Người Việt vốn có lối sống rất trọng tình cảm, hay quan tâm đến chuyện gia đình con cái, nhà cửa, thu nhập...
Đối với những người lớn tuổi, đôi khi chuyện con cái trưởng thành, kết hôn, sinh con đẻ cái có đủ cả trai lẫn gái như là những thành tích mà các cụ hay tự hào khoe với nhau.
Là người độc thân, chắc không ít lần bạn sợ nghe hỏi: Bao giờ mới lấy chồng/vợ?. Đến khi kết hôn lại ngán nhất câu hỏi muôn thuở: Có con chưa? Sao cưới lâu rồi mà không chịu sinh?
Có người thân thiết hơn còn nhiệt tình phân tích thêm: sinh sớm đi không là sau này cha già con nhỏ cực lắm! Phụ nữ mà sinh muộn quá coi chừng … vô sinh luôn thì khổ!
Có những câu nói như lời an ủi, động viên, vực con người ta dậy sau những nỗi đau nhưng cũng có những câu hỏi ngắn thôi mà như lưỡi dao cứa vào tim người được hỏi dù biết rằng có lẽ người hỏi không có ác ý, chỉ là quan tâm hơi quá mà thôi."
Lại Thị Ngọc Hạnh
Nghe thì tưởng hỏi vậy là quan tâm, là thân thiết nhưng thực ra những câu hỏi này cứ lặp đi lặp lại hết người nhà đến người quen làm cho người được hỏi bị đẩy vào thế bí.
Hồi tôi kết hôn được một năm, cứ mỗi lần gặp cô dì chú bác hoặc người quen là lại được hỏi: có gì chưa? Nghe nhiều tới mức tôi phát sợ nhất là dịp tết nhất hay giỗ chạp bà con tụ họp.
Có lần đi tiệc đầy tháng con của anh bạn bên chồng, một anh bạn cùng hội với chồng tôi đã nói thẳng vào mặt tôi: sao vợ chồng mày không sinh con đi, tính để tiền xây nhà lầu à?
Hôn nhân là cái duyên cái số, con cái là lộc trời ban đâu phải muốn là được, nay ước mai có, đối với người này thì dễ những đối với người khác lại khó khăn vô cùng.
Còn chuyện hiếm muộn cũng vậy. Có người dễ dàng nói ra chuyện họ bị hiếm muộn nhưng cũng có người không dễ gì mở lòng được vì e ngại bị đánh giá yếu sinh lý , bản lĩnh đàn ông kém cỏi hay là quá khứ chơi bời trác táng nên giờ mới như vậy.
Nếu nguyên nhân chuyện muộn con là do vợ thì có khi chính sự quan tâm quá mức của người khác dễ khiến gia đình lục đục rồi chia ly, tự bản thân người vợ vì quá áp lực mà đành phải chủ động giải phóng cho người chồng.
Quan tâm đến người khác là tốt nhưng đừng quá chú ý đến những vấn đề riêng tư như chuyện kết hôn, con cái. Tại sao gặp nhau thay vì hỏi chuyện chồng/vợ con lại không hỏi xem công việc của bạn có gì vui không? Lâu rồi có hay gặp những người bạn cũ không?
Có những câu nói như lời an ủi, động viên, vực con người ta dậy sau những nỗi đau nhưng cũng có những câu hỏi ngắn thôi mà như lưỡi dao cứa vào tim người được hỏi dù biết rằng có lẽ người hỏi không có ác ý, chỉ là quan tâm hơi quá mà thôi.
Rút kinh nghiệm từ chính mình, tôi thường ít khi hỏi trực tiếp ai đó về chuyện con cái vì sợ biết đâu lại chạm vào nỗi đau khó nói của người khác.
Vậy nên có lần nghe mẹ khoe với bà bạn già là mình đã có 6 đứa cháu cả nội lẫn ngoại, tôi tự thấy mình may mắn vì đã đóng góp vào "thành tích" lớn lao đó!
Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả. Còn bạn, bạn nghĩ gì về điều này? Theo bạn, làm gì để thể hiện sự quan tâm đến người khác mà không bị xem là soi mói đời tư ? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi về địa chỉ: [email protected]. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận