỉ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh trở lại trong tháng 8-2022 nhưng ảnh hưởng của lạm phát, những bất ổn về kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến tăng trưởng xuất khẩu của ngành gỗ và sản phẩm gỗ nói riêng, và các mặt hàng khác nói chung của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2022.

Sau một năm tạm hoãn do đại dịch COVID-19, VietnamWood - Triển lãm thương mại hàng đầu khu vực Đông Nam Á trong ngành công nghiệp chế biến gỗ, chế biến gỗ sơ và thứ cấp - sẽ diễn ra từ ngày 18 đến 21-10-2022 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC). Sự kiện diễn ra song song cùng triển lãm trực tuyến.

Mặc dù chính sách Zero-COVID của Trung Quốc khiến nhiều nhà triển lãm tại đây không thể tham dự sự kiện năm nay, nhưng VietnamWood 2022 vẫn thu hút hơn 250 doanh nghiệp từ 24 quốc gia và khu vực. Trong đó, quy tụ các thương hiệu danh tiếng Homag, Michael Weinig, SHODA...

Doanh nghiệp gỗ vật lộn tìm thị trường mới Doanh nghiệp gỗ vật lộn tìm thị trường mới

TTO - Từ trạng thái kín lịch đơn hàng hồi đầu năm 2022, các doanh nghiệp ngành gỗ và nội thất gỗ Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, chi phí cho người lao động, nguyên liệu đầu vào.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên