Đại biểu Đồng Ngọc Ba đề nghị cần làm rõ quy định về xúi giục trong giao kết hợp đồng bảo hiểm - Ảnh: Quochoi.vn
Thảo luận tại tổ ngày 25-10, đại biểu Đồng Ngọc Ba - cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) - bày tỏ băn khoăn và đề nghị cần xem xét lại một cách thận trọng về điều khoản quy định các doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp thông tin bên mua bảo hiểm và các thông tin khác có liên quan để xây dựng hệ thống dữ liệu.
Theo ông, thông tin này có thể liên quan đến bí mật cá nhân, đời tư của người mua bảo hiểm. Vậy thì phải có giới hạn như thế nào, cơ quan nào được phép yêu cầu cung cấp, cần có quy định cụ thể trong luật. Đơn cử như trong trường hợp xem xét xử lý vi phạm pháp luật thì có thể cung cấp, nhưng với những trường hợp khác thì phải luật hóa chứ không thể quy định trong thông tư hướng dẫn.
Đặc biệt, liên quan đến quy định "xúi giục, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm" trong dự thảo, ông Ba cho rằng quy định này vừa không rõ ràng lại không phù hợp. Cũng bởi việc cấm ép buộc là phù hợp vì hợp đồng phải trên cơ sở của tự do, thỏa thuận. Nếu can thiệp đe dọa cưỡng ép để dẫn đến hợp đồng thì có thể xử lý.
"Xúi giục" nghe thì có tính chất xấu nhưng nếu quy định xúi giục giao kết hợp đồng bảo hiểm chỉ dừng lại như thế thôi mà coi là vi phạm pháp luật thì rất gây tranh luận", ông Ba nêu quan điểm rằng trường hợp hợp đồng đó là tự nguyện và mang lại lợi ích cho các bên thì không thể đặt ra vấn đề xử lý người xúi giục được.
Trước quan điểm này, ông Hồ Đức Phớc - bộ trưởng Bộ Tài chính - cũng đồng tình cần xem xét lại thế nào là xúi giục. "Ví dụ như tôi rủ anh đi cà phê thì có tính là xúi giục không?" - ông Phớc đặt câu hỏi và khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến để "chuẩn chỉnh hơn".
Còn theo đại biểu tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Thắng - giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, dự thảo luật cần làm rõ hơn về các khái niệm: "bảo hiểm sinh kỳ", "bảo hiểm tử kỳ", "bảo hiểm vi mô"... để người đọc dễ hiểu và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Đồng thời, ban soạn thảo cần nghiên cứu, phân loại, phân nhóm bảo hiểm rõ ràng hơn thay vì quy định quá chi tiết vì sẽ liệt kê không hết được. Theo ông, lĩnh vực bảo hiểm là nguồn lực rất tốt cho việc tái đầu tư nên cần có những quy định làm sao thu hút đông đảo người dân tham gia bảo hiểm.
Cùng quan tâm tới vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương) cho rằng việc sử dụng từ ngữ và giải thích từ ngữ trong dự thảo luật cần phải rà soát lại. Số lượng từ phải giải thích quá nhiều khi những nội dung trong dự thảo luật rất khó hiểu, thậm chí không thể hiểu được.
"Khi người dân không hiểu hoặc hiểu không rõ thì họ chắc chắn sẽ không tham gia. Như vậy việc thu hút đông đảo người dân tham gia bảo hiểm sẽ là khó khả thi" - đại biểu Phàn nêu.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình về dự án Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh việc sửa đổi Luật kinh doanh bảo hiểm sẽ xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, đồng thời cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành trong phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, khách hàng, sự an toàn của cả hệ thống, tiết giảm chi phí xã hội.
Trong đó, quy định nội dung về hợp đồng bảo hiểm cơ bản giữ nguyên cách thiết kế của luật cũ, có bổ sung thêm mục về đề phòng hạn chế tổn thất, phòng chống gian lận và giải quyết tranh chấp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận