Thông tin trên được ông Đỗ Tấn Long - phó giám đốc Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM - cung cấp tại buổi họp báo về các vấn đề kinh tế - xã hội chiều 6-7.
Theo ông Long, nguyên nhân chính gây ngập sau mưa lớn là hệ thống cống nhỏ, không đủ diện tích để thoát nước.
Ngoài ra, nhiều tuyến đường vẫn chưa được đầu tư cống thoát nước. Trong đó có nhiều tuyến cống được đầu tư từ nhiều thời kỳ trước, khi còn là vùng nông thôn, nay đã đô thị hóa chưa được đầu tư lại.
Đồng thời, hệ thống kênh rạch cũng chưa được nạo vét, nhiều công trình thoát nước do vướng giải phóng mặt bằng nên vẫn chưa được triển khai.
"Hiện TP.HCM đang đầu tư hoàn thiện hệ thống thoát nước theo năng lực, từng bước thiết kế, đền bù giải phóng mặt bằng để giải tỏa các kênh rạch nhằm đảm bảo thoát nước.
Trong thời gian tới nếu tiếp tục xảy ra những trận mưa lớn vượt tần suất thì những khu vực chưa được đầu tư hệ thống cống thoát nước hoặc đang đầu tư mà chưa hoàn thành thì vẫn sẽ bị ngập" - ông Long nói.
Về giải pháp chống ngập, ông Long cho biết UBND TP.HCM đã ban hành đề án chống ngập giai đoạn 2020 - 2045 và kế hoạch xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2030.
Trong đó có 4 nhóm giải pháp phi công trình và 1 giải pháp công trình được đầu tư theo từng năm, từng giai đoạn.
Cụ thể, đến năm 2025 thì 80% dân số đô thị được hưởng dịch vụ thoát nước và tầm nhìn đến năm 2045 sẽ có 90% dân số đô thị được hưởng dịch vụ thoát nước.
Hiện nhiều dự án chống ngập vẫn chưa được triển khai do vướng công tác giải phóng mặt bằng, việc di dời hạ tầng điện, cây xanh... khiến dự án trì trệ.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, dự án chống ngập đã giải quyết 3 điểm ngập gồm đường Tân Quý (quận Tân Phú), Trương Công Định và Ba Vân (quận Tân Bình). Các dự án cải tạo hệ thống thoát nước chậm triển khai như đường Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp), đường Thảo Điền - Quốc Hương (quận 2)...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận