31/01/2013 08:34 GMT+7

Có "quota" mới được sắm xe

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TT - UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định về kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông. Trong đó, UBND TP yêu cầu triển khai một số giải pháp như nghiên cứu đề tài quản lý các phương tiện đăng ký mới thông qua giấy chứng nhận quyền mua xe (COE).

UKokzpjT.jpgPhóng to
Đăng ký biển số ôtô tại đội đăng ký quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ TP.HCM (282 Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Liệu COE có mang lại hiệu quả hạn chế xe cá nhân?

* PGS.TS Phạm Xuân Mai (Đại học Bách khoa TP.HCM):

Khó thực hiện

Bộ Giao thông vận tải đã bỏ đề án hạn chế xe cá nhân

Phát biểu tại cuộc họp tổng kết Sở Giao thông vận tải TP.HCM ngày 15-1, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết bộ đã bỏ đề án hạn chế xe cá nhân vì không khả thi. Thay vào đó, bộ sẽ thực hiện đề án cho xe cá nhân phát triển hợp lý so với mức độ phát triển cầu, đường.

Việc TP.hcm đề xuất giải pháp hạn chế xe cá nhân bằng giải pháp COE là áp dụng theo mô hình mà Singapore đã thực hiện. Thế nhưng, rất khó áp dụng COE với TP vì điều kiện địa lý, dân số và mức sống rất khác với Singapore. Là một đảo quốc, với mức sống cao nên một người dân Singapore có khả năng mua 2-3 ôtô để thuận lợi cho việc đi làm, đi chơi do đó Chính phủ Singapore áp dụng COE có hiệu quả để một người chỉ có một chiếc xe.

Trong khi đó, thu nhập của người dân TP.HCM thấp hơn nhiều so với Singapore nên mỗi người cũng chỉ mua một chiếc xe để đi lại.

Theo tôi, việc thực hiện COE không những sẽ gây tốn kém cho người dân mà còn khó thực hiện. Vì chúng ta đã có bài học của TP Hà Nội không cho một số quận nội thành đăng ký xe thì người dân lại nhờ người thân ở các tỉnh đăng ký xe và đưa về Hà Nội sử dụng. Kết quả là Hà Nội phải bãi bỏ việc cấm đăng ký xe ở các quận nội thành. Vì vậy, nếu TP.HCM áp dụng COE chắc chắn người dân TP sẽ tìm cách để có xe như người dân Hà Nội là đưa xe từ các tỉnh về TP.

Tôi đề nghị UBND TP cần xem xét giải quyết cái gốc của vấn đề, đó là biện pháp đẩy mạnh phát triển xe buýt, xe điện, tàu điện ngầm (metro)... Vì thông qua thực tế sử dụng phương tiện nào đi lại thuận tiện, có giá thấp thì người dân sẽ lựa chọn phương tiện đó, thay vì thực hiện giải pháp ép buộc COE.

* Ông Lâm Thiếu Quân (đại biểu HĐND TP.HCM):

Hạn chế xe cá nhân đã lên đến đỉnh điểm

Singapore là quốc gia và là một TP nên họ áp dụng COE hiệu quả, kể cả việc họ hạn chế xe từ Malaysia vào Singapore. Trong khi đó, nếu TP.HCM thực hiện COE thì người dân TP sẽ nhờ người thân ở các tỉnh mua xe đưa về TP sử dụng. Như vậy, nếu một mình TP thực hiện COE sẽ không thể ngăn chặn được xe từ các tỉnh vào TP. Tôi cho rằng việc hạn chế sở hữu xe cá nhân ở VN đã lên đến đỉnh điểm rồi vì người mua xe đã phải chịu thuế và các loạilệ phí khá nặng.

Vấn đề chính là TP nên hạn chế xe cá nhân lưu thông trong những khu vực nhỏ như không cho xe máy vào một số tuyến đường ở khu trung tâm TP để tạo thói quen cho người dân đi bộ.

* Một cán bộ Sở Giao thông vận tải TP.HCM:

Không có số liệu xe cá nhân thực tế đi lại

Từ mấy chục năm nay, các cơ quan chức năng chỉ nhập thêm số liệu đăng ký ôtô, xe máy từng tháng, từng năm. Thế nhưng, các cơ quan chức năng không biết được số lượng ôtô, xe máy cũ nát mà người dân đã loại bỏ để xác định số lượng thực tế xe cá nhân đang lưu hành. Do không có số liệu thực tế số lượng xe cá nhân đang đi lại nên cũng khó xác định xe cá nhân đang gây quá tải so với mật độ cầu đường ở TP.HCM (gồm khoảng 3.700km chiều dài đường tráng nhựa rộng từ 4m trở lên có tổng diện tích 27 triệu m2 mặt đường). Vì vậy, rất khó xác định có cần COE nhằm hạn chế xe cá nhân và nếu thực hiện COE liệu sẽ có hệ quả gì.

Mới đây, Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải - Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất UBND các tỉnh và TP góp ý dự thảo đề án chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, viện đề xuất trong chiến lược phát triển vận tải đô thị Hà Nội và TP.HCM cần xem xét phát triển giao thông vận tải công cộng, hạn chế vận tải bằng phương tiện cá nhân bằng cách xác định lưu lượng vận tải, thị phần đảm nhận của vận tải công cộng, thị phần của các phương thức vận tải khác... Như vậy, Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải không yêu cầu về giải pháp cụ thể hạn chế xe cá nhân như giải pháp COE mà TP sắp nghiên cứu.

* Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Mạnh Hùng:

Nghị định, thông tư về luật giao thông không có điều này

Việc quy định hạn ngạch hay giấy chứng nhận quyền để mua xe thì nghị định, thông tư về luật giao thông không có điều này. Tuy nhiên, Luật giao thông đường bộ quy định hệ thống quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải đứng ra quản lý, tổ chức giao thông, nhưng đoạn quốc lộ đi qua Hà Nội thì giao cho Hà Nội đảm trách. Còn đường nội ô thuộc về quyền của UBND TP quản lý và việc ra các chính sách, quy định là do HĐND TP. Ví dụ trước đây Hà Nội ra quy định tăng kịch trần phí trước bạ ôtô đăng ký lần đầu là 20% (nay đã hạ xuống).

Nếu TP.HCM có văn bản chính thức về giải pháp hạn chế xe cá nhân, bộ sẽ trao đổi trên cơ sở Luật giao thông đường bộ, nghị định, thông tư và trên công việc của mỗi TP với bộ. Còn việc đề xuất những quy định đó thì TP.HCM chịu trách nhiệm.

TUẤN PHÙNG ghi

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên